3 Tổng thống Mỹ phá thông lệ trong lễ nhậm chức của đối thủ, ông Trump sắp "nối gót"?

Với hàng loạt những thuyết âm mưu, cáo buộc, kiện tụng, thông lệ bị phá bỏ, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 chắc chắn sẽ được ghi vào lịch sử, theo CNN.

Ông Trump nhiều khả năng sẽ không dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Biden (ảnh: CNN)

Ông Trump nhiều khả năng sẽ không dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Biden (ảnh: CNN)

Theo Tu chính án thứ 20 của Mỹ, nhiệm kỳ của một tổng thống sẽ kết thúc vào trưa ngày 20.1. Đây cũng là ngày ứng viên vừa đắc cử làm lễ nhậm chức tổng thống.

Trái với thông lệ người tiền nhiệm sẽ tham dự lễ nhậm chức của ứng viên vừa đắc cử, với những “lùm xùm”, cáo buộc “có gian lận” bầu cử năm nay, ông Trump gần như chắc chắn “không muốn nhìn mặt” ông Biden, CNN nhận xét.

Các hãng truyền thông Mỹ hiện tại đồng loạt xướng tên ông Biden là “Tổng thống Mỹ vừa đắc cử” với hơn 300 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa nhận thất cử và chuyển giao quyền lực. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang đệ đơn kiện kết quả bầu cử ở nhiều bang quan trọng.

Lịch sử Mỹ từ khi thành lập đến nay ghi nhận 3 Tổng thống không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm và ông Trump có thể là người thứ tư.

1. Tổng thống John Adams 

Năm 1800, Tổng thống Mỹ khi đó là ông John Adams tái tranh cử nhiệm kỳ hai với đối thủ chính là “phó tướng” của mình – ông Thomas Jefferson. Ông Adams tranh cử trong bối cảnh bị dư luận chỉ trích nhiều về đạo luật hạn chế tự do ngôn luận, báo chí năm 1798.

Quy định về bầu cử của Mỹ thời điểm đó rất khác hiện nay. Cụ thể, người nhận được nhiều phiếu đại cử tri nhất sẽ trở thành tổng thống Mỹ, người xếp thứ hai sẽ là phó tổng thống.

Kết quả cuộc bầu cử năm 1800 cho thấy, ông Jefferson và một ứng viên tổng thống khác là Aaron Burr cùng giành được 73 phiếu đại cử tri. Trong khi đó, Tổng thống Adams chỉ giành được 67 phiếu.

Vì ông Jefferson và Aaron Burr cùng giành được số phiếu tương đương nên Hạ viện Mỹ sẽ là bên quyết định thắng bại. Tổng thống Adams từ chối can thiệp vào quyết định của Hạ viện dù ông Jefferson đã “năn nỉ”.

“Thưa ngài, quyền định đoạt kết quả bầu cử nằm trong tay ngài”, ông Jefferson nói với Tổng thống Adams.

Hạ viện Mỹ sau đó tiến hành bỏ phiếu và tuyên bố ông Jefferson là người thắng cử. Tuy nhiên, tranh chấp bầu cử giữa ông Jefferson và Burr đã khiến tình hình chính trị Mỹ khi đó “căng như dây đàn”.

Để tránh gây thêm rắc rối, đồn đoán, Tổng thống Adams quyết định không dự lễ nhậm chức của ông Jefferson. Ông Adams đã rời Washington ngay trước khi lễ nhậm chức được cử hành.

Nhìn từ trái sang phải, các Tổng thống Mỹ John Quincy Adams, Andrew Johnson và John Adams (ảnh: CNN)

Nhìn từ trái sang phải, các Tổng thống Mỹ John Quincy Adams, Andrew Johnson và John Adams (ảnh: CNN)

2. Tổng thống John Quincy Adams

Ông John Quincy Adams là con trai của cựu Tổng thống Adams.

Năm 1824, ông John Quincy Adams ra tranh cử với hai đối thủ là Andrew Jackson và Henry Clay.

Ông Jackson là đối thủ đáng gờm nhất của ông John Quincy Adams trong cuộc bầu cử. Trong khi ông Jackson đang thắng thế, các đại cử tri đang ủng hộ ông Clay bất ngờ quay sang dồn phiếu cho ông John Quincy Adams.

Kết quả, ông John Quincy Adams trở thành Tổng thống Mỹ, ông Jackson thề sẽ “phục thù” người bạn cũ.

Năm 1828, ông John Quincy Adams có màn “tái đấu” với ông Jackson. Kết quả, ông Jackson chiến thắng giòn giã. Mặc dù ông Quincy Adams cố tỏ ra thân thiện, nhưng Jackson “gạt phắt”. Tổng thống Quincy Adams sau đó tỏ ra thất vọng trước hành động của ông Jackson.

Một ngày trước lễ nhậm chức của ông Jackson, giống như cha mình, Tổng thống Quincy Adams rời khỏi Washington.

3. Tổng thống Andrew Johnson 

Ông Andrew Johnson nhậm chức Tổng thống Mỹ sau khi ông Abraham Lincoln bất ngờ bị ám sát năm 1865. Trong thời gian tại vị, ông Johnson không nhận được sự tín nhiệm của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Năm 1868, tướng quân đội Ulysses S. Grant – người “không đội trời chung” với ông   Johnson – đắc cử. Tổng thống Johnson bày tỏ sự bất mãn và quyết không dự lễ nhậm chức của ông Ulysses S. Grant.

Thay vì tham dự lễ nhậm chức của ông Ulysses S. Grant, ông Johnson ngồi trong Nhà Trắng làm việc cho tới khi không còn là Tổng thống đương nhiệm mới thôi.

Dù ông Trump có tham dự hay không, ông Biden vẫn sẽ cử hành lễ nhậm chức Tổng thống đúng dự định, theo CNN (ảnh: AP)

Dù ông Trump có tham dự hay không, ông Biden vẫn sẽ cử hành lễ nhậm chức Tổng thống đúng dự định, theo CNN (ảnh: AP)

Theo CNN, 3 ví dụ nói trên cho thấy nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của ông Trump chỉ như “muối bỏ bể”. Ông Trump có thể “cố thủ” trong Nhà Trắng, nhưng ở bên ngoài, ông Biden vẫn có thể cử hành lễ nhậm chức.

Việc ông Trump có dự lễ nhậm chức của ông Biden vào tháng 1 năm sau hay không là quyết định của riêng ông. Tuy nhiên, lịch sử Mỹ cho thấy những tổng thống bị đối phương “tẩy chay”, không dự lễ nhậm chức, thường tại vị ở Nhà Trắng đủ 2 nhiệm kỳ.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyến thăm TQ ”sóng gió” qua lời hé lộ của ông Obama

Cuốn hồi ký “Miền Đất Hứa” (A Promised Land) của cựu Tổng thống Mỹ Obama đang bán “đắt như tôm tươi” trên thị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN