4 vũ khí nguy hiểm nhất của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine
Nga đã sử dụng hệ thống vũ khí hiện đại lẫn thiết bị quân sự cũ có từ thời Liên Xô nhằm giành ưu thế trong cuộc xung đột với Ukraine.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng Ukraine hồi tháng 2-2022, Điện Kremlin đã điều chỉnh chiến lược tác chiến khi lực lượng Nga chật vật phá sự kháng cự quyết liệt của Ukraine và chịu tổn thất nặng nề.
Theo đó, Nga đã chuyển sang sử dụng hệ thống vũ khí hiện đại lẫn thiết bị quân sự cũ có từ thời Liên Xô trước đây nhằm lật ngược tình thế có lợi cho mình.
Trang Business Insider chỉ ra bốn hệ thống vũ khí quan trọng mà Nga đã sử dụng để giành lợi thế trước Ukraine.
Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52
Ka-52 là một trong những trực thăng tấn công tốt nhất và cơ động nhất trên thế giới. Trực thăng Ka-52 có khả năng đạt vận tốc 480 km/giờ, được trang bị pháo 30 mm, theo trang Airforce Technology.
Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52 của Nga. Ảnh: Sergey Pivovarov/REUTERS
Ka-52 cũng có thể được trang bị tên lửa chống tăng VIKHR, tên lửa ATAKA, bệ phóng rocket B8V-20 và tên lửa phòng không dẫn đường IGLA-V.
Trực thăng Ka-52 có cánh quạt đồng trục, giúp tăng thêm khả năng cơ động của máy bay, đồng thời cho phép máy bay bay ở độ cao cao hơn so với các máy bay trực thăng có cánh quạt chính thông thường.
“Khác với thiết kế cánh quạt đơn vốn phân bố công suất cho cánh quạt chính và cánh quạt đuôi, tất cả công suất của cánh quạt đồng trục được sử dụng cho lực đẩy theo phương thẳng đứng. Vì thế, không có công suất nào bị lãng phí. Công suất tiết kiệm được giúp cánh quạt đồng trục đạt tới trần bay cao hơn so với trực thăng có cánh quạt đơn” – theo dữ liệu của NASA's Technical Reports Server.
Phía Ukraine coi trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52 là một trở ngại lớn trong cuộc phản công chống lại Nga. Bộ Quốc phòng Anh đánh giá Ka-52 là một trong những hệ thống vũ khí quan trọng nhất trong chiến dịch quân sự của Nga xung quanh tỉnh Zaporizhia ở phía nam Ukraine.
Trực thăng này của Nga đã ghi được dấu ấn lớn trong cuộc xung đột với việc phá hủy các phương tiện chiến đấu bộ binh như Bradley của Mỹ và các loại xe tăng hiện đại của phương Tây như Leopard 2 của Đức.
Dù vậy, phi đội Ka-52 của Nga cũng bị tổn thất nghiêm trọng trong cuộc xung đột, khi hệ thống phòng không của Ukraine, trong đó có tên lửa tầm nhiệt Stinger do Mỹ cung cấp, phát huy hiệu quả cao trong việc chống lại trực thăng này, theo tạp chí Forbes.
Các bãi mìn dày đặc
Cuộc phản công của Ukraine cũng gặp bất lợi trước các bãi mìn dày đặc mà Nga thiết lập. Điều này đã buộc quân đội Ukraine phải từ bỏ phương tiện bọc thép do phương Tây cung cấp.
Biển cảnh báo có mìn tại vị trí của một đơn vị tình nguyện Ukraine ở ngoại ô thủ đô Kiev (Ukraine) hồi tháng 2. Ảnh: Yasuyoshi Chiba/ Getty Images
Nga thiết lập các bãi mìn dày đặc đến mức ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine phải thốt lên rằng quy mô các bãi mìn của Nga đã biến Ukraine trở thành quốc gia bị cài mìn nhiều nhất thế giới. Ông cho biết tại một số khu vực, mật độ rải mìn là 5 quả/m2.
Ông Danilov nhấn mạnh tầm quan trọng của Ukraine trong việc cứu các binh sĩ trên tiền tuyến.
“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là cứu mạng sống của người dân ở tiền tuyến. Chúng tôi phải hiểu rằng đối phương đã chuẩn bị chu đáo với số lượng lớn lãnh thổ bị cài mìn” – ông Danilov nói với đài CNN.
UAV Lancet
Nga cũng đã tận dụng các máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ như Lancet để tấn công các phương tiện bọc thép, đơn vị pháo binh cùng thiết bị quân sự khác của Ukraine.
UAV Lancet-3. Ảnh: The EurAsian Times
UAV Lancet do nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov của Nga chế tạo, được giới thiệu lần đầu năm 2019.
Nga đang sử dụng phiên bản nâng cấp Lancet-3 để tấn công các mục tiêu tại Ukraine.
UAV Lancet-3 có tầm bay khoảng 40 km, nặng khoảng 16 kg, bay với tốc độ 112 km/giờ, theo Forbes.
Ông James Patton Rogers, chuyên gia về UAV tại ĐH Southern Denmark (Đan Mạch) nhận xét Lancet-3 hiệu quả nhất khi chống lại các mục tiêu như xe tăng cũ, xe bọc thép hạng nhẹ và hệ thống pháo binh.
Các loại bom thả từ trên không có từ thời Liên Xô
Nga cũng đang triển khai các loại bom thả từ trên không có từ thời Liên Xô, sử dụng hệ thống vũ khí hiện đại.
Bom FAB-500 M-62 có từ thời Liên Xô nặng 500 kg. Ảnh: WIKIPEDIA
Các quả bom của Nga đặt ra thách thức đáng kể cho Ukraine vì khó bị ngăn chặn, ông Oleksiy Melnyk, chuyên gia quân sự tại viện chính sách Razumkov Center (Ukraine) cho hay.
Các quả bom mà Nga sử dụng nặng 500 kg – 1.500 kg, chỉ bay trên không trong một khoảng thời gian ngắn và không có hệ thống đẩy như tên lửa hiện đại. Chính điều này khiến chúng gần như không thể bị bắn hạ, theo báo The New York Times.
Nga cũng đã sửa đổi một số loại bom để giúp chúng có thể lượn ở khoảng cách xa.
Nguồn: [Link nguồn]
Xe tăng T-80 được biết đến là mẫu xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị giáp phản lực tích hợp có độ bền cao.