5 siêu vũ khí của Mỹ bị Trung Quốc “làm nhái”
Người Mỹ hẳn sẽ rất bất ngờ khi thấy hàng loạt vũ khí trọng điểm của mình bị người Trung Quốc “sao y bản chính”.
5 loại vũ khí Mỹ bị Trung Quốc "làm nhái".
Khi quân đội Trung Quốc phát triển, tổ hợp công nghiệp - quốc phòng của quốc gia đông dân nhất hành tinh cũng làm mọi cách để bắt kịp yêu cầu tăng trưởng. Lệnh cấm vận vũ khí áp đặt sau năm 1989 khiến vũ khí và công nghệ phương Tây bị chặn đường vào Trung Quốc.
Không biết bằng cách nào, Trung Quốc đã học hỏi các công nghệ và vũ khí tối tân của phương Tây, đồng thời đưa ra những thiết kế giống của Mỹ một cách “không thể tình cờ” hơn.
Tàu đổ bộ 726
Gia nhập biên chế quân đội Mỹ từ năm 1987, tàu đổ bộ đệm hơi của Mỹ là một bước tiến quan trọng trong hoạt động tấn công đối phương. Tàu của Mỹ có thể chở theo 60-70 tấn hàng và thực hiện các nhiệm vụ tấn công với tốc độ chóng mặt. Điều này giúp tàu có thể chở hàng/quân và tấn công nhanh hơn, gây choáng váng cho kẻ địch.
Tàu đổ bộ “Yuyi” 726 của Trung Quốc là một phiên bản “y xì đúc” tàu đổ bộ Mỹ. Tàu 726 giống hệt “đồng nghiệp” bên Mỹ từ thiết kế tới tính năng, chỉ khác ở kích thước và chở được ít hàng hơn. Tàu này có thể chở theo một xe tăng chủ lực Type 99 nặng khoảng 58 tấn.
Súng trường CQ
Súng AR-15 của Mỹ được công ty Eugene Stoner thiết kế với mục tiêu là một súng trường hạng nhẹ, dùng trong các cuộc viễn chinh. Súng AR-15 sử dụng đạn 5,56 mm và có vỏ ngoài bằng nhựa. Ngày nay, quân Mỹ sử dụng súng carbine M4, một phiên bản ngắn hơn của M16 cải tiến từ AR-15.
Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất sở hữu AR-15. Tập đoàn Công nghiệp Miền Bắc Trung Quốc đã thành công trong việc “sao y bản chính” súng trường AR-15 và tạo ra súng CQ y hệt. Hình dáng của loại súng này về cơ bản là giống của Mỹ, ngoại trừ báng súng quá cổ lỗ như một khẩu nòng xoay và tay cầm quá nặng.
Hiện tại, lực lượng vũ trang Trung Quốc và đơn vị chống khủng bố sử dụng súng CQ trong các nhiệm vụ chuyên biệt.
Xe bọc thép Đông Phong EQ2050
Xe đa dụng, bọc thép và độ linh hoạt cao của Mỹ thường được gọi là M998 Humvee. Loại xe dẫn động 4 bánh này là một phiên bản cải tiến của chiếc jeep huyền thoại sử dụng trong Thế chiến 2. Humvee đời mới chở được nhiều hàng hơn, lớn hơn và bắt đầu gia nhập biên chế Mỹ từ năm 1984.
Tập đoàn AM General định bán mẫu xe Humvee cho Trung Quốc đầu năm 1980 nhưng quân đội Trung Quốc từ chối vì nghĩ rằng xe này quá lớn và cồng kềnh. Sau đó, khi chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra, Trung Quốc đổi ý. Một chiếc Humvee đã được tặng cho Trung Quốc và sau này, tập đoàn Đông Phong đã tự thiết kế mẫu xe EQ2050.
Thời điểm chế tạo, Trung Quốc không thể sao chép toàn bộ động cơ của chiếc Humvee nguyên bản nên tập đoàn Đông Phong sử dụng động cơ diesel thay thế. Đây cũng là cách để Trung Quốc “lách luật” bằng cách mua động cơ diesel cho xe dân sự nhưng thực chất hoán cải để sử dụng trên chiếc EQ2050.
Trực thăng Z-20 tầm trung
Quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng chiếc UH-60 “Diều hâu đen” từ năm 1979. UH-60 cơ động, bọc thép, chở được nhiều binh sĩ hơn chiếc UH-1 tiền nhiệm. Trực thăng này lần đầu tiên xuất hiện trong chiến dịch Grenada năm 1983 và sau đó là cuộc xâm lược Panama năm 1989. Tại cuộc chiến Vùng Vịnh, UH-60 được sử dụng nhiều và tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở Somali những năm 1994-1995.
UH-60 có một “người anh em thất lạc” khác đến từ Trung Quốc với số hiệu Cáp Nhĩ Tân Z-20. Trực thăng này chính là UH-60 huyền thoại được Trung Quốc nhập 24 chiếc trước khi lệnh cấm vận vũ khí ban hành.
Nhà báo quân sự Tyler Rogoway viết: “Những thay đổi đáng kể về khoang lái, cánh đuôi và thiết kế rotor đã được Trung Quốc thực hiện”. Trục xoay chính có 5 cánh quạt thay vì 4 như chiếc UH-60.
Tàu khu trục 052D
Tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke của Mỹ là khu trục hạm đầu tiên sử dụng hệ thống chiến đấu Aegis tân tiến. Tàu sử dụng radar cỡ lớn SPY-1D có khả năng chống trả mọi cuộc tấn công bằng đường không.
Tàu khu trục lớp Burke nổi tiếng từ Thế chiến 2 và có tổng cộng 62 chiếc được đóng với khả năng chống hạm, phòng không và chống ngầm vượt trội. Khu trục hạm này dự kiến sẽ còn phục vụ biên chế Mỹ thêm 50 năm nữa.
Tàu khu trục 052D của Hải quân Trung Quốc lấy ý tưởng lớn từ tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Tàu 052D có hệ thống radar theo pha rất lớn đặt ngầm bên trong thân. Cũng giống như người anh em của mình, tàu 052D có khả năng phòng không với tên lửa HQ-9.
Tàu khu trục của Trung Quốc mang theo tên lửa chống hạm và tên lửa tấn công mặt đất. Đồng thời, tàu chở theo trực thăng cho các hoạt động săn ngầm và cứu nạn.
Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc vẫn là một bí ẩn lớn với thế giới khi rất ít thông tin về dự án được tiết lộ.