5 điểm nóng có nguy cơ bùng nổ xung đột trong năm nay, nếu không quản lý tốt căng thẳng

Các chuyên gia của trang 19FortyFive chỉ ra 5 điểm nóng trên thế giới có nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự trong năm 2023 nếu không quản lý tốt căng thẳng.

Năm 2022, thế giới chứng kiến cuộc xung đột lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh đó là xung đột Nga-Ukraine. Đầu năm 2023, các chuyên gia của trang 19FortyFive chỉ ra những nơi có nguy cơ bùng nổ xung đột trong năm nay.

Tháng 2-2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kể từ đó, Mỹ và đồng minh đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt lên Moscow cũng như tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Cuộc chiến đã có tác động sâu rộng trên trường quốc tế, đẩy xung đột vốn đã âm ỉ trong nhiều thập niên lên đỉnh điểm.

Dưới đây là 5 khu vực mà giới quan sát lo ngại rằng có nguy cơ bùng nổ (hoặc kéo dài) xung đột quân sự trong năm nay:

Nga-Ukraine lan sang NATO

Binh sĩ Ukraine tại tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine vào ngày 24-2-2022. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine tại tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine vào ngày 24-2-2022. Ảnh: AP

Mối lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở chiến trường Ukraine dường như đã giảm đi kể từ mùa hè 2022 khi xung đột chuyển sang giai đoạn chiến tranh tiêu hao. Tuy nhiên, leo thang căng thẳng vẫn rất đáng lo ngại khi Nga nóng lòng muốn đạt kết quả trên chiến trường, còn Ukraine có thể thực hiện các bước mạo hiểm để tạo đột phá do lo ngại chiến sự kéo dài.

Tiến sĩ Robert Farley - Biên tập viên của 19FortyFive nhận định: “Việc mở rộng chiến tranh sang Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dù khó xảy ra nhưng có thể xảy ra; việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn là điều không tưởng nhưng không phải là không thể”.

Dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh đã hành động hết sức cẩn trọng để tránh leo thang căng thẳng nhưng phương Tây không nắm thế chủ động trong câu chuyện này. Thế nên, khả năng Kiev hoặc Moscow sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đẩy xung đột lên cao trong thời gian tới là hoàn toàn có thể.

Eo biển Đài Loan

Những lo lắng về khả năng xảy ra xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan đã giảm đi đôi chút trong vài tháng qua do tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng xuyên eo biển vẫn còn rất lớn.

Việc chính quyền ông Biden đưa ra lập trường bảo vệ Đài Loan cho thấy rằng Washington thực sự lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc xung đột tại khu vực này. Những tuyên bố và động thái từ Mỹ có nguy cơ kích hoạt sự leo thang.

Theo chuyên gia, nếu xung đột quân sự nổ ra tại eo biển, nhiều khả năng dẫn đến sự tham gia của Mỹ và rất có thể là cả Nhật, từ đó châm ngòi cho một cuộc chiến tranh quyền lực.

Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Liên quan các cuộc thảo luận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về xung đột Nga-Ukraine là một cuộc khủng hoảng âm ỉ giữa chính 2 thành viên của liên minh này: Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong năm qua, căng thẳng giữa 2 quốc gia này đã leo thang đáng kể, phần lớn là do chính sách đối ngoại quyết đoán từ Ankara và các vấn đề nội bộ của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tranh chấp về thăm dò năng lượng trên biển Aegean (vùng biển nằm giữa hai nước) đã dẫn đến căng thẳng hiện nay, mặc dù sự bất đồng về lãnh thổ giữa Ankara và Athens đã tồn tại nhiều thập niên.

Mặc dù ít có khả năng một đồng minh NATO sẽ công khai tấn công một đồng minh NATO khác, nhưng các cuộc xung đột trong quá khứ đã đưa hai nước đến bờ vực chiến tranh bất chấp các cam kết của họ trong liên minh.

Bất kỳ cuộc chiến nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ ngay lập tức kéo NATO vào cuộc, và thậm chí là Nga.

Bán đảo Triều Tiên

Trong vài tháng qua, căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã gia tăng liên tục với những hành động “khiêu khích” từ Bình Nhưỡng và những động thái đáp trả gay gắt cả bằng hành động và lời nói từ Seoul. Chuyên gia đánh giá hai miền Triều Tiên đang tỏ ra “thiếu kiên nhẫn” với nhau.

Một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17, tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên vào ngày 24-3- 2022. Ảnh: KCNA

Một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17, tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên vào ngày 24-3- 2022. Ảnh: KCNA

Những căng thẳng này không phải là mới, nhưng bị Chiến tranh Lạnh và trật tự quốc tế tự do hậu Chiến tranh Lạnh hạn chế. Cả hai yếu tố ràng buộc này đã biến mất hoặc đang suy yếu đi, đến mức Bình Nhưỡng có thể nghĩ đến “thời cơ” hành động và Seoul thì cảm thấy không thể kiên nhẫn được nữa.

Giới quan sát lo ngại rằng nếu xung đột quân sự nổ ra ở bán đảo Triều Tiên, nó có thể nhanh chóng trở nên tàn khốc hơn cả xung đột Nga-Ukraine với khả năng hai bên sử dụng cả vũ khí hạt nhân và thông thường gây ra thiệt hại khủng khiếp.

Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ

Các vụ đụng độ biên giới lẻ tẻ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn xảy ra trong năm qua. Hai bên đều không có dấu hiệu lùi bước dù đây chỉ là các vùng lãnh thổ nhỏ, không có người ở.

Chuyên gia nhận định bảo vệ uy tín quốc gia là yếu tố đẩy căng thẳng leo thang hơn là các lợi ích về lãnh thổ. Đến một lúc nào đó, không loại trừ khả năng Bắc Kinh hoặc New Delhi có thể cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua leo thang căng thẳng - bước đi hoặc chấm dứt căng thẳng hoặc có thể mở ra cánh cửa cho một cuộc xung đột lớn hơn.

Tính đến thời điểm này thì không có khả năng bất kỳ tranh chấp nào trong số này sẽ tiến triển thành xung đột toàn cầu, tuy nhiên cuộc chiến tại Ukraine đã cho chúng ta thấy xung đột quân sự vẫn có thể xảy ra bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Thế nên, duy trì hòa bình đòi hỏi kỹ năng quản lý leo thang thời chiến một cách cẩn trọng.

Nguồn: [Link nguồn]

Xung đột Ukraine kéo dài thử thách quan hệ Nga – Trung

Ngày 30/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm trực tuyến. Giới quan sát theo dõi xem có bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện sự thay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN