3.000 lính dù Nga đổ bộ quốc gia láng giềng: Đến nhanh như chớp, rời đi có dễ?

Sự kiện: Tin tức Nga

Nga can thiệp quân sự vào Kazakhstan được xem là điều khó tránh khỏi, nhưng Moscow đứng trước rủi ro bị cuốn vào tình trạng bất ổn kéo dài ở quốc gia láng giềng, phải phân tán lực lượng trên nhiều mặt trận.

Binh sĩ Nga lên máy bay quân sự tới Kazakhstan vào sáng ngày 6.1.2022.

Binh sĩ Nga lên máy bay quân sự tới Kazakhstan vào sáng ngày 6.1.2022.

“Ở thời điểm hiện tại, Nga can thiệp quân sự vào Kazakhstan ở quy mô tương đối khiêm tốn, tương đương một chiến dịch an ninh thông thường”, Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), nói trên tờ Mocsow Times. “Nhưng nếu chiến dịch phải kéo dài, hệ quả đối với Nga sẽ là rất rõ rệt”.

3.000 lính dù Nga đã đổ bộ xuống Kazakhstan theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Kazakhstan nằm trong liên minh quân sự CSTO do Nga đứng đầu. Các quốc gia có trách nhiệm điều quân đội đến hỗ trợ nếu một nước thành viên đối mặt nguy hiểm cả ở bên trong và bên ngoài.

Ngoài Nga, các thành viên thuộc CSTO như Armenia, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng đưa binh sĩ tới Kazakhstan.

Ông Tokayev nói các quốc gia đồng minh cần hỗ trợ Kazakhstan đối phó với “các mối đe dọa khủng bố”, sau làn sóng biểu tình gây bạo loạn trên khắp toàn quốc.

Tính đến ngày 6.1, bạo loạn khiến 30 người biểu tình và 18 nhân viên an ninh thiệt mạng. Số người bị thương ước tính đã lên tới 1.000 người.

Hôm 6.1, truyền thông Kazakhstan đăng tải video cho thấy cảnh quân đội đấu súng với những kẻ khủng bố có vũ trang ở Almaty, thành phố lớn nhất nước này.

Văn phòng thị trưởng Kazakhstan ở thành phố Almaty bị những người biểu tình đốt phá.

Văn phòng thị trưởng Kazakhstan ở thành phố Almaty bị những người biểu tình đốt phá.

Đối với các nhà quan sát Nga, việc quân đội Nga được triển khai chớp nhoáng tới quốc gia láng giềng, chỉ vài giờ sau khi nhận được đề nghị của Tổng thống Tokayev, là điều khó tránh khỏi.

“Tôi không nghĩ Nga có lựa chọn nào khác ngoài can thiệp quân sự”, chuyên gia Kortunov nói. “Khu vực Trung Á đang cực kỳ bất ổn. Nga không còn lựa chọn nào khác. Nhưng cần xác định đây là chiến dịch ngắn, diễn ra giới hạn, và quân đội Nga cần tránh bị sa lầy ở Kazakhstan”.

Cuộc khủng hoảng Kazakhstan diễn ra giữa thời điểm Nga đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều kênh truyền thông Nga còn so sánh bất ổn ở Kazakhstan giống như “cuộc cách mạng màu ở Ukraine năm 2014”, vốn do phương Tây kích động.

Tổng thống Kazakhstan Tokayev cũng tuyên bố quốc gia bị “những kẻ khủng bố được hậu thuẫn từ bên ngoài” tấn công.

“Với những gì xảy ra ở Kazakhstan, Nga đang phải phân tán lực lượng, đối phó với bất ổn ở cả hai mặt trận”, Alexander Baunov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow, nói.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại, Nga có nguy cơ bị cuốn vào bất ổn nội bộ ở Kazakhstan, do đó phải duy trì quân đội thường trực ở quốc gia láng giềng.

Quan hệ Nga-Kazakhstan từ thời Liên Xô đến nay được coi là khá nồng ấm. Một bộ phận không nhỏ người dân Nga sinh sống và làm việc ở quốc gia láng giềng.

Nhưng ông Kortunov lo ngại làn sóng chủ nghĩa dân tộc, mâu thuẫn sắc tộc ở Kazakhtan có thể bùng phát, dẫn đến xu hướng chống Nga.

“Các cuộc can thiệp quân sự của Nga ở các quốc gia thuộc Liên xô cũ, vốn được coi là có mối quan hệ tốt với Nga, đều dẫn đến kết cục làm gia tăng xu hướng chống Nga”, ông Kortunov nói. “Có nguy cơ làn sóng chống Nga gia tăng ở Kazakhstan và khu vực dọc biên giới Ukraine hoặc Gruzia”.

Điều đó có nghĩa rằng các binh sĩ có thể phải ở lại Kazakhstan lâu dài, ảnh hưởng đến các chiến lược của Tổng thống Nga Putin.

Theo Moscow Times, ông Putin thậm chí có thể phải gác lại kế hoạch chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm vào năm 2024.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia láng giềng chìm trong bạo loạn: Cơn ”ác mộng” ngay trước mặt ông Putin?

Bất ổn chưa từng thấy ở quốc gia láng giềng là điều Moscow không hề mong muốn, hơn nữa lại xảy ra khi Tổng thống Nga...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Moscow Times ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN