4 kịch bản cho Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sau sự cố Su-24
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, quan hệ hai bên lâm vào khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Dù căng thẳng sẽ khiến cả đôi bên thiệt hại đáng kể, song cho đến nay, cả Moscow lẫn Ankara chưa ai chịu nhún nhường.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga với cáo buộc vi phạm không phận nước này đã thổi bùng sự phẫn nộ của Mosocw.
Không chỉ dùng những lời lẽ nặng nề để mô tả hành động của Ankara như “đâm lén sau lưng”, “đồng lõa với khủng bố”, Tổng thống Putin còn kiên quyết không nghe điện thoại, không gặp mặt Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tha thiết ngỏ lời muốn hai bên đối thoại trực tiếp.
Tổng thống Putin (phải) đã dùng nhiều lời lẽ nặng nề để chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì bắn hạ máy bay Su-24 của Nga.
Chưa dừng lại, Tổng thống Putin còn ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tuyên bố không xin lỗi vụ bắn hạ Su-24 Nga.
Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn với tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đồng thời chỉ đích danh Tổng thống Erdogan đang hưởng lợi từ những giao dịch bất hợp pháp trên…
Theo giới phân tích, đứng trước thách thức lớn, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đi về đâu sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn của giới lãnh đạo 2 bên. Dưới đây là 4 kịch bản cho quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian sắp tới.
1. Căng thẳng tiếp tục leo thang
Kịch bản này rất dễ xảy ra khi còn tồn tại nguy cơ xung đột giữa Moscow và Ankara tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Xung đột có thể bùng lên nếu Ankara tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy Turkmen Syria đang chiến đấu chống lại chính quyền Tổng thống Assad hoạt động gần biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, còn Nga không ngừng không kích nhắm mục tiêu vào lực lượng này. Bất cứ sự cố nào cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Tiêm kích-bom Su-34 của Nga thả bom nhắm vào các mục tiêu IS tại Syria
Ngoài ra, căng thẳng có thể tiếp tục leo thang nếu một trong hai, Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay “tung đòn chí mạng” vào lợi ích của nhau.
Chẳng hạn, Ankara có thể phong tỏa eo biển Bosporus chiến lược nối liền Biển Đen và Địa Trung Hải, cấm cửa tàu Nga. Bosporus được xem là con đường huyết mạch giúp Nga tiếp viện vũ khí cũng như các trang thiết bị hậu cần cho các lực lượng đang tham chiến chống khủng bố tại Syria.
Nếu Ankara đóng cửa eo biển Bosporus, giới phân tích nhận định, nó sẽ được xem là “hành động tuyên chiến” chống lại Moscow và có khả năng thổi bùng lên cuộc chiến tranh “một mất một còn” giữa hai bên.
2. Đóng băng quan hệ
Kịch bản được cho là tiềm năng nhất này xảy ra khi hai bên kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, tiếp tục “lời qua tiếng lại”, chiến tranh ngôn từ, song vẫn kìm chế những hành động có thể đẩy tình hình xấu thêm.
Chẳng hạn, Nga ngừng các cuộc không kích gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara ngừng hỗ trợ lực lượng Turmen và đóng cửa biên giới để cắt đứt dòng chảy vũ khí, đạn dược, hàng lậu cũng như các chiến binh cực đoan ra vào Syria. Về ngoại giao, 2 bên sẽ không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lẫn nhau.
3. Hâm nóng quan hệ
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vừa có cuộc gặp lần đầu tiên kể từ sau sự cố Su-24 bên lề hội nghị Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Belgrade (Serbia) ngày 3.12.
Ankara và Moscow có thể thông qua một bên thứ 3 làm trung gian để bắt đầu cải thiện quan hệ. Theo đó, Azerbaijan và Kazakhstan có khả năng trở thành cầu nối cho Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trong kịch bản này còn Moscow và Ankara đều nhất trí sẽ thúc đẩy các cuộc tiếp xúc thường xuyên nhằm mục đích cải thiện quan hệ, ít nhất là ở cấp độ cơ quan ngoại giao và quân sự.
Theo đó, một số lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ cùng lúc. Để kịch bản này xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm ngôn từ khác thay cho từ “hối tiếc” mà họ dùng để mô tả về sự cố Su-24. Tuy nhiên, kịch bản này được dự đoán không xảy ra trong tương lai gần.
4. Khôi phục quan hệ
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khôi phục quan hệ được hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn và quyết định của lãnh đạo 2 nước.
Để kịch bản này xảy ra, cần phải thiết lập cuộc họp ở cấp cao nhất - cấp tổng thống. Nói cách khác, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ phải làm cách nào đó để thuyết phục Tổng thống Putin gặp mặt và trực tiếp đối thoại.
Sau cuộc gặp như vậy, Nga có thể tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để kịch bản này xảy ra là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đặt lòng tin vào nhau và quyết tâm thực thi các cơ chế tránh xung đột, va chạm và hiểu lầm. Kịch bản này cũng được dự đoán không xảy ra trong tương lai gần.