4 nhân vật quyền lực có thể định hình xung đột Nga – Ukraine

Hơn 2 tháng xung đột Nga – Ukraine, tình hình ngày càng trở nên phức tạp khi chiến sự ở Donbass diễn ra căng thẳng và 2 bên dường như đã “quay lưng” với các cuộc đàm phán. Trong khi Mỹ, NATO không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, những đòn trừng phạt và đáp trả liên tiếp giữa Nga – phương Tây cũng khiến quan hệ quốc tế thêm xấu đi. Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là: Ai đang kiểm soát tình hình cuộc xung đột Nga – Ukraine?

Tướng Alexander Dvornikov và Tổng thống Nga Putin (ảnh: Daily Mail)

Tướng Alexander Dvornikov và Tổng thống Nga Putin (ảnh: Daily Mail)

1. Tướng chỉ huy giai đoạn 2 chiến dịch quân sự của Nga

Từ ngày 11.4, xe tăng, pháo binh và các lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi những khu vực xung quanh Kiev để di chuyển đến Donbass. Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Putin đã bổ nhiệm thượng tướng Alexander Dvornikov – Tư lệnh Quân khu phía Nam – làm chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, theo CNN.

Ông Dvornikov, 60 tuổi, từng tham gia chiến tranh Chechnya từ những năm 1990. Năm 2015, ông Dvornikov trở thành tướng chỉ huy đầu tiên của lực lượng vũ trang Nga ở Syria. Từ năm 2016, ông được bổ nhiệm vị trí Tư lệnh Quân khu phía Nam của Nga, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Ông Dvornikov được đánh giá là tướng lĩnh có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường.  Năm 2016, ông được Tổng thống Putin trao tặng danh hiệu Anh hùng Nga vì những thành tích xuất sắc trong thời gian hoạt động ở Chechnya và Syria.

Dưới sự chỉ huy của tướng Dvornikov, không quân Nga đã hỗ trợ quân đội Syria bao vây và giành chiến thắng trong chiến dịch kiểm soát thành phố Aleppo vào tháng 12.2016. Đây là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của Syria trước tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

CNN dẫn lời một số nhà phân tích quân sự và quan chức Mỹ nắm nhiều nguồn tin tình báo cho rằng, mục tiêu của ông Dvornikov là đạt những tiến bộ rõ ràng trên chiến trường Donbass trước ngày 9.5 - thời điểm Nga kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức.

Theo một số chuyên gia, việc Nga bổ nhiệm ông Dvornikov cho chiến dịch quân sự ở Ukraine là hợp lý khi viên tướng này nắm rất rõ về khu vực miền đông Ukraine. Ông Dvornikov cũng rất có năng lực trong việc phối hợp các binh chủng trong một cuộc tấn công.

Theo Sina, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, mặt trận phía nam được cho là thành công nhất đối với quân đội Nga. Những thành công này gắn liền với sự chỉ huy của tướng Dvornikov.

Valeriy Zaluzhny – Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine (ảnh: CNN)

Valeriy Zaluzhny – Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine (ảnh: CNN)

2. Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự hôm 24.2, Mỹ và nhiều nước phương Tây tin rằng, Nga sẽ nhanh chóng kiểm soát được thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, tướng Valeriy Zaluzhny – Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine – lại không cho là như vậy.

Ông Zaluzhny là người có công lớn hàng đầu trong nỗ lực kháng cự của lực lượng Ukraine ở Kiev và các thành phố khác của Ukraine suốt hơn 1 tháng Nga tấn công dồn dập, theo Politico.

Ông Zaluzhny năm nay 49 tuổi, sinh ra trong một gia đình có truyền thống phục vụ quân đội. Ông được Tổng thống Ukraine Zelensky bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng hồi tháng 7 năm ngoái như một nỗ lực giúp Bộ Quốc phòng Ukraine và các lực lượng vũ trang nước này đoàn kết hơn.

“Tổng thống muốn nhìn thấy sức mạnh đoàn kết giữa Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Ukraine. Thật không may, chúng tôi chỉ thấy những mối bất hòa”, Sergey Nikiforov – Thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine Zelensky – phát biểu về quyết định bổ nhiệm ông Zaluzhny.

Trước khi nắm quyền chỉ huy toàn bộ chiến dịch phòng thủ của Ukraine trước quân đội Nga, ông Zaluzhny từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tác chiến Liên hợp Ukraine, Phó Tư lệnh thứ nhất Bộ Chỉ huy Tác chiến Ukraine, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Bắc các Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Tháng 8.2014, ông Zaluzhny chỉ huy một lữ đoàn tham chiến ở Debaltseve, nơi diễn ra một số trận đánh quyết liệt và quân đội Ukraine đang hứng chịu thương vong nặng nề trước phe ly khai.

Sau thời gian dài làm việc ở Donbass, ông Zaluzhny cho rằng, Ukraine cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến với Nga, theo AP.

“Với tư cách là Tổng Tham mưu trưởng, tôi chịu trách nhiệm về khả năng sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và điều động các lực lượng vũ trang Ukraine”, ông Zaluzhny phát biểu hồi tháng 9 năm ngoái.

“Tôi đã luôn nói về việc này kể từ khi nhậm chức, bởi đây là mối đe dọa xung đột toàn diện”, ông Zaluzhny nói về nguy cơ xung đột Nga – Ukraine.

Mặc dù là người dẫn dắt quân đội Ukraine đạt được những thành công gây bất ngờ, nhưng ông Zaluzhny lại rất kín tiếng.

Từ hôm 24.2, ông Zaluzhny được cho là chưa từng xuất hiện trước báo giới mà chỉ đưa ra các bình luận về hoạt động của lực lượng Ukraine trên mạng xã hội một cách thưa thớt.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Daleep Singh (ảnh: CNN)

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Daleep Singh (ảnh: CNN)

3. Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh

Người đứng sau các quyết định của Washinton trong “cuộc chiến trừng phạt kinh tế Mỹ - Nga” thời điểm hiện tại không ai khác là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh, Sina nhận định.

Từ năm 2011 – 2017, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama, ông Daleep Singh đảm nhiệm vị trí Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ. Ông được cho là người hoạch định hàng loạt chính sách kinh tế của Mỹ trong các cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Hy Lạp, đảo Puerto Rico…

Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ông Daleep Singh là một trong những quan chức Mỹ đi đầu trong việc kêu gọi Nhà Trắng trừng phạt Nga.

Tháng 2.2021, ông Daleep Singh được bổ nhiệm làm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ. Với vai trò này, ông Daleep Singh chịu trách nhiệm tham mưu và hoạch định hàng loạt quyết định về kinh tế của Nhà Trắng, bao gồm cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, theo CNN.

Hôm 31.3, ông Daleep Singh đã chủ trì cuộc họp giữa các quan chức kinh tế Mỹ với Ấn Độ. Trong cuộc họp, ông Daleep Singh nhấn mạnh, Mỹ không mong muốn Ấn Độ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Nga.

Theo ông Daleep Singh, các hợp đồng kinh tế giữa Ấn Độ với Nga hiện nay chủ yếu liên quan đến năng lượng – lĩnh vực mà Mỹ đang muốn cô lập Nga.

“Những quốc gia cố gắng né tránh hoặc làm ảnh hưởng tới các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ phải chịu hậu quả”, ông Daleep Singh cảnh báo.

Hôm 21.4, ông Daleep Singh cho biết, Mỹ đang tích cực thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, Mỹ còn đối phó với Nga bằng nhiều biện pháp khác như trừng phạt kinh tế, giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, củng cố quân sự ở sườn phía đông NATO.

Bà Elvira Nabiullina gây bất ngờ với khả năng “chèo chống” kinh tế Nga vượt khủng hoảng (ảnh: TASS)

Bà Elvira Nabiullina gây bất ngờ với khả năng “chèo chống” kinh tế Nga vượt khủng hoảng (ảnh: TASS)

4. Bà Elvira Nabiullina – chỉ huy cuộc “phản công tài chính” của Nga

Bà Elvira Nabiullina sinh năm 1963 tại Ufa (Nga), tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Moscow năm 1986, chuyên ngành kinh tế. Năm 1997, bà được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga. Năm 2012, bà Nabiullina trở thành Trợ lý Kinh tế của Tổng thống Nga.

Năm 2013, bà Nabiullina được Tổng thống Nga Putin bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga. Đây là lần đầu tiên cơ quan này có lãnh đạo là nữ giới.

Với vị trí mới, bà Nabiullina được xem là “cánh tay phải” đắc lực của Tổng thống Putin trong việc đưa ra các quyết sách về kinh tế, tài chính. Bà cũng là người có quan điểm chống lạm phát quyết liệt, theo tạp chí Anh The Economist.

Năm 2014, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, tài năng của bà Nabiullina được thể hiện khi giúp Nga vượt qua “trận sóng gió” các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Nhờ chính sách phân bổ và tích trữ USD hợp lý, năm 2014, Ngân hàng Trung ương Nga đã giúp các công ty năng lượng trong nước trả nợ nước ngoài và bắt đầu tăng trưởng từ năm 2016.

Dưới sự lãnh đạo của bà Nabiullina, Ngân hàng Trung ương Nga đã tiến hành hiện đại hóa, thiết lập kho dự trữ vàng và ngoại hối trị giá 640 tỷ USD, xếp thứ 4 thế giới. Đây được xem là "pháo đài" tài chính của Nga.

Giữa xung đột với Ukraine, sau khi bị bị phương Tây “đóng băng” hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, Nga vẫn còn hơn 2.000 tấn vàng trong nước, trị giá khoảng 140 tỷ USD.

Xung đột Nga – Ukraine kéo theo căng thẳng giữa Moscow và các nước phương Tây (ảnh: Reuters)

Xung đột Nga – Ukraine kéo theo căng thẳng giữa Moscow và các nước phương Tây (ảnh: Reuters)

Hôm 28.2, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo nâng lãi suất tiền gửi từ mức 9,5% lên 20% nhằm tránh đồng rúp mất giá. Thời điểm này, đồng rúp Nga đang rớt giá kỷ lực, giao dịch có lúc ở mức 119,50 rúp đổi 1 USD, giảm 30% giá trị so với ngày 25.2.

Tuy nhiên, nhờ chính sách nâng lãi suất tiền gửi và quy định buộc phương Tây phải mua khí đốt bằng đồng rúp, hôm 27.4, đồng rúp của Nga đã chạm mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây so với đồng euro.

Cụ thể, đồng rúp đã tăng 1,8% lên 75,43 rúp đổi 1 euro, cao nhất kể từ tháng 3.2020. Giá nội tệ của Nga cũng tăng 1,1% so với USD, lên 72,75 rúp đổi 1 USD, theo Reuters.

Diễn biến giao tranh khốc liệt ở phòng tuyến Donbass qua lời kể của lính Ukraine

Quân đội Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công ở phía nam và phía đông Ukraine nhưng phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt ở một số địa điểm, nơi quân chủ lực của Ukraine...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN