4 vị tướng “bất tử” của nước Nga

Nổi tiếng thế giới về sức mạnh quân sự, Nga cũng là đất nước sản sinh ra không ít vị tướng tài ba. Chiến đấu với nhiều kẻ địch mạnh, 4 vị tướng tài giỏi bậc nhất nước Nga này từng hứng hàng chục vết thương, nhưng không một ai trong số họ ngã xuống giữa chiến trường.

Aleksandr Yaroslavich thể hiện tài năng quân sự ngay từ khi còn nhỏ (ảnh: Redit)

Aleksandr Yaroslavich thể hiện tài năng quân sự ngay từ khi còn nhỏ (ảnh: Redit)

1. Aleksandr Yaroslavich (Aleksandr Nevsky)

Theo Warfare, giữa thế kỷ 13, nước Nga bị chia cắt thành nhiều công quốc nhỏ và phải đối mặt với các cuộc tấn công của người Đức, Thụy Điển từ hướng tây cùng đế quốc Mông Cổ từ hướng đông. Đây được xem là một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước Nga.

Ngày 30.5.1220, Aleksandr Yaroslavich – con trai của Yaroslav Vcevolodovich, vua Đại công quốc Vladimir – ra đời. Ấn tượng trước tài năng được thể hiện ngay từ khi còn nhỏ của Aleksandr Nevsky, Yaroslav đã trao cho con trai mình vị trí lãnh chúa xứ Novgorod (thành phố phía tây bắc nước Nga ngày nay).

Khoảng thời gian từ năm 1237 – 1240, nhiều công quốc nhỏ của Nga đã khuất phục trước các cuộc xâm lược của người Mông Cổ. Trải qua nhiều trận chiến khốc liệt, Yaroslav giúp Đại công quốc Vladimir không bị thôn tính. Tuy nhiên, ông chấp nhận trở thành chư hầu của Mông Cổ.

Cho rằng Đại công quốc Vladimir hèn yếu khi khuất phục Mông Cổ, người Thụy Điển muốn chiếm quốc gia này.

Đầu tháng 7.1240, một đội chiến thuyền lớn với 4.000 quân của Thụy Điển tiến từ cửa sông Neva vào xứ Novgorod. Khi nhận được tin báo kẻ thù tấn công, Yaroslavich không chờ quân đội của mình tập hợp đầy đủ hay cầu viện cha. Chàng thanh niên 20 tuổi đầy tự tin quyết đánh lui quân địch chỉ với vài trăm quân cận vệ của mình, theo Warfare.

Người Thụy Điển đã quá kiêu ngạo khi đóng doanh trại bên bờ sông Neva mà không bố trí canh phòng và tìm hiểu về thực lực quân sự của Novgorod. Ngày 15.7. 1240, Yaroslavich dẫn đội cận vệ của mình bí mật tiếp cận, bất ngờ phóng hỏa và tấn công thẳng vào trại của quân Thụy Điển. Tinh thần chiến đấu quyết tử của Yaroslavich giúp các chiến binh Novgorod trở nên hăng hái lạ thường. Họ đốt cháy nhiều chiến thuyền và tiêu diệt hàng trăm quân Thụy Điển.

Sau chiến thắng lừng lẫy trên sông Neva, Aleksandr Yaroslavich được người dân trao danh hiệu “Nevsky” (nghĩa là người hùng sông Neva). Tên tuổi của ông lừng lẫy khắp Đại công quốc Vladimir và được vua cha Yaroslav chọn làm người kế vị.

Trận chiến trên băng, Yaroslavich “chôn sống” quân địch (ảnh: History)

Trận chiến trên băng, Yaroslavich “chôn sống” quân địch (ảnh: History)

Chiến thắng rực rỡ của Yaroslavich chưa đủ để Đại công quốc Vladimir ngăn cản sự hiếu chiến của các thế lực hùng mạnh thời bấy giờ. Năm 1242, Giáo đoàn hiệp sĩ Teuton – đội quân do người Đức, Đan Mạch thành lập – quyết tâm cùng đế quốc Mông Cổ chia đôi nước Nga.

Nắm quyền chỉ huy quân đội Đại công quốc Vladimir, Yaroslavich chọn Chudskoe – hồ nước rộng hơn 3.500 km vuông, ở biên giới Nga, Estonia ngày nay – làm địa điểm cho trận quyết đấu.

Theo History, ngày 5.4.1224 – thời điểm trận chiến diễn ra – là lúc mặt hồ Chudskoe đang bị phủ kín bởi băng và Yaroslavich hiểu rõ “những vị khách không mời” không hề biết chuyện này.

Yaroslavich cho quân đội của mình vờ đánh rồi bỏ chạy, dụ quân Teuton truy đuổi đến hồ Chudskoe. Tuy lớp băng trên hồ rất dày, nhưng cũng không thể chịu nổi sức nặng của hàng chục nghìn kỵ binh. Băng nứt vỡ khiến nhiều binh sĩ Teuton bị “chôn sống”. Lợi dụng hỗn loạn, Yaroslavich cho quân mai phục đổ ra đánh khiến Teuton thua tan tác và phải tháo chạy.

Trận đánh trên hồ Chudskoe hay còn gọi là “trận chiến trên băng” là một trong những chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử Nga. Ngày nay, huân chương mang tên Alexander Nevsky thường được Tổng thống Nga Putin trao tặng cho những tướng lĩnh tài ba.

Aleksandr Suvorov – danh tướng Nga có thể trạng yếu ớt, gầy gò (ảnh: NI)

Aleksandr Suvorov – danh tướng Nga có thể trạng yếu ớt, gầy gò (ảnh: NI)

2. Alexander Suvorov

Năm 1729, Alexander Suvorov sinh ra trong một gia đình có truyền thống phục vụ trong quân đội ở Moscow, Nga. Khi còn nhỏ, ông thường xuyên đau ốm và có thể chất rất yếu đuối. Cha Suvorov – một trung tá – cho rằng ông không thích hợp để làm việc trong quân đội.

Tuy nhiên, Suvorov nuôi ước mơ trở thành một vị tướng. Để cải thiện sức khỏe của mình, Suvorov đã kiên trì luyện tập nhiều môn thể thao, tắm nước lạnh, leo núi, đấu kiếm…

Năm 17 tuổi, Suvorov nhập ngũ và trong suốt cuộc đời cầm quân, ông chưa từng thua một trận đánh nào, theo Grunge.

Trong trận Rymnik năm 1789, Suvorov lập chiến công lẫy lừng khi chỉ huy 2 vạn quân Nga – Áo đánh bại 10 vạn quân Thổ Nhĩ Kỳ. Bất ngờ và tốc độ là chiến thuật yêu thích của Suvorov và được ông vận dụng tài tình trong trận Rymnik.

Theo Warfare, ngày 22.9.1789, Suvorov chỉ huy quân Nga bí mật áp sát, bất ngờ tấn công quân chủ lực Thổ Nhĩ Kỳ đóng gần sông Rymnik (nay thuộc Romania). Khi quân Thổ rơi vào hoảng loạn, những người lính Nga đã cho thấy khả năng chiến đấu bằng lưỡi lê tài tình của mình. Sau trận chiến này, quân Thổ thiệt hại hơn 2 vạn, trong khi liên quân Nga – Áo chỉ mất hơn 500 người. Suvorov được phong danh hiệu “Tướng tiên phong”.

Ngày 22.12.1790, Aleksandr Suvorov chỉ huy trận đánh mà trên thực tế tưởng chừng không thể thắng. Ông quyết định cho quân Nga tấn công pháo đài Izmail của Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ sông Danube.

Pháo đài Izmail xây dựng kiên cố với hệ thống tường thành, hào sâu tới 10 mét. 35.000 quân Thổ trấn giữ ở đây, trong khi đội quân của Suvorov chỉ có 30.000 người. Thông thường, để công phá một pháo đài hay thành trì, số quân tấn công phải đông hơn quân phòng thủ ít nhất 3 lần.

Theo RT, chiếm đóng pháo đài Izmail là trận chiến khó khăn nhất trong đời Suvorov. Ông dành 6 ngày để huấn luyện binh sĩ vượt tường cao, hào sâu và cách chiến đấu trên tường thành. Suvorov đã mỉm cười khi quân Nga được ông chia làm 3 mũi tiến công chiếm được Izmail chỉ sau hơn nửa ngày chiến đấu.

“Tấn công pháo đài này là quyết định chỉ nên đưa ra duy nhất một lần trong đời”, Suvorov nói với các binh sĩ.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Suvorov chỉ huy 60 trận đánh và chưa từng nếm mùi thất bại. Tên tuổi của ông lừng lẫy khắp châu Âu, sánh ngang với một thiên tài quân sự khác là hoàng đế Napoleon Bonaparte nước Pháp. Trong một cuộc bình chọn năm 2013 do Hiệp hội Lịch sử quân sự Nga tổ chức, Suvorov được tôn là vinh đệ nhất danh tướng Nga.

“Độc nhãn tướng quân” Mikhail Kutuzov (ảnh: Brits)

“Độc nhãn tướng quân” Mikhail Kutuzov (ảnh: Brits)

3. Mikhail Kutuzov

Sinh năm 1745 trong một gia đình đại quý tộc rất có thế lực ở Saint Petersburg (Nga), ngay từ khi còn nhỏ, Mikhail Kutuzov đã cho thấy mình là một đứa trẻ thông minh và đặc biệt có năng khiếu về quân sự. Cha mẹ Kutuzov đã mời rất nhiều giáo sư nổi tiếng về dạy dỗ cho ông, theo Warfare.

Năm 1761, Kutuzov phục vụ quân đội với quân hàm thiếu úy. Ông từng có thời gian làm việc cùng viên tướng huyền thoại Aleksandr Suvorov và được học hỏi được rất nhiều điều. Tháng 7.1774, trong một trận ác chiến với quân Thổ Nhĩ Kỳ ở bán đảo Crimea, Kutuzov bị một viên đạn bắn sượt qua thái dương và làm mù mắt phải. Do vết thương này, Kutuzov được nhiều người gọi là “độc nhãn tướng”.

Theo Warfare, tháng 6.1812, nước Nga bị Pháp xâm lược. Ngày 18.8.1812, thành phố Smolensk thất thủ, 64 vạn quân Pháp do hoàng đế Napoleon Bonaparte chỉ huy áp sát Moscow. Trước sức ép từ các binh sĩ, ngày 29.8.1812, Nga hoàng Alexanrde I buộc phải trao toàn quyền chỉ huy quân đội cho Kutuzov – viên tướng được giới quý tộc và nhân dân Nga ủng hộ vì tài năng và lòng dũng cảm. Đây được coi là bước ngoặt lớn nhất trong chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất của Nga.

Kutuzov quyết định chọn Borodino – ngôi làng cách Moscow 120 km – làm nơi quyết chiến với quân Pháp. Tuy nhiên, ông vẫn lệnh cho người dân Moscow chuẩn bị sơ tán. 

Trận đánh khốc liệt ở Borodino mở màn vào ngày 5.9.1812. Với khẩu hiệu “phía sau chúng ta là Moscow”, quân Nga đã chiến đấu ngoan cường và 6 lần đánh bật các mũi tiến công quân Pháp.

Kutuzov đánh bại quân đội của Napoleon Bonaparte (ảnh: History)

Kutuzov đánh bại quân đội của Napoleon Bonaparte (ảnh: History)

Đến ngày 7.9, quân Pháp thương vong hơn 50.000 người, Napoleon quyết định tạm rút quân khỏi Borodino khi chưa đạt được mục tiêu là tiêu diệt hoàn toàn quân chủ lực của Nga trong một trận đánh. Quân Nga mất hơn 40.000 người. Borodino là một trong những trận đánh dữ dội nhất trong lịch sử nhân loại, theo History.

“Những ngày tháng này là tượng đài vĩnh cửu của người Nga về lòng can đảm và dũng cảm”, tướng Mikhail Kutuzov tuyên bố.

Ngày 12.9.1812, trước nguy cơ Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Moscow, Kutuzov đã đưa ra quyết định đầy khó khăn nhưng sáng suốt: Rút toàn bộ quân, dân khỏi Moscow.

“Mất Moscow không phải mất nước Nga. Nhưng mất quân đội thì Nga sẽ không còn”, Kutuzov nói.

