4 nhà máy hạt nhân Ukraine đồng loạt dừng hoạt động khẩn cấp

Nhiều chuyên gia lo ngại việc Nga dồn dập không kích mạng lưới điện Ukraine có thể đe dọa an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân của Kiev.

Nguy hiểm như xe đang chạy 200km/h thì phải phanh gấp Các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine từ tháng 3.

Tới tháng 9, nhà máy ngừng kết nối với mạng lưới điện Ukraine sau một loạt cuộc không kích vào khu vực xung quanh nhà máy mà cả Nga và Ukraine đều cáo buộc trách nhiệm lẫn nhau.

Ba nhà máy hạt nhân còn lại của Ukraine là Rivne, South Ukraine và Khmelnytskyi chưa trở thành mục tiêu trong các cuộc không kích gần đây của các lực lượng Nga nhưng theo hãng tin Guardian, vấn đề an toàn tại các nhà máy này có thể bị đe dọa do các cuộc không kích nhằm vào mạng lưới điện của Ukraine.

Đặc biệt, các cuộc không kích vào mạng lưới điện của Ukraine ngày 23/11 đã khiến Kiev lần đầu tiên phải kích hoạt cơ chế ngừng hoạt động khẩn cấp tất cả 4 nhà máy điện hạt nhân.

Nhân viên an ninh Nga đứng gác tại nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh - AP

Nhân viên an ninh Nga đứng gác tại nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh - AP

Ông Petro Kotin, Chủ tịch công ty năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine, cho biết trong 40 năm vận hành của ngành công nghiệp hạt nhân Ukraine, đây là lần đầu tiên toàn bộ 4 nhà máy hạt nhân của quốc gia này phải ngừng hoạt động khẩn cấp.

Ông Kotin cho hay tất cả cơ chế an toàn đều hoạt động đúng như dự kiến vào ngày 23/11, nhưng 2 máy phát điện đã bị hư hại làm chậm trễ việc khởi động lại 2 lò phản ứng hạt nhân.

Ông Kotin cũng cho rằng việc các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine thường xuyên phải ngừng hoạt động khẩn cấp do các đợt không kích của phía Nga có thể đã gây hư hại trên quy mô lớn, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung điện của Ukraine và an toàn hạt nhân.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho rằng việc các nhà máy năng lượng hạt nhân của Ukraine bị mất điện cho thấy tình hình về an toàn hạt nhân và an ninh tại quốc gia này đang đối mặt với thách thức, tiềm ẩn nguy hiểm.

Ông Kotin cho biết các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine được thiết kế với nhiều lớp bảo vệ để phòng ngừa khả năng lặp lại thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Khi nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine bị mất điện sau vụ không kích hôm 23/11, các lò phản ứng hạt nhân lập tức được cô lập khỏi hệ thống, các máy phát điện chạy bằng diesel được khởi động để bơm nước lưu thông qua bể làm mát…

Tuy nhiên, việc nhà máy thường xuyên phải ngừng vận hành khẩn cấp do các đợt không kích có thể gây sức ép lên toàn bộ hệ thống, từ tuốc bin hơi nước cho tới máy phát điện.

Ông Kotin so sánh việc phải ngừng vận hành khẩn cấp nhà máy hạt nhân với việc đang điều khiển ô tô chạy với tốc độ 200km/h thì buộc phải phanh khẩn cấp, có thể dẫn tới nhiều hậu quả khó lường hoặc đe dọa vấn đề an toàn hạt nhân.

Ông Oleh Korikov, Thanh tra trưởng của Ukraine về an toàn hạt nhân, cho biết nguy cơ nhân lên nhiều lần sau mỗi lần nhà máy điện hạt nhân buộc phải ngừng hoạt động khẩn cấp. “Mỗi lần áp dụng hệ thống ngừng khẩn cấp lò phản ứng hạt nhân đều có thể dẫn đến xảy ra tai nạn do trục trặc thiết bị hoặc nhân viên kỹ thuật phạm sai lầm”, ông Korikov nói.

Khi nhà máy điện hạt nhân bị mất điện, máy phát điện chạy bằng diesel có thể vận hành hệ thống làm mát và các hệ thống an toàn khác, nhưng không cung cấp đủ năng lượng để khởi động lại toàn bộ nhà máy. Thời gian nhà máy bị mất điện càng kéo dài, việc khởi động lại hệ thống càng khó khăn.

Nhân viên vận hành quá tải

Quá trình ngừng hoạt động và khởi động lại lò phản ứng hạt nhân đòi hỏi nhân viên của phía Ukraine phải có kỹ năng tốt, không được để xảy ra sai sót. Tuy nhiên, theo hãng tin Guardian, nhân viên tại nhà máy Zaporizhzhia nơi đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng Nga, đang phải làm việc dưới áp lực lớn.

Trong nhiều tháng qua, ông Grossi đã nỗ lực đàm phán nhằm đạt giải pháp lập vùng bảo vệ an ninh và an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhưng phía Ukraine yêu cầu phi quân sự hóa nhà máy này, yêu cầu các lực lượng Nga rút vũ khí và trang thiết bị quân sự khỏi nhà máy.

Bà Mariana Budjeryn, nhà nghiên cứu trong một dự án về quản lý nguyên tử liên kết với Đại học Harvard, cho rằng tình hình tại nhà máy Zaporizhzhia góp phần gây áp lực lên đội ngũ nhân sự.

Họ phải đảm nhiệm trọng trách khó khăn là duy trì 2 lò phản ứng hạt nhân trong trạng thái hoạt động không ổn định để cung cấp điện cho nhà máy vận hành và cho thị trấn Enerhodar gần đó.

Bà Budjeryn cho rằng nếu 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại bị mất điện khiến không thể khởi động lại, tình hình sẽ giống với 3 quả bom nổ chậm khổng lồ, dẫn tới mối đe dọa rất lớn về an toàn hạt nhân.

Ông Putin ký lệnh coi nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine là tài sản Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/10 đã ký lệnh chuyển giao quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, sau khi vùng này sáp nhập vào Nga từ cuộc trưng dầu dân ý diễn ra...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Theo Guardian) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN