5 lý do khiến F-35 là tiêm kích tốt nhất thế giới và 'đáng giá đến từng xu'
Canada và Đức vừa chi hàng tỉ USD để sở hữu tiêm kích F-35. Dưới đây là 5 lý do tại sao giới chuyên gia là gọi F-35 là tiêm kích tốt nhất thế giới.
Đầu tháng này, Canada và Đức vừa trở thành 2 thành viên mới nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia nhập “câu lạc bộ” tiêm kích tàng hình đa năng F-35 (F-35 Lightning II). Điều này cho thấy những đóng góp độc nhất mà loại máy bay này mang lại cho an ninh quốc gia cũng như an ninh NATO.
Đức, Canada cùng các nước khác đã tiến hành nhiều phân tích và thử nghiệm với cùng một kết luận: F-35 là lựa chọn tốt nhất xét về giá trị tổng thể, khả năng, giá cả và khả năng bảo trì đối với các quốc gia cần hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu chiến thuật trong nửa đầu thế kỷ 21.
Trang 19FortyFive chỉ ra 5 lý do cho thấy F-35 là máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới.
Một chiếc tiêm kích F-35B được biên chế vào lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh ở Đại Tây Dương vào ngày 17-10-2019. Ảnh: 19FORTYFIVE
Máy bay 3 trong 1
F-35 được thiết kế để làm những việc mà không một máy bay đơn lẻ nào có thể làm được. Nó được phát triển để thay thế cường kích A-10 và tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ, máy bay chiến đấu F/A-18 của Hải quân Mỹ và AV-8B Harrier của Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Tiêm kích F-35 có 1 động cơ, 1 chỗ ngồi. Điểm độc đáo của nó nằm ở chỗ các phiên bản khác nhau sẽ được thiết kế phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Chẳng hạn phiên bản F-35A có khả năng cất cánh và hạ cánh thông thường (CTOL), dành cho các căn cứ không quân truyền thống. Trong khi đó F-35C là phiên bản thiết kế hoạt động trên tàu sân bay dành cho Hải quân. F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ, Không quân Hoàng gia và Hải quân Hoàng gia Anh có thể hoạt động như một máy bay chiến đấu cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).
F-35 hiện là xương sống của lực lượng không quân nhiều nước đồng minh của Mỹ như Anh, Úc, Ý, Nhật, Israel, Hà Lan, Na Uy và Hàn Quốc. Ngoài ra, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ, Thái Lan,... cũng đã đặt hàng hoặc bày tỏ sự quan tâm đến chiến đấu cơ này.
Hoạt động với phạm vi rộng và tốc độ cao
Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, F-35 Lightning II được trang bị khả năng tàng hình tiên tiến, sự nhanh nhẹn và tính cơ động cao, hệ thống cảm biến tăng cường nhận thức tình huống, khả năng tác chiến điện tử và khả năng chia sẻ dữ liệu.
Tất cả những điều đó làm cho F-35 trở thành một trong những máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
F-35 được trang bị động cơ F135-PW-100, cung cấp lực đẩy tối đa 40.000 pound (khoảng 178.000 N) với tầm hoạt động 1.200 hải lý và có thể đạt tốc độ lên tới Mach 1,6 (1960 km/giờ). Động cơ F135-PW-100 cũng có các biến thể khác nhau cho F-35A và F-35B.
Tiêm kích F-35A của Không quân Mỹ tại Triển lãm Hàng không Wings Over Wayne 2019 tại Căn cứ Không quân Seymour Johnson, bang North Carolina ngày 27-4-2019. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Một phương tiện hiện đại của thế kỷ 21
Nhờ khả năng tác chiến điện tử tiên tiến, F-35 cho phép phi công xác định vị trí và theo dõi lực lượng của quân địch mà không máy bay chiến đấu nào khác trên thế giới hiện nay có thể làm được.
Ngoài ra, phi công có thể gây nhiễu radar và phá hủy các mối đe dọa. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hỗ trợ phi công truy cập thông tin tại chiến trường theo thời gian thực với phạm vi bao quát 360 độ. Dữ liệu mà phi công thu thập có thể chia sẻ với các chỉ huy trên biển, trên không hoặc trên mặt đất.
Cuối năm 2021, hệ thống tác chiến điện tử của F-35 đã được nâng cấp và hiện đại hóa để đẩy nhanh tốc độ phát hiện và giải quyết các mối đe dọa. Bản nâng cấp cũng giúp khắc phục sự cố chính xác và giảm chi phí bảo trì.
Quái thú tàng hình
Nhà sản xuất Lockheed Martin đã chế tạo F-35 như một máy bay chiến đấu tàng hình “đa năng”. Siêu tiêm kích này có thể mang nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa chống hạm và bom, đáp ứng một loạt các tình huống chiến thuật khác nhau.
F-35 sở hữu khoang chứa vũ khí bên trong (có thể chứa gần 2.600 kg vũ khí) giúp nó tấn công đối phương trong khi vẫn giữ trạng thái tàng hình. Khi tàng hình, F-35 sử dụng chế độ nạp đạn “Ngày đầu tiên của chiến tranh” có thể mang 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, hoặc 4 bom thông minh AIM-120s/GBU-31 JDAM cho các nhiệm vụ không đối đất.
Khi các hệ thống phòng không của đối phương như cảm biến, tên lửa phòng không, hệ thống súng hay máy bay bị loại bỏ. F-35 sẽ chuyển sang chế độ nạp đạn “Ngày thứ ba của chiến tranh”, lượng vũ khí mang trên nó cũng thay đổi tương ứng.
Khi xác định không cần tàng hình, F-35 hoạt động ở chế độ chế độ “quái thú” hay “xe chở bom” với khoang vũ khí bên trong cộng thêm 6 giá treo vũ khí bên ngoài. Trường hợp này nó có thể mang khoảng 8-10 tấn vũ khí.
Theo chuyên gia, hiếm có loại tiêm kích nào có thể cạnh tranh với F-35 ở chế độ “quái thú”.
Đáng giá đến từng xu
Vấn đề lớn nhất của F-35 chính là chi phí sản xuất quá cao. Loại tiêm kích này chính là hệ thống vũ khí đắt nhất từng được phát triển, tiêu tốn tới hơn 1.500 tỉ USD cho vòng đời của một chiếc.
Mặc dù đây là số tiền rất lớn nhưng cần lưu ý rằng F-35 có thể thay thế nhiều máy bay cũ với khả năng vượt xa các tiêm kích thế hệ thứ tư hiện nay và những chiếc F-35 sẽ vẫn hoạt động cho đến năm 2070.
Như nhiều chuyên gia lập luận, việc vận hành ít loại máy bay hơn cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí, trong đó bao gồm chi phí huấn luyện. Cuối cùng, mặc dù các đối thủ tiềm năng của nó cũng đang phát triển máy bay thế hệ thứ năm, nhưng F-35 thực sự là nền tảng tốt nhất để đảm bảo không “lép vế” trên bầu trời.
Sắp tới, nhà sản xuất sẽ ra mắt động cơ mới cho F-35, dự đoán những chiếc tiêm kích này sẽ tiếp tục thu hút nhiều người mua trong thời gian tới.
Một tiêm kích cơ tàng hình F-35 trị giá khoảng 100 triệu USD rơi xuống đất phát nổ ngay sau khi cất cánh tại một căn cứ ở bang Utah, Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]