5 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc: Quan Vũ chỉ xếp thứ ba
Quan Vũ là một trong những danh tướng được biết đến nhiều nhất thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chỉ được xếp ở vị trí thứ 3 trong số các mãnh tướng mạnh nhất.
Quan Vũ ngày nay được biết đến rộng rãi, tôn làm Võ Thánh.
Thời Tam Quốc (220 – 280) được biết đến là một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất ở Trung Quốc, đồng thời cũng xuất hiện vô số những nhân tài, mãnh tướng.
Dưới đây là 5 mãnh tướng mạnh nhất thời Tam Quốc, được trang mạng Trung Quốc Sohu đánh giá theo tiêu chí về năng lực võ nghệ, khả năng chiến đấu một mình trên chiến trường. Thứ tự được xếp từ thấp tới cao.
Văn Ương
Văn Ương là danh tướng nổi tiếng vào cuối thời Tam Quốc.
Nhiều người có thể không biết đến Văn Ương vì danh tướng này xuất hiện ở cuối thời Tam Quốc, đầu thời nhà Tây Tấn.
Văn Ương con trai của Dương Châu thứ sử, Tiền tướng quân Văn Khâm, cùng cha giữ Dương Châu chống lại quân Ngô. Gia đình Văn Ương là đồng hương của họ Tào, rất được đại tướng quân Tào Sảng yêu mến.
Năm 254, Tư Mã Sư phế Ngụy đế Tào Phương. Văn Ương cùng cha tập kích quân Tư Mã Sư, khiến quân nhà Tư Mã sợ hãi không dám truy đuổi.
Sau khi nỗ lực chấn hưng nhà Ngụy thất bại, Văn Ương theo cha đầu hàng Đông Ngô. Năm 258, khi cha bị gian thần sát hại, Văn Ương cùng em trai Văn Hổ quay sang đầu hàng Tư Mã Chiêu.
Tư Mã Chiêu bỏ qua thù xưa, cho hai người làm tướng quân, phục vụ dưới triều đại nhà Tư Mã.
Đến thời Tấn Huệ đế Tư Mã Trung, Văn Ương bị căm ghét vì từng là kẻ thù nhà Tư Mã, dẫn đến những lời tố cáo mưu phản. Văn Ương, Văn Hổ bị tru di tam tộc.
Triệu Vân
Triệu Vân là người trung thành bậc nhất với Lưu Bị.
Triệu Vân, tự là Tử Long, là danh tướng vào thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông được coi là vị tướng vừa có võ nghệ dũng mãnh vừa có mưu lược, là một trong những người đầu tiên đi theo phò tá Lưu Bị.
Triệu Vân cũng là người sống lâu nhất trong danh sách ngũ hổ tướng nhà Thục Hán, từng mạo hiểm xông pha phá vòng vây cứu được Lưu Thiện.
Sát cánh cùng Lưu Bị trong nhiều năm, Triệu Vân đã nhiều lần lập chiến công, tài năng và tấm lòng trung nghĩa của ông là điều không cần phải tranh cãi.
Quan Vũ
Quan Vũ uy dũng khiến Tào Tháo phải nể trọng.
Xếp thứ 3 trong danh sách của Sohu là Võ thánh Quan Vũ. Câu chuyện Quan Vũ vượt năm ải, chém 6 tướng của Tào Tháo dù là thêu dệt, nhưng cũng phần nào thể hiện sự dũng mãnh của Quan Vũ thời bấy giờ.
Quan Vũ được Gia Cát Lượng tin tưởng giao nhiệm vụ trấn giữ Kinh Châu, là thành trì có vị thế chiến lược trong thế chân vạc thời Tam Quốc.
Trong những năm cuối đời, trong khi Quan Vũ đem quân thảo phạt Tào Ngụy, Kinh Châu lại bị Đông Ngô đánh úp, dẫn đến kết cục bỏ mạng đầy cay đắng.
Trương Phi
Trương Phi từng bất phân thắng bại khi giao chiến với Lã Bố.
Xếp thứ hai trong danh sách của Sohu là Trương Phi, người anh em kết nghĩa cùng Lưu Bị và Quan Vũ.
Trương Phi, tự Ích Đức, là một danh tướng của nước Thục Hán thời Tam Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có, làm nghề bán rượu. Theo ghi chép trong lịch sử, Trương Phi được mô tả là người có thân hình to lớn, vẻ ngoài oai phong, có tài thư pháp và vẽ tranh.
Tam Quốc Chí của sử gia Trần Thọ từng viết về Trương Phi: “Trương Phi sức địch vạn người, hổ thần một thời".
Trương Phi là người dám thách thức võ nghệ với Lã Bố, dẫn đến kết cục bất phân thắng bại. Năm 221, Trương Phi vì kiêu ngạo và nóng nảy mà bị các tướng sĩ dưới quyền sát hại khi đang ngủ say. Nhưng không thể phủ nhận tài năng của Trương Phi ở thời Tam Quốc vượt xa các danh tướng khác.
Lã Bố
Lã Bố được coi là chiến tướng mạnh nhất thời Tam Quốc.
Lã Bố xuất hiện vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng võ nghệ dũng mãnh, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, được xưng tụng là Phi tướng. Ông có một con ngựa chiến đặc biệt, được gọi là Xích Thố nên người thời đó hay có câu "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố” (nghĩa là người thì phải được như Lã Bố, ngựa thì phải là ngựa Xích Thố).
Sử dụng phương thiên họa kích, cưỡi ngựa Xích Thố, oai dũng hơn người, Lã Bố trở thành mãnh tướng vô cùng nổi tiếng trên chiến trường, không một danh tướng nào thời bấy giờ có thể dám một mình địch lại Lã Bố.
Đáng tiếc rằng, Lã Bố là người “hữu dung vô mưu”, lại mang tiếng xấu vì hai lần trở mặt giết chủ, đến cuối cùng bại trận không được tha mạng, bị Tào Tháo ra lệnh xử tử.
Nguồn: [Link nguồn]
Gia Cát Lượng là vị quân sự được biết đến nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa, nhưng theo đánh giá của truyền thông...