43.000 lính Mỹ có mặt tại Trung Đông, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ngày 4/10, theo Times of Israel, Mỹ đã quyết định tăng cường lực lượng quân sự ở Trung Đông bằng cách bổ sung hàng nghìn binh sĩ và triển khai một loạt máy bay chiến đấu.

Quyết định này nhằm tăng cường bảo vệ cho quân đội Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Theo đó, số lượng binh sĩ Mỹ tại đây đã tăng lên 43.000 người, bao gồm cả những lực lượng hải quân đang hoạt động tại khu vực.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) của Hải quân Mỹ trên đường đi qua Đại Tây Dương trong cuộc tập trận vận chuyển qua eo biển vào ngày 30/1/2019.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) của Hải quân Mỹ trên đường đi qua Đại Tây Dương trong cuộc tập trận vận chuyển qua eo biển vào ngày 30/1/2019.

Tình hình căng thẳng leo thang sau các cuộc tấn công gần đây giữa Israel và Lebanon, đặc biệt sau cuộc không kích khiến Hassan Nasrallah – thủ lĩnh Hezbollah được Iran hậu thuẫn, cùng một số chỉ huy cấp cao khác thiệt mạng.

Để trả đũa, Iran đã bắn hơn 180 tên lửa đạn đạo vào Israel. Những sự kiện này cùng với các cuộc tấn công nhắm vào Hamas và lực lượng quân sự Iran trước đó đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin đã ra lệnh nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng quân đội Mỹ, đảm bảo rằng họ có thể phản ứng nhanh trước bất kỳ tình huống khẩn cấp nào. Thiếu tướng Không quân Pat Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin này.

Hiện tại, các lực lượng Mỹ đang đối mặt với mức độ rủi ro cao hơn. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đang duy trì liên lạc chặt chẽ với Israel để thảo luận về cách ứng phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran. Mối đe dọa từ các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn vẫn tiếp tục ở Iraq, Syria và Biển Đỏ, đe dọa trực tiếp tới các căn cứ và tàu thuyền thương mại của Mỹ.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh nhấn mạnh: "Lực lượng của chúng tôi có mặt khắp khu vực, bất kỳ động thái nào cũng có thể tác động tới họ".Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông

Thông thường, Mỹ duy trì khoảng 34.000 binh sĩ tại Trung Đông, thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ. Con số này đã tăng lên 40.000 người trong những tháng đầu của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, khi Mỹ bổ sung thêm tàu chiến và máy bay.

Tổng số quân đã tăng lên gần 50.000 người khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay được triển khai để đáp ứng căng thẳng leo thang giữa Israel và Lebanon. Sau khi một nhóm tàu sân bay rời đi, số lượng binh sĩ có giảm xuống, nhưng đợt triển khai máy bay gần đây đã đưa tổng số lên khoảng 43.000 người.

Gần đây, Lầu Năm Góc đã thông báo về việc bổ sung một số lượng nhỏ quân nhân tại Trung Đông và sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp, bao gồm cả việc sơ tán công dân Mỹ khỏi Lebanon nếu cần thiết.

Sự hiện diện quân sự này nhằm mục đích bảo vệ Israel và đảm bảo an toàn cho nhân sự cũng như tài sản của Mỹ và các đồng minh. Mặc dù các quan chức Mỹ không tiết lộ chi tiết cụ thể nhưng đã nhấn mạnh rằng, các động thái này là một phần trong chiến lược phòng thủ khu vực, đối phó với mọi mối đe dọa tiềm tàng.

Hiện, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đang hoạt động từ đông Địa Trung Hải đến Vịnh Oman, trong khi máy bay chiến đấu của Không quân và Hải quân được triển khai tại nhiều vị trí chiến lược, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với bất kỳ cuộc tấn công nào.Hỗ trợ từ Không quân và Hải quân Mỹ

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang hoạt động tại khu vực Trung Đông và dự kiến sẽ rời đi vào giữa tháng 10. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã quyết định kéo dài thời gian hoạt động của tàu thêm một tháng. Đây không phải là lần đầu tiên ông Austin đưa ra quyết định này trong năm qua. Việc có hai tàu sân bay hoạt động cùng lúc tại khu vực là điều hiếm có.

Một chiếc F-22 Raptor bay trong khu vực trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM).

Một chiếc F-22 Raptor bay trong khu vực trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM).

Tàu sân bay thứ hai, USS Harry S. Truman, cùng với hai tàu khu trục và một tàu tuần dương, hiện đang ở Đại Tây Dương và sẽ di chuyển đến Địa Trung Hải. Sự hiện diện của các tàu sân bay, với đầy đủ máy bay chiến đấu, giám sát và hệ thống tên lửa hiện đại, được xem là một biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với Iran.

USS Abraham Lincoln và một tàu khu trục hiện đang ở Vịnh Oman, trong khi bốn tàu khu trục khác cùng một tàu chiến ven biển hoạt động ở Biển Đỏ. Tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Georgia cũng đã được triển khai trong khu vực, nhưng vị trí cụ thể không được tiết lộ.

Hiện có sáu tàu chiến của Mỹ đang ở phía đông Địa Trung Hải, bao gồm tàu tấn công đổ bộ USS Wasp với Đơn vị Viễn chinh Thủy quân Lục chiến số 24 và các tàu hộ tống. USS Wasp sẽ sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp cần sơ tán khẩn cấp.

Một số máy bay chiến đấu F/A-18 từ USS Abraham Lincoln cũng đã được chuyển tới một căn cứ đất liền trong khu vực, tuy nhiên chi tiết về địa điểm này không được tiết lộ.

Không quân Mỹ đã bổ sung thêm một phi đội F-22 vào tháng 8, nâng tổng số lên bốn phi đội tại Trung Đông, bao gồm các máy bay A-10 Thunderbolt II, F-15E Strike Eagles và F-16. Tuy không công khai địa điểm triển khai, những máy bay này được bố trí tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Mỹ cũng đã điều thêm máy bay và nhân sự hỗ trợ, bao gồm các phi đội F-15E, F-16 và F-22 cùng với máy bay tấn công A-10. Các phi đội này sẽ thay thế các lực lượng hiện có, nhưng trong thời gian tới, cả hai sẽ hoạt động cùng nhau để tăng cường sức mạnh không quân.

Bà Sabrina Singh cho biết, mục tiêu chính của các lực lượng không phải là sơ tán công dân Mỹ, mà là bảo vệ lực lượng Mỹ và Israel khi cần thiết.

Việc bổ sung F-22 mang lại ưu thế lớn nhờ khả năng tàng hình trước radar và trang bị cảm biến hiện đại, cho phép thực hiện các cuộc tấn công điện tử và phá hủy hệ thống phòng không đối phương. F-22 cũng có thể đảm nhiệm vai trò chỉ huy, điều phối các máy bay khác trong chiến dịch.

Dù vậy, vào tháng 2 vừa qua, Mỹ đã chứng tỏ khả năng thực hiện các cuộc tấn công từ xa mà không cần dựa vào máy bay tại Trung Đông. Hai máy bay ném bom B-1 cất cánh từ Texas đã bay hơn 30 giờ để tiêu diệt 85 mục tiêu của Lực lượng Quds Iran tại Iraq và Syria, nhằm đáp trả cuộc tấn công khiến ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Jordan cho phép Mỹ sử dụng không phận để bắn hạ tên lửa Iran đang nhắm mục tiêu về phía Israel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Minh ([Tên nguồn])
Căng thẳng Iran - Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN