3 phát minh hàng hải nổi bật của Ukraine khi đối phó Hạm đội Biển Đen Nga
Xuồng tự sát Magura V5, tên lửa diệt hạm Neptune và xuồng tự sát Sea Baby là 3 phát minh hàng hải nổi bật của Ukraine, giúp nước này đối phó Hạm đội Biển Đen của Nga.
Thiếu lực lượng hải quân truyền thống, Ukraine dường như phải chịu thiệt hại trong lĩnh vực hàng hải khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, thông qua một loạt công nghệ hải quân tiên tiến và các chiến lược độc đáo, Ukraine đã có thể duy trì các đòn tấn công không ngơi ngớt nhằm vào tàu chiến Nga.
Theo trang Business Insider, các chiến thuật của Ukraine đã thành công tới mức Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 3 đánh giá rằng Hạm đội Biển Đen của Nga đã không hoạt động về mặt chức năng, trong khi tàu chiến cũng bị buộc phải rời khỏi bán đảo Crimea để tránh các cuộc tấn công của Ukraine.
“Quy mô của Hạm đội Biển Đen Nga không thể sánh được với những cải tiến hàng hải của Ukraine” – Bộ Quốc phòng Anh đưa ra đánh giá hôm 28-7.
Bộ Quốc phòng Anh lưu ý rằng 3 phát minh hàng hải đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự thành công của Ukraine khi chống lại Hạm đội Biển Đen của Nga, đó là xuồng tự sát Magura V5, tên lửa diệt hạm Neptune và xuồng tự sát Sea Baby.
Xuồng tự sát Magura V5
Magura V5 là tàu mặt nước không người lái đa nhiệm. Theo nhà phân tích hải quân H I Sutton, xuồng tự sát do Ukraine chế tạo này dài 5,5 m, có thể mang tải trọng 320 kg. Magura V5 có thể đạt tốc độ tối đa 77 km/giờ, có phạm vi hoạt động khoảng 830 km.
Xuồng tự sát Magura V5. Ảnh: CNN
Magura V5 được cho đã tham gia rất nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tình báo Ukraine cho hay xuồng tự sát Magura V5 từng được triển khai để tấn công các tàu hộ vệ Ivanovets, tàu tuần tra Sergei Kotov và tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Nga.
Tình báo Quốc phòng Ukraine tiết lộ một số tàu hải quân không người lái Magura V5 đã được sửa đổi để mang tên lửa không đối không tầm ngắn R-73.
Phiên bản sửa đổi này lần đầu tiên được nhìn thấy vào tháng 5, và đã được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu tại Biển Đen, Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết vào tháng trước.
Tên lửa diệt hạm Neptune
Tên lửa diệt hạm R-360 Neptune là tên lửa hành trình cận âm, được phát triển tại thủ đô Kiev của Ukraine. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 321 km, nặng khoảng 900 kg.
Ukraine đã sử dụng những tên lửa diệt hạm này để tấn công các mục tiêu có giá trị cao, cũng như là một giải pháp thay thế cho tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hạn chế những nơi Ukraine có thể sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất này.
Tên lửa diệt hạm Neptune. Ảnh: JANES
Tên lửa Neptune từng đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga, và một phiên bản sửa đổi của tên lửa này cũng đã được sử dụng để hạ gục các hệ thống phòng không của Nga, trong đó có hệ thống S-400 tại Crimea.
Ukraine đã nỗ lực cải tiến Neptune để tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu đất liền như vậy.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW – trụ sở tại Mỹ), Ukraine lần đầu ra mắt tên lửa diệt hạm Neptune chống lại các mục tiêu hải quân của Nga vào tháng 4-2022.
ISW nhấn mạnh rằng Ukraine phải phát triển và sửa đổi hơn nữa tên lửa Neptune khi chiến sự còn diễn biến phức tạp để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Xuồng tự sát Sea Baby
Sea Baby là một phương tiện mặt nước không người lái nội địa khác của Ukraine.
Xuồng tự sát Sea Baby dài hơn xuồng tự sát Magura V5 một chút – khoảng 6 m, có thể đạt tốc độ tối đa 90 km/giờ, theo nhà phân tích Sutton.
Sea Baby có phạm vi hoạt động khoảng 1.000 km, có thể mang tải trọng 850 kg.
Trước đó trong tháng 7, ông Artem Dehtiarenko – người phát ngôn của Cơ quan An ninh Ukraine – cho hay xuồng tự sát Sea Baby đã trải qua đợt nâng cấp đáng kể.
Xuồng tự sát Sea Baby. Ảnh: CƠ QUAN AN NINH UKRAINE
“Nếu chúng ta đang nói cụ thể về việc nâng cấp xuồng tự sát Sea Baby – đã đâm vào cầu Crimea hồi năm ngoái, thì tính đến thời điểm hiện tại, chúng có những đặc điểm hoàn toàn khác và trở nên mạnh mẽ hơn nhiều” – ông Dehtiarenko nói.
“Chẳng hạn, một năm trước, xuồng tự sát của chúng tôi có thể chở 800 kg chất nổ và di chuyển một quãng 800 km, thì ngày nay, chúng có thể chở 1.000 kg chất nổ và di chuyển một quãng 1.000 km. Vì thế, ngày nay, Cơ quan An ninh Ukraine có thể tấn công tàu đối phương hầu như ở bất kỳ đâu trên Biển Đen” – ông Dehtiarenko nhấn mạnh.
Ukraine cho hay xuồng tự sát Sea Baby đã tham gia nhiều cuộc tấn công lớn nhằm vào các tàu chiến của Nga, trong đó có tàu tuần tra Pavel Derzhavin hồi tháng 10-2023 và tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak hồi tháng 8-2023.
Sea Baby cũng đã gây ra thiệt hại cho cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea và đất liền Nga hồi năm ngoái.
Dù vậy, bất chấp những thành công trên của Ukraine, một số chuyên gia cho rằng Nga vẫn có một số lợi thế trên mặt trận hải quân.
Ông Sebastian Bruns - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Hàng hải thuộc ĐH Kiel (Đức) – nói rằng mặc dù các hoạt động của Ukraine tại khu vực Biển Đen đã tỏ ra đủ mạnh để đánh chìm hoặc vô hiệu hóa hơn phân nửa các đơn vị có giá trị cao của Hạm đội Biển Đen Nga, nhưng Nga vẫn chiếm thế thượng phong và nắm giữ các cảng và tuyến đường vận chuyển.
“Ukraine sẽ không thể thắng trong lĩnh vực hàng hải, mà thậm chí có thể sẽ thua ở đó” – chuyên gia Bruns nhận định.
Lực lượng Ukraine đã tấn công tàu ngầm Rostov-on-Don thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga tại cảng Sevastopol ở Crimea và khiến con tàu bị chìm.
Nguồn: [Link nguồn]