3 vụ chìm tuần dương hạm kinh hoàng nhất của quân đội Mỹ
Được ví như những pháo đài nổi trên biển, tuần dương hạm có ưu thế về tấn công với dàn hỏa lực mạnh nhưng lại gây lo ngại về khả năng phòng thủ vì kích thước khổng lồ rất dễ bị nhắm mục tiêu.
USS Indianapolis – soái hạm từng một thời là niềm tự hào của hải quân Mỹ (ảnh: DW)
1. Soái hạm USS Indianapolis
Rạng sáng ngày 30.8.1945, USS Indianapolis – soái hạm chuyên đưa đón tổng thống Mỹ – bị trúng 2 quả ngư lôi của quân đội Nhật ở Thái Bình Dương. Hậu quả là hơn 200 người trên tàu USS Indianapolis chết tại chỗ do vụ nổ, 900 người nhảy xuống biển nhưng cuối cùng chỉ còn hơn 300 người sống sót, theo USNI.
Tháng 11.1931, USS Indianapolis được hạ thủy và nhanh chóng gây được sự chú ý bởi kích thước đồ sộ dùng dàn hỏa lực hiện đại. Sau hành trình chạy thử ở Đại Tây Dương, USS Indianapolis trở thành một trong những soái hạm của hải quân Mỹ. Con tàu đã nhiều lần đưa đón các tổng thống Mỹ công du nước ngoài.
USS Indianapolis dài 186 mét, được trang bị 9 hệ thống pháo, 8 đại bác, 44 súng phòng không và 2 pháo chống tàu ngầm. Con tàu có thể đạt vận tốc 37,2 km/giờ và được coi là chiến hạm mạnh bậc nhất của hải quân Mỹ.
Thủy thủ trên tàu USS Indianapolis đã gặp phải nỗi kinh hoàng mang tên cá mập sau khi nhảy xuống biển (ảnh: Navy)
Năm 1939, Thế chiến II bùng nổ. Năm 1942, soái hạm USS Indianapolis được điều tới tham chiến ở mặt trận nam Thái Bình Dương. Con tàu cùng hơn 1.100 thủy thủ đoàn đã góp công lớn, giúp Mỹ kiểm soát nhiều khu vực chiến lược ở Thái Bình Dương như Philippines, đảo Rabaul, quần đảo New Guinea, đảo Tawara, đảo Okinawa, quần đảo Mariana… USS Indianapolis được mệnh danh là “soái hạm không thể đắm”, theo Warfarehistory.
Ngày 28.8.1945, USS Indianapolis được lệnh đi từ đảo Leyte (Philippines) đến Okinawa để hội quân cùng Lực lượng đặc nhiệm 95 của Mỹ. Lúc này, Nhật Bản đã tuyên bố đầu hàng quân đồng minh nhưng chưa ký văn kiện chính thức. Hải quân Mỹ vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, Charles Butler McVay – thuyền trưởng USS Indianapolis – đã mất cảnh giác. Trong tình trạng không phòng bị, USS Indianapolis bị trúng 2 quả ngư lôi của tàu ngầm Type I-58 (thuộc biên chế hải quân Nhật).
Nhiều thủy thủ trên tàu USS Indianapolis đã chết ngay sau 2 vụ nổ của ngư lôi. Nước tràn vào khiến hơn 100 thủy thủ mắc kẹt và chết đuối.
“Chúng tôi phát tín hiệu cầu cứu cho Lực lượng Đặc nhiệm 95 nhưng không được phản hồi. Sau này, chúng tôi mới biết họ có nhận được tín hiệu nhưng cho là địch giăng bẫy nên không ứng cứu”, Halminton – một trong những người sống sót sau vụ chìm tàu USS Indianapolis – kể lại.
Những người còn sống sót được đưa lên bờ sau vụ chìm tàu USS Indianapolis (ảnh: NY Times)
Theo USNI, sau khi thuyền trưởng Charles Butler McVay ra lệnh bỏ tàu, hơn 900 thuyền viên đã nhảy xuống biển, trong đó phần lớn không được leo lên xuồng và chỉ mặc áo phao. Tiếng quẫy nước của hàng trăm người đã kích thích những con cá mập. Chúng lao tới tấn công và gây ra cảnh tượng khiến nhiều thủy thủ trên tàu USS Indianapolis phải hãi hùng khi nhớ lại.
“Tôi bơi cùng mới một nhóm khoảng 80 người. Chúng tôi cố gắng tránh xa lũ cá mập nhưng thỉnh thoảng một vài người trong nhóm lại biến mất. Vài phút sau họ nổi lên nhưng chỉ còn nửa thân trên”, McDuncan – thủy thủ còn sống sót – kể lại.
Hơn 600 người đã chết sau thảm kịch chìm soái hạm USS Indianapolis, trong đó có khoảng 500 người chết vì bị cá mập tấn công. Đây là một trong những vụ cá mập tấn công với người quy mô lớn nhất lịch sử thế giới.
Năm 1946, thuyền trưởng Charles Butler McVay bị đưa ra tòa án quân sự xét xử nhưng không bị tuyên án tù. Ông tự sát sau đó.
2. Soái hạm USS Astoria
USS Astoria là tàu tuần dương hạng nặng lớp New Orleans được biên chế cho hải quân Mỹ từ ngày 28.4.1934. USS Astoria có lượng giãn nước gần 10.000 tấn và dài 179 mét. Tàu được trang bị 9 hải pháo, 8 pháo phòng không, pháo chống tàu ngầm và 2 thủy phi cơ. Đầu năm 1942, USS Astoria trở thành soái hạm của Lực lượng đặc nhiệm 17 thuộc hải quân Mỹ và chiến đấu ở nam Thái Bình Dương trong Thế chiến II, theo DW.
Ngày 8.8.1942, một hạm đội gồm 8 tàu chiến Nhật Bản ẩn náu gần đảo Bougainville thuộc quần đảo Solomon đã phát hiện 3 nhóm gồm 12 tàu của Mỹ - Úc tiến đến. Quân Nhật bí mật di chuyển trong đêm tối và chủ động tấn công những tàu chiến Mỹ, USS Astoria cũng nằm trong số này.
Ngày 9.8.1942, trong trận hải chiến ở đảo Savo (thuộc quần đảo Solomon) giữa 8 tàu chiến Nhật và 12 tàu chiến Mỹ - Úc. Tuần dương hạm hạng nặng Chokai của Nhật liên tục nã pháo vào USS Astoria và đánh trúng mục tiêu trong loạt pháo thứ 5.
USS Astoria nã pháo trong cuộc tập trận ngoài khơi đảo Hawaii vào tháng 7.1942 (ảnh: History)
Trong số 12 tàu chiến Mỹ - Úc, USS Astoria trúng nhiều pháo nhất và bị hư hỏng nặng. Thủy thủ đoàn lẽ ra có thể lái USS Astoria đến nơi an toàn trước khi tàu chìm nhưng họ chọn chiến đấu đến phút cuối cùng. USS Astoria cuối cùng biến mất dưới những con sóng. Hơn 400 người trong số 899 thủy thủ đoàn chung số phận với con tàu, theo Oregonencyclopedia.
Ngoài USS Astoria, Mỹ cũng mất thêm 2 tàu chiến trong trận đánh ngoài khơi đảo Savo. Đây là một trong những thất bại nặng nề nhất đối với hải quân Mỹ trong Thế chiến II. Trong khi đó, quân Nhật chỉ tổn thất 129 binh sĩ và không mất tàu chiến nào.
3. Soái hạm USS San Diego
Sau chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898, nhận thấy hải quân cần một chiến hạm “khủng”, có hỏa lực và tốc độ vượt xa tàu chiến đương thời, Washington quyết tâm chế tạo tàu USS San Diego. Đây là chiến hạm tuần dương bọc thép, nặng hơn 15.000 tấn.
Tháng 9.1914, sau nhiều lần hoàn thành nhiệm vụ, USS San Diego trở thành soái hạm của hạm đội Thái Bình Dương. Năm 1917, USS San Diego được chuyển giao cho Hạm đội Atlantic của Mỹ và có nhiệm vụ hộ tống các tàu hàng vượt qua khu vực Bắc Đại Tây Dương nguy hiểm trong Thế chiến I, theo USNI.
Tháng 7.1918, USS San Diego rời bang New Hampshire (Anh) về New York (Mỹ). Trên hải trình, thuyền trưởng Harley H. Christy cùng thủy thủ đoàn được cảnh báo rằng họ sẽ phải đi qua “vùng săn mồi” của các tàu ngầm Đức.
Trưa ngày 19.7.1918, một tiếng nổ lớn phát ra từ mạn tàu USS San Diego khi đang đi ngang qua Long Island – hòn đảo ngoài khơi bang New York. Lỗ thủng quá lớn khiến nước nhanh chóng tràn vào buồng động cơ của con tàu. Chưa đầy 10 phút sau vụ nổ, con tàu dài 153 mét đã bắt đầu chìm xuống nước. Hệ thống radio bị hỏng khiến USS San Diego không thể phát tín hiệu cầu cứu, Navy cho hay.
Cho rằng đây là đợt tấn công thứ nhất của tàu ngầm Đức, thuyền trưởng Harley H. Christy đã nhanh chóng chỉ đạo cho thủy thủ trên tàu USS San Diego sơ tán. Nỗ lực của ông đã giúp giảm thương vong đáng kể khi tàu gặp nạn. Chỉ 6 trong số 1.183 thủy thủ đoàn trên tàu USS San Diego thiệt mạng. Tuy nhiên, Harley H. Christy cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm do lơ là chỉ huy.
USS San Diego – một trong những soái hạm nổi tiếng nhất của Mỹ trong Thế chiến I (ảnh: UNSI)
Sau khi nhận được tin USS San Diego, hải quân Mỹ đã điều khẩn cấp máy bay trinh sát đến Long Island để tìm kiếm tàu ngầm Đức. Chiến đấu cơ Mỹ từ đơn vị First Yale thậm chí còn rải bom xung quanh hòn đảo để tiêu diệt tàu ngầm. Tuy nhiên, họ chẳng tìm thấy một dấu vết nào. Một số giả thuyết cho rằng, vụ nổ là do một kẻ phá hoại của Đức đã đưa bom lên tàu. Cuối cùng, giới khoa học và lịch sử Mỹ khẳng định, USS San Diego bị chìm là do trúng thủy lôi đặt dưới nước của Đức.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 18.4, quân đội Nga tuyên bố đã tấn công hàng trăm mục tiêu quân sự ở Ukraine và gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.