3 yếu tố có thể khiến kết quả đêm bầu cử 3-11 trở nên bất định
Do tình hình chính trị đặc biệt năm nay, nhiều khả năng ngày bầu cử Mỹ 3-11 sẽ có nhiều bất ngờ và không loại trừ khả năng sẽ không biết được người chiến thắng cuối cùng.
Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 3-11 (giờ địa phương). Hiện cả đương kim Tổng thống Donald Trump lẫn ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đều đang nỗ lực vận động ở các bang chiến địa quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri vào phút chót.
Nếu không có thay đổi gì quá đáng kể trong cách thức nhận và kiểm phiếu ở các tiểu bang thì như mọi năm, kết quả chung cuộc sẽ được công bố ngay trong ngày, thường là vào đêm 3-11 (giờ địa phương, tức sáng 4-11 theo giờ Việt Nam). Đây chắc chắn là khoảng thời gian rất hồi hộp không chỉ đối với ông Trump, ông Biden mà còn với tất cả người ủng hộ của hai đảng. Dựa vào tình hình chính trị Mỹ năm nay, hãng tin Al Jazeera chỉ ra ba yếu tố bất ngờ có thể xảy ra và tác động mạnh lên diễn biến của ngày bầu cử.
Quyết định của cử tri Florida
Theo giới chuyên gia, Florida là một trong những bang chiến địa chủ chốt có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử năm nay. Theo thống kê của chuyên trang dữ liệu bầu cử Mỹ FiveThirtyEight, ông Biden hiện dẫn trước ông Trump trung bình 4%-5% ở các bảng khảo sát.
“Nếu số liệu trên đáng tin cậy thì chúng ta gần như có thể dựa vào đó để gọi tên người chiến thắng trong đêm bầu cử. Nếu ông Biden giành chiến thắng ở Florida, điều đó có nghĩa là cánh cửa chiến thắng bằng phiếu đại cử tri của ông Trump như năm 2016 rất hẹp” - GS Michael McDonald thuộc ĐH Florida (Mỹ) nhận định.
Trước đây, các cuộc bầu cử ở Florida thường diễn ra rất sít sao và mất rất nhiều thời gian để cho ra kết quả cuối cùng do nhiều vấn đề liên quan đến kiểm phiếu. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền bang Florida đã có một số điều chỉnh về quy định kiểm phiếu, trong đó cho phép các điểm bỏ phiếu sớm bắt đầu kiểm phiếu trước ngày bầu cử chính thức gần một tháng thay vì chờ cho đến khi tất cả điểm bỏ phiếu đóng cửa vào cuối ngày bầu cử. Nhờ vậy, Florida hoàn toàn có thể công bố kết quả kiểm phiếu bầu sớm ngay khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, trong khi vẫn tiếp tục kiểm phiếu bầu trực tiếp trong ngày 3-11. Nhiều khả năng tên người chiến thắng sẽ có thể thay đổi liên tục trong quá trình kiểm phiếu, song việc công bố sớm kết quả kiểm phiếu sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho người chiến thắng bởi kết quả sẽ tác động đến quyết định của cử tri ở các bang khác chưa bỏ phiếu.
Người dân Mỹ ủng hộ ông Trump (trái) và ủng hộ ông Biden (phải) tại các cuộc vận động ngày 1-11 của hai ứng viên. Ảnh: THE NEW YORK TIMES Trễ hẹn công bố người chiến thắng
Theo thông lệ, cử tri Mỹ thường thức trắng đêm 3-11 để theo dõi kết quả xem ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của họ. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt và tình hình khó lường xung quanh cuộc bầu cử năm nay, nhiều chuyên gia cảnh báo có thể vào đêm bầu cử vẫn chưa thể biết ai là người chiến thắng mà phải đợi thêm một khoảng thời gian kiểm phiếu rất dài sau đó, do không phải bang nào cũng kiểm phiếu kịp.
Cụ thể, hiện ông Biden có thể chiếm ưu thế về phiếu bầu sớm qua thư. Tuy nhiên, việc kiểm phiếu qua thư có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn do quá trình vận chuyển qua bưu điện, do vậy một phần kết quả kiểm phiếu công bố đêm bầu cử có thể không bao gồm số lượng lớn phiếu bầu qua thư. Theo khảo sát của Công ty tư vấn rủi ro Hawkfish (Mỹ), khoảng một tuần trước ngày bầu cử, hơn một nửa số phiếu bầu sớm qua thư tại các bang như Florida, North Carolina và New Mexico là của cử tri Dân chủ. Do đó, có khả năng kết quả công bố đêm bầu cử có thể cho thấy ông Trump sẽ chiến thắng nhưng càng về sau thì kết quả kiểm phiếu sẽ càng nghiêng về ông Biden. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là “ngả xanh”, trong khi các nhóm ủng hộ đảng Dân chủ gọi đó là “ảo giác đỏ”.