Ngày 15.9, Napoleon dẫn quân dễ dàng tiến vào thủ đô Nga. Tuy nhiên, không tìm được lương thực, nước uống ở Moscow giữa thời tiết giá rét khiến người Pháp vô cùng khổ sở. Khi Napoleon cử sứ giả tới gặp Nga hoàng để bàn về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, Kutuzov nói: “Chấm dứt chiến tranh làm gì? Chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu thôi mà”.

Ngày 19.10, Napoleon rút quân khỏi Moscow. Ngày 24.10, Kutuzov dẫn quân tấn công quân Pháp và thắng lớn trong trận Maloyaroslav. Chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất của Nga kết thúc thắng lợi, Kutuzov trở thành huyền thoại.

Georgy Zhukov – vị nguyên soái là niềm tự hào của Liên Xô (ảnh: Military)

Georgy Zhukov – vị nguyên soái là niềm tự hào của Liên Xô (ảnh: Military)

4. Georgy Zhukov

Sinh ngày 19.11.1896 trong một gia đình nông dân nghèo tại Strelkovka (Nga), Georgy Zhukov từng bị cưỡng ép phải gia nhập quân đội của Nga hoàng trong Thế chiến I. Đây cũng là bước ngoặt lớn nhất làm thay đổi cuộc đời ông.

Năm 1917, Zhukov gia nhập đảng Bolshevik sau Cách mạng Tháng Mười. Con đường binh nghiệp của Zhukov liên tục thăng tiến kể từ đây, theo New York Times.

Ngày 22.6.1941, hơn 3 triệu quân phát xít Đức tấn công Liên Xô. Tháng 9.1941, Zhukov được giao quyền chỉ huy lực lượng Hồng quân ở Leningrad khi quân Đức đã vây chặt thành phố. Trước tình thế hết sức nguy ngập, Zhukov vẫn tỏ ra bình tĩnh. Chỉ trong vòng 7 ngày đầu nắm quyền chỉ huy, ông đã tổ chức lại lực lượng ở Leningrad và đẩy lui nhiều đợt tấn công ác liệt của địch. Những chỉ huy yếu kém và bỏ trốn khỏi chiến trận bị Zhukov thẳng tay xử tử.

Khi tình hình ở Leningrad tạm ổn, tháng 10.1941, lãnh tụ Liên Xô Stalin lệnh cho Zhukov cấp tốc về phòng thủ Moscow trước các đợt tấn công như vũ bão của quân phát xít. Ngày 15.11.1941, hơn 1,7 triệu quân Đức chỉ còn cách Moscow không đầy 20 km, theo Warfare.

Dưới sự chỉ huy của Zhukov với chiến lược phòng thủ kiên cường, phản công linh hoạt, giành giật từng mét đất với quân thù, Hồng quân đã thủ vững Moscow trước sự bất lực của quân Đức. Ngày 1.12.1941, Zhukov ra quyết định đầy táo bạo là mở cuộc phản công, đánh bật phát xít Đức khỏi vùng ngoại ô Moscow.

Theo History, sau thất bại ngay trước cửa ngõ Moscow, năm 1942, Hitler dồn lực lượng quyết chiếm bằng được Stalingrad.

Chiến sự ác liệt ở Stalingrad (ảnh: The Sun)

Chiến sự ác liệt ở Stalingrad (ảnh: The Sun)

Zhukov một lần nữa xuất hiện ở Stalingrad như một vị cứu tinh. Ông ra lệnh cho Hồng quân tử thủ Stalingrad, lợi dụng những ngôi nhà đổ nát để tạo công sự chặn đà tiến của phát xít Đức. Ngày 19.11.1942, Zhukov phát động đợt phản công mang tên Chiến dịch Sao Thiên Vương, đánh đuổi quân Đức khỏi Stalingrad. Sau thất bại này, phát xít Đức mất hẳn thế chủ động, liên tục bị Hồng quân đẩy lủi khỏi lãnh thổ Liên Xô.

Được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô tới 4 lần, Zhukov là kiến trúc sư cho các chiến thắng chủ chốt của Hồng quân trước phát xít Đức trong Thế chiến II. Binh sĩ Liên Xô thường nói: “Ở đâu có Zhukov, ở đó có chiến thắng”.

4 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của NATO kể từ khi thành lập

Hơn 70 năm trước, từ đống tro tàn của Thế chiến II, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời và ngày càng đi quá xa so với mục đích phòng thủ ban đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN