3 cuộc tụ tập, hơn 400 mạng người
Điểm chung ở cả 3 vụ việc cướp sinh mạng hàng trăm người là đều liên quan tới đám đông. Sự khác biệt nằm ở các yếu tố dẫn tới mỗi thảm kịch.
Một phụ nữ đặt hoa trắng tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong thảm kịch ở lễ hội Halloween trên phố Itaewon, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP
Hơn 400 người đã thiệt mạng trong tháng 10 khi một loạt thảm kịch liên quan đến đám đông xảy ra ở châu Á: Đám đông giẫm đạp ở lễ hội Halloween tại Hàn Quốc, một cây cầu chật kín người bị sập ở Ấn Độ, và khán giả giẫm đạp tại một sân vận động ở Indonesia.
Các chuyên gia cho rằng những lỗ hổng trong việc lên kế hoạch đảm bảo an toàn và kiểm soát đám đông là một trong những nguyên nhân dẫn đến 2 thảm kịch ở Hàn Quốc và Indonesia. Tại Ấn Độ, chính quyền đang điều tra xem liệu cây cầu mới được sửa chữa có được nghiệm thu đúng cách trước khi cho sử dụng hay không.
Giẫm đạp ở lễ hội Halloween Hàn Quốc
Tính tới ngày 2/11, có 156 người đã thiệt mạng khi hơn 100.000 người đổ về khu phố đêm Itaewon, thủ đô Seoul đêm 29/10 để tham gia lễ hội Halloween lần đầu tiên kể từ khi Hàn Quốc dỡ bỏ các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Các con hẻm nhỏ, dốc của phố Itaewon trở nên đông đúc dẫn đến cái mà các chuyên gia gọi là "nhiễu loạn đám đông". Đó là khi mọi người tập trung đông đúc tới mức họ không thể hoàn toàn kiểm soát các chuyển động của chính họ. Đám đông di chuyển liên tục như một khối thống nhất.
"Khối thống nhất này chỉ tồn tại khi tất cả mọi người trong đó di chuyển bình thường, không chen lấn, xô đẩy", Milad Haghani, một nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales (Úc), lý giải.
Ông Haghani, người đã nghiên cứu hơn 270 thảm kịch liên quan tới đám đông kể từ năm 1992, cho biết, khi mật độ đám đông chạm tới ngưỡng như ở thảm kịch Itaewon ở bề mặt dốc, những người tham gia sẽ ngã xuống và gây ra hiệu ứng domino.
Đám đông nghẹn ngào tại điểm tưởng nhớ các nạn nhân ở Hàn Quốc ngày 1/11. Ảnh: AP
Nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales còn cho biết, thảm kịch ở Itaewon có thể ngăn chặn được.
Theo nhà nghiên cứu Haghani, chính quyền Seoul có thể dễ dàng lường trước số lượng lớn người tới tham gia lễ hội Halloween, căn cứ vào số liệu của các năm trước cũng như tình hình thực tế - vừa dỡ bỏ các quy định phòng dịch Covid-19.
Ngoài việc bổ sung cảnh sát để kiểm soát tình hình, Hàn Quốc có thể thuê các chuyên gia kiểm soát đám đông để theo dõi dòng người và ngăn chặn số lượng lớn người đổ dồn vào một khu vực như vụ việc ở hẻm nhỏ tại Itaewon.
Giới chức Seoul bị chỉ trích vì chỉ huy động 137 cảnh sát làm nhiệm vụ vào ngày xảy ra thảm kịch giẫm đạp. Con số này quá nhỏ nếu so sánh với 100.000 người đổ về tham gia lễ hội Halloween.
Yoon Hee Keun, Ủy viên tại Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình hôm 1/11 rằng ông này cảm thấy "có trách nhiệm nặng nề" về con số thương vong trong thảm kịch.
Thảm kịch tại sân bóng Indonesia
Indonesia vẫn đang điều tra thảm kịch ngày 1/10 tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java, khiến 135 người chết, trong đó có hàng chục trẻ em. Cảnh sát đã bắn hơi cay ở bên trong sân vận động sau khi đám đông hơn 42.000 người tràn xuống sân. Tình trạng hỗn loạn khiến nhiều người đổ xô tới các cổng ra vào, dẫn đến tình trạng giẫm đạp.
Soehatman Ramli, chủ tịch tổ chức World Safety ở Indonesia, chia sẻ với hãng AP rằng thảm kịch cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu không có một kế hoạch quản lý rủi ro phù hợp và các phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.
"Các kế hoạch này nên bao gồm các tuyến đường sơ tán và việc quản lý đám đông để kiểm soát các tình huống gây hoảng loạn", ông Ramli nói.
Đôi giày bị bỏ lại tại sân vận động Kanjuruhan sau vụ việc đáng tiếc khiến 135 người chết. Ảnh: AP
Ngày 1/11, cảnh sát Indonesia cho biết, sân vận động Kanjuruhan không có giấy phép hoạt động hợp lệ. Chính quyền địa phương đã xử lý hình sự 6 người vì tội cẩu thả, trong đó có 3 cảnh sát cho phép hoặc ra lệnh cho các sĩ quan cấp dưới sử dụng hơi cay trong sân vận động.
Chính quyền Indonesia cũng cách chức cảnh sát trưởng thành phố Malang và người đứng đầu lực lượng cảnh sát tỉnh Đông Java, đồng thời đình chỉ các sĩ quan khác vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Một nhóm điều tra độc lập do Tổng thống Indonesia thành lập phát hiện hơi cay là nguyên nhân chính khiến con số thương vong cao ở thảm kịch tại sân vận động Kanjuruhan. Nhà nghiên cứu Haghani không ngạc nhiên về điều này.
"Kinh nghiệm cho thấy, hơi cay trong sân vận động là thứ có thể gây ra thảm họa vì nó kích động đám đông, tạo ra xu hướng chống trả hoặc hành vi hung hăng hơn của đám đông với ảnh sát", ông Haghani giải thích.
Vụ sập cầu ám ảnh ở Ấn Độ
Sau vụ việc sập cầu treo mới sửa chữa ngày 30/10 ở bang Gujarat, khiến hơn 140 người thiệt mạng, giới chức Ấn Độ đã bắt giữ 9 người, bao gồm cả các quản lý của công ty vận hành cây cầu này.
Cây cầu 143 năm mở cửa trở lại ngày 26/10, 4 ngày trước thảm họa sập cầu kinh hoàng khi hàng trăm người có mặt trên cầu để chào mừng mùa lễ hội của người theo đạo Hindu.
Một video từ camera an ninh cho thấy cây cầu rung lắc dữ dội và mọi người vội bám vào dây cáp, hàng rào kim loại trước khi các dây cáp đứt, dẫn đến sập cầu.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người bị nạn trong vụ sập cầu ngày 30/10 ở Ấn Độ. Ảnh: AP
Một cuộc điều tra đang được thực hiện. Một quan chức địa phương nói với tờ India Express rằng công ty vận hành đã mở cửa cây cầu khi chưa được cấp phép.
Dirk Helbing, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ), chuyên nghiên cứu về động lực đám đông, nhận định, cả 3 thảm kịch trong tháng 10 tại châu Á là lời nhắc nhở rằng có nhiều cách để giới chức có thể đảm bảo an toàn cho đám đông.
"Trong những thập kỷ qua, khoa học cung cấp nhiều hiểu biết và công cụ mới giúp chúng ta quản lý và kiểm soát đám đông an toàn. Tôi hy vọng kiến thức về vấn đề này sẽ được chia sẻ nhanh chóng, giúp tránh lặp lại các thảm kịch thương tâm", giáo sư Helbing chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Cầu treo Morbi bắc qua sông Machchhu ở Ấn Độ gặp sự cố đứt dây khi có nhiều người đứng trên cầu, có người còn cố ý bám tay vào hai bên thành cầu và bắt đầu rung lắc.