Ngoài ra, trên thực tế thì quy trình kiểm phiếu ở các bang không hoàn toàn giống nhau. Phần lớn các bang sẽ bắt đầu kiểm phiếu sớm nhất từ buổi sáng 3-11, trong khi có những bang chờ đến khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa mới bắt đầu kiểm phiếu, lại có một số bang cho phép kiểm phiếu trước ngày bầu cử như Florida đã đề cập ở trên.
92 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm tính đến ngày 1-11 (giờ địa phương), theo đài CNN. Con số nêu trên gần tương đương với 2/3 tổng số người tham gia bỏ phiếu cuộc bầu cử năm 2016.
Không công nhận kết quả bầu cử
Một vấn đề khác mà dư luận Mỹ khá lo ngại là kịch bản ông Trump có thể sẽ cáo buộc đảng Dân chủ gian lận bầu cử, không công nhận kết quả và không chấp nhận chuyển giao quyền lực. Bản thân ông Trump nhiều lần đề cập đến việc bỏ phiếu qua thư sẽ làm tăng nguy cơ gian lận bầu cử.
“Tôi nhìn thấy hàng ngàn lá phiếu bị vứt vào thùng rác và các bạn thấy lá phiếu của quân nhân cũng bị vứt vào sọt rác. Họ (đảng Dân chủ - PV) đang cố hạ bệ một tổng thống đương nhiệm được bầu cử một cách hợp lệ, còn liệu tôi có chấp nhận chuyển giao quyền lực hòa bình không à? Câu trả lời là có, tôi sẽ làm vậy. Nhưng tôi muốn một cuộc bầu cử trung thực và những người khác cũng vậy” - ông Trump nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hồi tháng 9.
Al Jazeera cho rằng trong trường hợp thực sự những gì ông Trump nói không phải là lời đe dọa suông mà ông thực sự không nhường ghế cho ông Biden thì chắc chắn Tòa án Tối cao Mỹ sẽ vào cuộc để xem xét những cáo buộc mà ông đưa ra. Hiện nhà lãnh đạo này và các đồng minh đảng Cộng hòa đã thành công đưa được ba thẩm phán bảo thủ vào Tòa án Tối cao nên ông Trump có thể sẽ muốn giải quyết chuyển giao quyền lực theo cách này. Tuy nhiên, dù khả năng không nhỏ là Tòa án Tối cao ra một phán quyết có lợi cho ông Trump, song cơ quan này vẫn bị hiến pháp ràng buộc cũng như chịu áp lực của dư luận nên không thể cho ông Trump ở lại làm tổng thống một cách quá công khai được.
Một giải pháp mà ông Biden từng đề xuất nhưng không đi vào chi tiết khi được hỏi sẽ làm gì nếu ông Trump từ chối chuyển giao quyền lực là ông sẽ nhờ sự can thiệp của quân đội để dùng vũ lực buộc ông Trump rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, đây sẽ là quyết định chưa có tiền lệ và chưa chắc Lầu Năm Góc sẽ đồng ý. Trong một lá thư gửi Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 8, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley từng khẳng định luật pháp Mỹ đã có những quy định rất rõ ràng về quy trình bầu cử và giải quyết mâu thuẫn phát sinh. Do đó, ông không thấy “bất kỳ vai trò nào của quân đội trong quá trình này”.
Chuyên gia hiến kế cho ông Trump vào giờ G
Đội tranh cử của ông Trump hiện đang dồn sức vào các bang mà ông từng giành chiến thắng bốn năm trước, dù các cố vấn biết ông có thể không thể hiện tốt ở ba bang chiến địa Pennsylvania, Michigan và Wisconsin như ông từng làm năm 2016. Dù vậy, trả lời phỏng vấn của hãng tin Politico, Giám đốc Viện Nghiên cứu quan điểm công chúng thuộc ĐH Muhlenberg (Mỹ) Christopher Borick cho rằng nếu ông Trump có thể nỗ lực cải thiện tỉ lệ ủng hộ ở bộ phận cử tri cao tuổi và vận động được số lượng lớn cử tri đi bỏ phiếu ở vùng nông thôn thì ông vẫn có thể chiến thắng tại các bang trên.
Đầu năm nay ông Trump nhắm đến tổng cộng 17 bang cần tranh thủ, trong đó có nhiều bang ông không thắng trong năm 2016. Tuy nhiên, ông đã bỏ qua ba bang (Colorado, Virginia, New Mexico) mà ông từng thất bại năm 2016 nhưng vẫn hy vọng có thể chiến thắng năm nay và tập trung vận động ở ba bang mà ông không chiến thắng trong năm 2016 là Minnesota, Nevada và New Hampshire để giúp bù đắp cho các bang mà ông có thể thua. Ví dụ, ông Trump có thể mất Wisconsin nhưng nếu giành được Minnesota hoặc cả Nevada và New Hampshire thì vẫn giành được số phiếu đại cử tri tương đương.
Khi đã có đến 93 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu xong, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Joe Biden đang dồn công sức vào...
Nguồn: [Link nguồn]