5 điểm đáng chú ý nhất trong phiên họp quan trọng của NATO
Tại một trong những hội nghị quan trọng nhất của NATO kể khi thành lập, khối này đã đồng ý mời 2 nước Bắc Âu gia nhập và coi Nga là mối đe dọa số một.
Các nhà lãnh đạo NATO chụp ảnh chung hôm 29.6 ở Tây Ban Nha (ảnh: RT)
1. Chiến lược mới
Hôm 29.6, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí thông qua Khái niệm chiến lược mới. Tài liệu này đóng vai trò như một bộ khung về chính sách và lập trường của NATO đối với đối thủ và các nước ngoài khối.
Không nằm ngoài dự đoán, trong Khái niệm chiến lược mới, NATO đã tuyên bố Nga là “mối đe dọa trực tiếp và hàng đầu” của khối. Tài liệu không hứa hẹn việc Ukraine sẽ trở thành thành viên nhưng tuyên bố NATO sẽ “tiếp tục phát triển quan hệ đối tác” với Kiev. Ukraine có thể sẽ tạm hài lòng về nội dung này.
Trong Khái niệm chiến lược mới, NATO cáo buộc Nga đã thực hiện hàng loạt “hành động gây hấn” nhằm vào liên minh.
“Nga đã vi phạm các tiêu chuẩn và các nguyên tắc tạo nên trật tự an ninh châu Âu. Chúng tôi không thể loại trừ nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của thành viên trong liên minh”, tài liệu viết.
Bất chấp việc Moscow cáo buộc NATO gây ra mối đe dọa bằng việc mở rộng về hướng đông, khối này khẳng định “không tìm kiếm sự đối đầu” với Nga.
2. Cảnh báo Trung Quốc
Trong Khái niệm chiến lược mới được công bố hôm 29.6, NATO cho rằng, Trung Quốc không phải đối thủ của khối nhưng là “thách thức nghiêm trọng”.
“Tham vọng và các chính sách cưỡng ép của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh cùng giá trị của chúng ta. Họ cố gắng phá vỡ trật tự quốc tế được thiết lập dựa trên luật pháp, trong cả lĩnh vực không gian, không gian mạng và hàng hải”, tài liệu nêu.
Đây là lần đầu tiên NATO đưa Trung Quốc vào Khái niệm chiến lược. Cũng là lần đầu tiên tài liệu này được sửa đổi kể từ năm 2010.
3. Bài phát biểu của Tổng thống Ukraine
Trước các nhà lãnh đạo NATO, Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ thất vọng khi cho rằng, nước này đã phải “trả giá lớn” nhưng không được gia nhập khối. Ông Zelensky cũng kêu gọi NATO viện trợ quân sự nhiều hơn để Kiev có thể đối phó với hỏa lực áp đảo của Nga.
Bất chấp những thất bại ở Donbass gần đây, ông Zelensky khẳng định, nếu NATO nhiệt tình ủng hộ, Ukraine có thể “kết thúc xung đột bằng chiến thắng trên chiến trường”.
Ông Zelensky cũng cho biết thêm rằng, Ukraine thiệt hại khoảng 5 tỷ USD/tháng trong xung đột với Nga và cần phương Tây bù đắp khoản tiền này.
“Viện trợ tài chính cho Ukraine có ý nghĩa không kém gì viện trợ vũ khí. Chúng tôi cần 5 tỷ USD mỗi tháng. Đây là yêu cầu cơ bản, cần thiết để phòng thủ”, ông Zelensky nói.
Tính đến ngày 29.6, Mỹ – quốc gia dẫn đầu NATO – đã phê duyệt gửi cho Ukraine hơn 55 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế.
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc họp hôm 30.6 (ảnh: RT)
4. Mời thành viên mới
Sau nhiều tuần tranh cãi về ngoại giao, NATO hôm 29.6 đã chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg NATO cho hay, 2 nước Bắc Âu được NATO mời gia nhập “nhanh chưa từng có”.
“Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của khối. Đồng thời, chúng tôi cũng ký kết các nghị định thư về việc kết nạp thành viên mới”, ông Stoltenberg thông báo hôm 29.6.
Trước đó, ý định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản. Tuy nhiên, Ankara đã thay đổi quyết định trước khi hội nghị thượng đỉnh của NATO khai mạc.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố, nước này đã “có được những gì mình muốn” và sẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO.
5. Mỹ tăng cường lực lượng ở châu Âu
Hôm 29.6, Tổng thống Mỹ tuyên bố, nước này tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu trong tình hình mới. Theo đó, Mỹ sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Ba Lan, cử thêm 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 tới Anh và đưa 5.000 quân đồn trú ở Romania.
Ông Biden cho hay, Mỹ cũng sẽ gửi thêm hệ thống phòng không đến Đức, Italia và tăng số tàu khu trục đang đóng ở Tây Ban Nha từ 4 lên 6 tàu.
Kế hoạch tăng hiện diện quân sự sẽ nâng tổng số binh sĩ của Mỹ ở châu Âu lên hơn 100.000 người.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngay sau khi NATO tuyên bố mời Phần Lan, Thụy Điển gia nhập, Tổng thống Nga Putin đã có những phát biểu về “tham vọng đế quốc” của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.