4 lần Nga dùng binh kể từ khi ông Putin nắm quyền, kết quả ra sao?
Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga non trẻ vấp phải vô vàn khó khăn, vừa phải vực dậy kinh tế trong nước, vừa đối phó với xu hướng đòi ly khai, độc lập ở nhiều vùng lãnh thổ và sự "bành trướng" của NATO. 22 năm kể từ khi ông Putin trở thành Tổng thống, nước Nga đã tham gia 4 trận chiến để giải quyết mối lo an ninh.
Quân đội Nga trong chiến tranh Chechnya (ảnh: Rferl)
1. Chiến tranh Chechnya lần thứ 2
Việc Chechnya – nước cộng hòa thuộc Nga – đòi ly khai là vấn đề khiến Moscow “đau đầu” nhất thời kỳ hậu Xô Viết. So với diện tích khổng lồ của Nga, Chechnya chỉ là một vùng đất nhỏ bé với dân số hơn 1 triệu người. Tuy nhiên, nếu Chechnya thực sự độc lập khỏi Nga, làn sóng đòi ly khai có thể xuất hiện ở nhiều vùng lãnh thổ khác mà Moscow không thể kiểm soát, theo DW.
Tháng 12.1994, bất chấp nhiều cảnh báo từ Nga, Dzokhar Dudayev – lãnh đạo lực lượng ly khai Chechnya – đơn phương tuyên bố Chechnya độc lập, thành lập Cộng hòa Chechen tự xưng. Dưới sự chỉ đạo của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, quân đội Nga tấn công phe ly khai ở Chechnya nhưng không giành thắng lợi.
Trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, quân đội Nga hứng tổn thất nặng nề với hơn 3.800 binh sĩ thiệt mạng. Tháng 8.1996, Nga buộc phải rút quân khỏi Chechnya sau khi đạt được lợi thế nhỏ là tiêu diệt thành công Dzokhar Dudayev trong một cuộc tấn công bằng tên lửa. Thất bại ở Chechnya khiến quân đội Nga tổn thất hình ảnh nghiêm trọng khi bị đánh giá là yếu kém, lạc hậu, theo Refworld.
Tháng 5.2000, Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là đưa Chechnya quay về với Moscow.
“Thông điệp chính của ông Putin với người dân trước khi nhậm chức là “có một bộ phận nhỏ đang bị thương trên lãnh thổ Nga và tôi sẽ là người chữa lành nó””, Gasan Gusejnov – chuyên gia về xung đột sắc tộc Nga – nhận xét.
Vụ đánh bom chung cư khiến hơn 300 người chết ở Moscow năm 1999 (ảnh: Rferl)
Tháng 9.1999, 2 tòa chung cư ở Moscow bị đánh bom khiến hơn 300 người chết. Nga cáo buộc phe ly khai ở Chechnya đứng sau vụ tấn công và chiến tranh Chechnya lần thứ 2 bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ông Putin, quân đội Nga thể hiện sức chiến đấu và trình độ tác chiến cao hơn rất nhiều so với 4 năm trước đó.
Vây hãm, dồn ép kết hợp với hỏa lực từ khí tài hiện đại là chiến thuật chính được Nga sử dụng trong chiến tranh lần 2 ở Chechnya. Điều này tỏ ra hiệu quả trước lối đánh du kích có phần non nớt của lực lượng ly khai.
Theo Refworld, ngày 30.4.2000, chỉ 4 tháng sau khi ông Putin nắm quyền, Cộng hòa Chechen tự xưng sụp đổ. Grozny – thủ phủ của Chechnya – được quân đội Nga kiểm soát. 9 năm tiếp theo, Nga liên tục tổ chức các đợt tấn công, truy quét lực lượng ly khai ở Chechnya.
“Đó hoàn toàn là do các ông tự chuốc lấy”, ông Putin trả lời đề xuất đình chiến của lãnh đạo phe ly khai ở Chechnya.
