4 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của NATO kể từ khi thành lập

Hơn 70 năm trước, từ đống tro tàn của Thế chiến II, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời và ngày càng đi quá xa so với mục đích phòng thủ ban đầu.

Xe tăng Mỹ - Liên Xô chĩa pháo vào nhau ở bức tường Berlin (ảnh: History)

Xe tăng Mỹ - Liên Xô chĩa pháo vào nhau ở bức tường Berlin (ảnh: History)

Ngày 4.4.1949, 12 nước bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Ireland, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Italia cùng ký kết văn kiện thành lập NATO.

Mục đích ban đầu của tổ chức này là hình thành một liên minh quân sự đối chọi với Liên Xô và kiềm chế, không để nước Đức trở thành một cường quốc quân sự sau Thế chiến II. Theo điều 5 của NATO, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của liên minh sẽ bị coi như tấn công vào toàn liên minh.

Hơn 70 năm tồn tại, NATO đã can dự vào không ít cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới và cũng trải qua không ít thời điểm cực kỳ cam go.

1. Bức tường Berlin

Sau Thế chiến II, nước Đức chia làm 2 quốc gia là Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) và Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức). Ngày 13.8.1961, dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô, Đông Đức xây bức tường Berlin nhằm ngăn cản dòng người di cư ồ ạt sang Tây Đức (nước Đức sau Thế chiến II bị chia cắt làm 2 phần). Bức tường Berlin được xây dựng đã gây căng thẳng nghiêm trọng giữa Mỹ và Liên Xô – 2 siêu cường mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, theo History.

Ngày 24.8.1961, Mỹ cùng Tây Đức - gia nhập NATO năm 1955 - điều hơn 1.000 quân làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh dọc bức tường Berlin. Ngày 30.8, Tổng thống Mỹ John Kennedy tuyên bố động viên quân dự bị và gửi thông điệp “báo động” các nước thuộc khối NATO.

Từ tháng 9 đến tháng 10.1961, 40.000 binh sĩ Mỹ được điều tới Tây Đức. NATO (dẫn đầu bởi Mỹ) cho rằng cần phá hủy bức tường Berlin.

Ngày 22.10.1961, E.Allan Lightner.Jr – quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ – bị quân Đông Đức chặn đường, không cho sang nhà hát opera ở Đông Đức

Để chứng tỏ quyết tâm lôi kéo Đông Đức tách khỏi Liên Xô, ngày 26.10.1961, Washington điều 10 xe tăng và 3 xe bọc thép tới trạm kiểm soát Charlie của bức tường Berlin.

Không chịu kém cạnh, Liên Xô cũng điều hơn 20 xe tăng tới trạm kiểm soát Charlie, đối đầu với xe tăng Mỹ. Xe tăng 2 bên chĩa pháo vào nhau suốt 16 tiếng ở khoảng cách chỉ 75 mét. Sự việc này được cho là một trong những khoảnh khắc căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh và có nguy cơ thổi bùng Thế chiến III.

Màn “đối pháo” kịch tính ở bức tường Berlin chỉ kết thúc sau khi Mỹ và Liên Xô tổ chức các cuộc đàm phán bí mật. Tổng thống Mỹ Kenedy cho rằng, Berlin không phải “lợi ích sống còn” đến mức Mỹ và NATO phải gây chiến với Liên Xô.

Ngày 28.10.1961, xe tăng của Liên Xô rút lui trước và ngay sau đó Mỹ, Tây Đức cũng rút quân.

Mỹ triển khai tên lửa ở nhiều nước NATO nhằm uy hiếp Liên Xô (ảnh: AP)

Mỹ triển khai tên lửa ở nhiều nước NATO nhằm uy hiếp Liên Xô (ảnh: AP)

2. Khủng hoảng tên lửa Cuba

Từ tháng 9.1962, Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng căn cứ tên lửa ở Cuba để có khả năng đánh trúng một số mục tiêu của Mỹ. Hành động này nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa ở nhiều nước NATO như ở Anh (năm 1958), ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ (năm 1961)… Tổng cộng, có khoảng 100 tên lửa Mỹ được bố trí trên lãnh thổ các nước NATO phòng trường hợp cần tấn công phủ đầu Liên Xô, theo Insider.

Ngày 14.10.1962, một máy bay do thám U2 của Mỹ phát hiện nhiều căn cứ tên lửa của Liên Xô đang xây dựng ở Cuba. Mỹ và NATO lập tức lên tiếng chỉ trích và phong tỏa vùng biển Cuba. Chính quyền Tổng thống Kenedy khi đó thậm chí còn cân nhắc tấn công Cuba bằng không quân và hải quân. Cuộc khủng hoảng này được đánh giá là nghiêm trọng tương đương sự việc “đối pháo” ở bức thường Berlin, khiến thế giới lo lắng về một cuộc xung đột hạt nhân.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã khai sinh “Đường dây nóng Washington – Moscow”. Thông qua kênh liên lạc này, Mỹ và Liên Xô đưa ra các thỏa thuận trực tiếp trong bí mật để giải quyết khủng hoảng an ninh. Theo đó, Liên Xô phải dỡ bỏ tất cả căn cứ tên lửa ở Cuba để đổi lấy việc Mỹ hoàn thành dỡ bỏ các tên lửa đạn đạo bố trí ở nhiều nước NATO trước tháng 9.1963.

Tên lửa NATO dàn trận trong cuộc tập Able Archer 83 năm 1983 (ảnh: Express)

Tên lửa NATO dàn trận trong cuộc tập Able Archer 83 năm 1983 (ảnh: Express)

3. NATO tập trận năm 1983

Theo CNN, ngày 2.11.1983, cuộc tập trận Able Archer 83 (Thiện xạ) do NATO tổ chức cũng suýt nữa gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Quy mô cuộc tập trận Able Archer 83 của NATO lên tới hơn 40.000 quân, diễn ra trên phạm vi hầu khắp các nước Tây Âu. Theo kịch bản, quân đội NATO diễn tập các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các nước thuộc khối Warszawa – liên minh quân sự gồm 7 nước do Liên Xô dẫn đầu.

Liên Xô coi cuộc tập trận Able Archer 83 là hành động “bất thường” và đặt quân đội ở Đông Đức, Ba Lan trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Ở Đông Đức, Tập đoàn quân không quân Xô Viết số 16 đã nhận lệnh sẵn sàng tấn công hạt nhân phủ đầu vào các căn cứ NATO. Ở Ba Lan, theo chỉ đạo của Tư lệnh Không quân Liên Xô - Nguyên soái Pavel Kutakhov - Lực lượng Không quân số 4 cũng sẵn sàng ném bom hạt nhân các nước NATO.

Căng thẳng sau đó được hóa giải bằng việc Mỹ – quốc gia dẫn đầu NATO – giảm quy mô và kết thúc tập trận Able Archer 83 sớm.

Binh sĩ NATO ở Afghanistan (ảnh: AP)

Binh sĩ NATO ở Afghanistan (ảnh: AP)

4. Cuộc chiến ở Afghanistan

Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 khiến hơn 3.000 người chết ở New York, Mỹ và NATO thành lập lực lượng chống khủng bố quốc tế. Ngày 7.10.2001, với cáo buộc Taliban bao che cho trùm khủng bố Osama bin Laden, NATO mở cuộc không kích lớn vào Kabul – thủ đô Afghanistan.

Tháng 12.2001, chế độ Taliban sụp đổ, phải tháo chạy khỏi Kabul. Quân đội NATO do Mỹ dẫn đầu sau đó đổ bộ vào Afghanistan nhằm truy quét tàn dư Taliban. Tháng 8.2010, số quân NATO ở Afghanistan đã lên tới hơn 100.000 người, theo CNN.

Tháng 4.2021, Mỹ và NATO chính thức tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan. Chiến dịch ở Afghanistan của NATO bị đánh giá là thất bại. Sau 20 năm tham chiến, NATO tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD ở Afghanistan. Hơn 3.000 binh sĩ NATO cũng tử trận ở quốc gia này. 4 tháng sau, lực lượng Taliban tiến vào Kabul, tiếp tục nắm quyền kiểm soát Afghanistan.

NATO từng tấn công một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu

Ngày 24.3.1999, bất chấp việc không được sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, NATO mở chiến dịch không kích quân đội Serbia để ủng hộ tỉnh Kosovo ly khai. Đây cũng là lần đầu tiên NATO tấn công một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu.

NATO thực hiện hơn 38.000 vụ không kích bằng máy bay kết hợp với tên lửa hành trình Tomahawk vào Serbia. Tất cả thành viên NATO đều tham chiến. Chống trả lại các cuộc oanh kích của NATO là 90.000 quân Nam Tư với sức chiến đấu và vũ khí kém hơn. Hệ thống phòng không Nam Tư gần như không thể với tới máy bay NATO, RT viết.

Sức ép quân sự của NATO buộc quân đội Serbia phải rút khỏi Kosovo. Ngày 17.2.2008, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Quyết định của Kosovo nhận được sự ủng hộ của 117/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Đến nay, NATO vẫn duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga trở thành quốc gia chịu trừng phạt nhiều nhất

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới – điều mà Moscow có lẽ không mong muốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN