5 nước châu Á lọt Top 7 các lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới
Tổ chức Danh mục Thế giới về Tàu chiến Quân sự Hiện đại (WDMMW) đã công bố báo cáo về những quốc gia sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới năm 2023, trong đó châu Á đóng góp 5 trong Top 7 đại diện.
Các tàu chiến và máy bay Indonesia di chuyển theo đội hình trong một cuộc tập trận.
WDMMW thuộc mạng lưới chuyên đánh giá năng lực quân sự của các quốc gia trên thế giới và có liên hệ với tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower. Thông tin do WDMMW đăng tải được thu thập từ các nguồn công khai và được coi là có độ chính xác cao.
WDMMW công bố bảng xếp hạng dựa trên đánh giá về số lượng tàu chiến, tàu ngầm cùng các yếu tố khác như tuổi đời của hạm đội, mức độ hỗ trợ hậu cần, năng lực tấn công và phòng thủ, theo tờ Insider.
WDMMW cũng xem xét các yếu tố như mức độ đa dạng tàu chiến và liệu các tàu chiến có tập trung ở cùng một khu vực hay không. WDMMW không đưa vào danh sách thống kê các tàu chiến quá nhỏ, tàu khảo sát hoặc các tàu không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Lực lượng hải quân của các quốc giá được xếp hạng theo thang điểm từ thấp đến cao. Trong bảng xếp hạng năm 2023, Singapore xếp ở vị trí số 24 với 37 tàu chiến, gồm 5 tàu ngầm, 6 khinh hạm, 6 tàu hộ vệ và các tàu tuần tra, đổ bộ. Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Singapore là 19,2.
Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á khác được xếp hạng 21 với tổng cộng 86 tàu chiến. Các tàu chiến đáng chú ý của Thái Lan gồm 1 tàu sân bay trực thăng, 4 tàu khu trục, 7 khinh hạm, 6 tàu hộ vệ và các tàu chiến khác. Thái Lan hiện vẫn chưa sở hữu tàu ngầm dù đã đặt hàng từ Trung Quốc. Lực lượng hải quân Thái Lan chủ yếu làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh và phòng thủ ven bờ. Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Thái Lan là 25,6, theo WDMMW.
Úc có lực lượng hải quân xếp thứ 20, được đánh giá ở mức "trung bình" với 36 tàu chiến, gồm 6 tàu ngầm, 3 tàu khu trục, 8 khinh hạm và các tàu chiến khác.
Đức sở hữu lực lượng hải quân xếp ở vị trí số 18 với 34 tàu chiến, gồm 6 tàu ngầm, 11 khinh hạm, 5 tàu hộ vệ và các tàu cỡ nhỏ khác.
Triều Tiên được WDMMW đánh giá xếp ở vị trí số 14. Hải quân Triều Tiên sở hữu tới 19 tàu ngầm, 2 khinh hạm, 7 tàu hộ vệ và số lượng tàu tuần tra ven bờ lên tới 157. Tổng số tàu chiến mà Triều Tiên sở hữu là 186, độ tuổi trung bình là 49,2.
Hải quân Ai Cập được đánh giá mạnh nhất ở châu Phi, xếp ở vị trí số 13, theo đánh giá của WDMMW. Ai Cập sở hữu 107 tàu chiến, gồm 8 tàu ngầm, 12 khinh hạm, 7 tàu hộ vệ và các tàu cỡ nhỏ khác. Ai Cập cũng sở hữu 2 tàu sân bay trực thăng và đây là khí tài mạnh nhất ở khu vực mà không một quốc gia châu Phi/Trung Đông nào có.
Từ giữa thế kỷ 18 cho đến trước Thế chiến 2, Anh là quốc gia sở hữu lực lượng hải quân thống trị thế giới. Nhưng nay hải quân Anh chỉ xếp ở vị trí thứ 9, với 2 tàu sân bay, 10 tàu ngầm, 6 tàu khu trục, 12 khinh hạm và các tàu chiến khác.
Pháp là quốc gia có mối duyên nợ với Anh trong lịch sử. Theo đánh giá của WDMMW, hải quân Pháp xếp ngay phía trên hải quân Anh. Pháp xếp thứ 8 với một tàu sân bay hạt nhân, 9 tàu ngầm, 17 tàu rải mìn/quét mìn đóng vai trò phòng thủ ở châu Âu. Pháp không có tàu khu trục, tàu tuần dương hay tàu hộ vệ.
Dưới đây là các nước trong Top 7.
7. Ấn Độ
Thủy thủ Ấn Độ tham gia buổi lễ biên chế một tàu ngầm vào năm 2021.
Ấn Độ sở hữu 102 tàu chiến, gồm 1 tàu sân bay, 17 tàu ngầm, 10 tàu khu trục, 13 khinh hạm, 23 tàu hộ vệ, 29 tàu tuần tra ven bờ và 9 tàu đổ bộ. Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Ấn Độ là 20,1.
6. Nhật Bản
Tàu chiến Nhật Bản di chuyển theo đội hình với lá cờ của hải quân vào năm 2012.
WDMMW đánh giá Nhật Bản sở hữu 102 tàu chiến, với độ tuổi trung bình chỉ 14,8. Nhật Bản có 4 tàu sân bay trực thăng, 22 tàu ngầm, 22 tàu khu trục, 3 khinh hạm, 22 tàu rải mìn/quét mìn, 6 tàu tuần tra ven bờ và 3 tàu đổ bộ tấn công.
5. Hàn Quốc
Tàu chiến Hàn Quốc tham gia tập trận bắn đạn thật vào tháng 1/2023.
Hàn Quốc sở hữu tới 138 tàu chiến với lực lượng được xây dựng phục vụ chiến lược phòng thủ và răn đe. Hải quân Hàn Quốc có 18 tàu ngầm, 12 tàu khu trục, 12 khinh hạm, 11 tàu hộ vệ, 11 tàu rải mìn/quét mìn, 64 tàu tuần tra ven bờ và 10 tàu đổ bộ tấn công. Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Hàn Quốc là 22,4.
4. Indonesia
Indonesia được gọi là "xứ sở vạn đảo" bởi lãnh thổ bao gồm hàng nghìn hòn đảo tạo thành quần đảo. Do đó, chiến lược quốc phòng của Indonesia cũng tập trung cho hải quân.
Hải quân Indonesia sở hữu 243 tàu chiến, gồm 4 tàu ngầm, 7 khinh hạm, 25 tàu hộ vệ, 9 tàu rải mìn/quét mìn, 168 tàu tuần tra và 30 tàu đổ bộ tấn công. Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Indonesia là 21,8.
3. Nga
Tàu chiến Nga phóng tên lửa trong cuộc tập trận diễn ra vào tháng 3/2023.
Hải quân Nga hiện sở hữu 265 tàu chiến, xếp ở vị trí thứ 3 theo đánh giá của WDMMW. Nga sở hữu 1 tàu sân bay, 58 tàu ngầm, 12 tàu khu trục, 4 tàu tuần dương, 1 khinh hạm, 83 tàu hộ vệ, 28 tàu rải mìn/quét mìn, 27 tàu tuần tra ven bờ và 21 tàu đổ bộ tấn công. Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Nga là 30.
Nga hiện tại đang tập trung hiện đại hóa hải quân. Số lượng tàu chiến đang được đóng mới lên tới 82, chú trọng vào tàu hộ vệ tên lửa và tàu ngầm.
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Nga bị tổn thất một số tàu chiến nhưng điều này không ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu chung của các hạm đội.
2. Trung Quốc
Trung Quốc được coi là cường quốc hải quân mới nổi, sở hữu tới 425 tàu chiến, gồm 3 tàu sân bay, 72 tàu ngầm, 48 tàu khu trục, 71 tàu hộ vệ, 44 khinh hạm, 49 tàu rải mìn/quét mìn, 127 tàu tuần tra ven bờ, 11 tàu đổ bộ tấn công. Trung Quốc không có tàu tuần dương dù tàu khu trục cỡ lớn Type 055 cũng có thể coi là tàu tuần dương. Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Trung Quốc là 13,8.
1. Mỹ
Tàu sân bay hạt nhân USS Gerald R. Ford của Mỹ xuất hiện ở ngoài khơi Hy Lạp vào tháng trước.
Hải quân Mỹ được đánh giá là lực lượng hải quân mạnh nhất lịch sử thế giới từ trước đến nay. Hải quân Mỹ vừa áp đảo về số lượng, nhưng chất lượng của hạm đội cũng ở mức hàng đầu.
Mỹ sở hữu 243 tàu chiến, gồm 11 tàu sân bay hạt nhân, 68 tàu ngầm, 22 tàu tuần dương, 70 tàu khu trục, 21 tàu hộ vệ, 8 tàu rải mìn/quét mìn, 10 tàu tuần tra ven bờ và 33 tàu đổ bộ tấn công. Mỹ không sở hữu khinh hạm.
Tuổi đời trung bình của các tàu chiến Mỹ là 23,3. Mỹ cũng đang đóng mới 67 tàu chiến với mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế cạnh tranh với Trung Quốc xếp ngay sau.
Nguồn: [Link nguồn]
Động thái của Hải quân Mỹ thể hiện mối quan hệ đồng minh thân thiết với Úc, trong bối cảnh một cuộc tập trận quan trọng diễn ra.