Ngày 15.4.2009, Nga tuyên bố không còn bất cứ phần tử ly khai nào ở Chechnya. Thành công ở Chechnya giúp quân đội Nga khôi phục vị thế trên trường quốc tế và ông Putin khẳng định tài năng lãnh đạo, nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân.
2. Xung đột với Gruzia
Rạng sáng ngày 8.8.2008, hơn 30.000 quân Gruzia cùng hàng trăm xe tăng tấn công Nam Osetia – khu tự trị được Nga hậu thuẫn. Cuộc tấn công được chỉ đạo bởi cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili – người có quan điểm chống Nga sâu sắc.
Sau khi nhậm chức năm 2004, ông Saakashvili đã nhiều lần khẳng định mục tiêu thu hồi Nam Ossetia và Abkhazia – 2 vùng lãnh thổ ly khai khỏi Gruzia từ năm 1991. Nếu giành chiến thắng ở Nam Osetia, Gruzia gần như chắc chắn giành một vé gia nhập NATO, trở thành mũi xung kích chống Nga ở đông Âu, theo RT.
Chiến sự khốc liệt ở Nam Osetia (ảnh: Reuters)
Với lực lượng vượt trội hơn hẳn, quân đội Gruzia nhanh chóng áp đảo lực lượng ly khai ở và giành quyền kiểm soát Tskhinvali – thủ phủ Nam Ossetia. Tới trưa ngày 8.8.2008, dưới sự ủng hộ của ông Putin – người khi đó đang giữ chức Thủ tướng Nga – Moscow quyết định điều quân tới Nam Osetia.
Chỉ trong vòng vài giờ chiến đấu, 2 đơn vị thiết giáp với 20.000 quân, 500 xe tăng thuộc Tập đoàn quân số 58 của Nga đánh đánh bật quân đội Gruzia khỏi Tskhinvali. Hơn 100 máy bay chiến đấu Nga thoải mái quần thảo trên bầu trời Nam Osetia trước sự bất lực của Gruzia. Từ ngày 10 – 12.8.2008, quân đội Nga liên tục tấn công, đẩy lùi quân Gruzia khỏi Nam Ossetia. Một số mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Gruzia cũng bị Nga không kích, theo RT.
Chiều ngày 12.8.2008, Tổng thống Gruzia Saakashvili thừa nhận thất bại và chấp nhận đàm phán hòa bình. Cuộc chiến ở Nam Ossetia chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 5 ngày nhưng đã thể hiện sự ưu việt của quân đội Nga trước đối thủ bị đánh giá yếu hơn. Khả năng hành quân thần tốc và tác chiến chớp nhoáng của quân đội Nga ở Nam Ossetia cũng khiến Mỹ, NATO bất ngờ khi gần như “tàng hình” trước hệ thống radar.
3. Sáp nhập bán đảo Crimea
Theo Moscow Times, trong bối cảnh Ukraine rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng bởi các cuộc biểu tình, từ ngày 22 – 23.2.2014, Tổng thống Nga Putin đã họp suốt đêm với các quan chức an ninh về vấn đề Kiev và bán đảo Crimea (khi đó đang thuộc Ukraine).
“Chúng ta phải hành động nhanh chóng để thu hồi Crimea”, ông Putin kết luận.
Chiến dịch thu hồi Crimea – bán đảo với hầu hết dân số là người gốc Nga – của Moscow được đánh là nhanh lẹ và độc đáo nhất lịch sử thế giới hiện đại. Sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea, giới lãnh đạo và quân đội Ukraine dường như vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Toàn bộ chiến dịch giành quyền kiểm soát Crimea của Nga diễn ra chỉ trong vòng 1 tháng và gần như không gây đổ máu.
Từ cuối tháng 2.2014, hàng nghìn binh sĩ Nga không mang quân phục đã bí mật tiếp cận các căn cứ trên bán đảo Crimea. Đây là các căn cứ Nga được phép hoạt động theo hiệp ước ký với Ukraine.
Tổng thống Nga Putin quyết tâm sáp nhập Crimea giữa bất ổn chính trị Ukraine (ảnh: SCMP)
Theo Moscow Times, ngày 28.2.2014, Armyansk và Chongar – 2 tuyến đường chính nối Ukraine với Crimea – bị quân đội Nga chặn lại. 4 ngày sau, Nga đã kiểm soát được nghị viện Crimea. Các đại biểu ở Crimea nhanh chóng bầu ra nghị viện mới và thúc đẩy quá trình trưng cầu dân ý để bán đảo tách khỏi Ukraine.
Ngày 11.3.2014, Crimea tuyên bố độc lập khỏi Ukraine. 5 ngày sau, 97% người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga, với tỉ lệ 83% người đi bầu.
Suốt quá trình quân đội Nga “làm mưa làm gió” ở Crimea, hàng nghìn binh sĩ Ukranie ở đây không thể liên lạc được với Kiev. Họ không biết phải làm gì trước hành động ráo riết của binh sĩ Nga và chỉ có để chứng kiến một cách bất lực.
Ngày 18.3.2014, Crimea chính thức trở thành một phần lãnh thổ Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh tại Moscow. Ngày 24.3.2014, Ukraine rút toàn bộ lực lượng vũ trang khỏi Crimea.
“Làm sao chúng tôi có thể bỏ rơi Crimea và những người đang sống ở đó? Làm sao chúng tôi có thể từ chối che chở, bảo vệ cho họ? Không thể nào”, ông Putin nói trong một cuộc họp báo năm 2021 ở Moscow, RT đưa tin.
Quân đội Nga ở bán đảo Crimea (ảnh: RT)
4. Nga tham chiến ở Syria
Nga tham chiến ở Syria (ảnh: Moscow Times)
Ngày 30.9.2015, Tổng thống Putin tuyên bố quân đội Nga sẽ tham chiến ở Syria theo lời đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đối thủ của liên quân Nga – Syria là các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cuối năm 2017, ông Putin ra lệnh thu quân từ Syria.
RT dẫn bản báo cáo của Bộ Quốc phòng nga cho biết, 2 năm tham chiến ở Syria, Nga đã giúp chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad giải phóng hơn 87% lãnh thổ bị IS chiếm đóng.
Cục diện chiến trường Syria được đánh giá là thay đổi ngoạn mục kể từ khi quân đội Nga góp mặt với những thắng lợi liên tiếp cho chính quyền của ông Assad. Vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông cũng bị lu mờ trước Nga.
Theo nhiều chuyên gia, Nga buộc phải tham chiến và chiến thắng IS ở Syria bởi kể từ sau khi Liên Xô tan rã Moscow không còn nhiều đồng minh ở Trung Đông.
Dưới sự chỉ đạo của ông Putin, trong vòng 2 năm, quân đội Nga thực hiện hơn 30.000 cuộc tấn công ở Syria và tiêu diệt ít nhất 90.000 phần tử khủng bố. 212 mỏ khai thác dầu cùng 184 nhà máy và cơ sở lọc dầu do IS kiểm soát bị quân đội Nga phá hủy khiến nguồn tài chính của tổ chức khủng bố bị tổn thất nghiêm trọng.
Quân đội Nga cũng giúp Syria đưa hơn 5.300 ha đất trở về tình trạng an toàn sau khi rà phá bom mìn.
Chiến thắng ở Syria không chỉ giúp Nga nâng cao vị thế mà còn giúp quân đội Nga thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới, nâng cao năng lực tác chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, quân đội Nga đã thử nghiệm hơn 320 loại vũ khí ở Syria, theo Nationali Interest.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự kiện Tổng thống Nga Putin ký quyết định công nhận độc lập của 2 tỉnh miền đông Donetsk và Luhansk hôm 21.2 khiến nhiều nước đặc biệt chú ý và Trung Quốc cũng không ngoại...