3 "ông lớn" châu Âu đến Kiev: Hội tụ trong chia rẽ?

Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Ý đã tới thăm Ukraine để thể hiện tinh thần đoàn kết của EU, nhưng nội bộ khối này vẫn chưa thống nhất về cách phản ứng khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (từ trái qua) tới thăm vùng ngoại ô thủ đô Kiev hôm 16/6. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (từ trái qua) tới thăm vùng ngoại ô thủ đô Kiev hôm 16/6. Ảnh: AP

Theo Al Jazeera, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 100 ngày trước, Charles Michel - lãnh đạo của Hội đồng châu Âu - nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hỗ trợ Ukraine "không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể". 

Kể từ đó, EU đã gửi các lô vũ khí viện trợ trị giá 2 tỷ euro, cam kết hỗ trợ nhân đạo hơn 700 triệu euro và đưa ra các kế hoạch bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine.

Các lãnh đạo EU cũng đã áp đặt 6 vòng trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo, các nhà tài phiệt, ngân hàng và doanh nghiệp Nga, làm tê liệt phần nào nền kinh tế và hệ thống tài chính của Moscow. 

Hôm 16/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức  Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi - 3 trong số các nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu - đã đến thăm Kiev và gặp gỡ các quan chức cấp cao của Ukraine, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nhà lãnh đạo Ukraine hoan nghênh những nỗ lực của EU trong việc trừng phạt Nga, nhưng đồng thời chỉ trích sự chậm trễ "không thể chấp nhận được" của EU trong việc đưa ra đồng thuận về một số biện pháp cụ thể. 

Tháng trước, Josep Borrell, đại diện chính sách đối ngoại của EU, nói với truyền thông rằng, sự đồng thuận của EU liên quan đến quan điểm của từng quốc gia thành viên. Vòng trừng phạt thứ 6 thể hiện rõ điều này khi Hungary được xem là "lạc lõng" với các nước khác trong khối vì phụ thuộc quá lớn vào dầu Nga. Cuối cùng, EU phải thỏa hiệp để Hungary là ngoại lệ mới có thể đưa ra quyết định cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. 

Harry Nedelcu, người đứng đầu bộ phận chính sách tại công ty tư vấn chiến lược quốc tế Rasmussen Global, nói với tờ Al Jazeera rằng, phản ứng của EU với xung đột ở Ukraine nên được nhìn nhận theo kiểu "mỗi chính sách, một thời điểm". 

"Với việc cung cấp vũ khí, lần đầu tiên trong lịch sử, EU đã điều động rất nhanh để hỗ trợ Ukraine. Về vấn đề áp lệnh trừng phạt, khối này ban đầu thực hiện rất nhanh nhưng sau đó chậm lại với các quyết định về vấn đề quan trọng như loại bỏ dầu, khí đốt Nga, vì quyết định này chắc chắn sẽ gây tổn hại cho châu Âu", ông Nedelcu nói. 

Chia rẽ về vũ khí và tư cách thành viên EU của Ukraine

Khi quân đội Nga tập trung tấn công các thành phố phía đông của Ukraine, ông Zelensky thúc giục phương Tây gửi thêm các hệ thống pháo hạng nặng - một vấn đề gây chia rẽ ở EU, đặc biệt là với Đức. 

Berlin nhiều lần bị Kiev chỉ trích vì lập trường thận trọng khi chuyển giao vũ khí hạng nặng cho quân đội Ukraine. 

Trước khi Berlin tuyên bố hồi tháng 4 rằng nước này sẽ chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không cho Kiev, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói trên tờ La Repubblica (Ý) rằng: "Có những quốc gia mà chúng tôi đang chờ họ bàn giao vũ khí và cũng có những quốc gia khiến chúng tôi mệt mỏi vì phải chờ đợi. Đức thuộc nhóm thứ 2". 

Ukraine muốn gia nhập EU nhưng việc trao tư cách thành viên cho Kiev cũng gây ra tranh cãi trong khối. Tổng thống Pháp không loại trừ việc EU kết nạp Ukraine vào khối nhưng đây là quá trình lâu dài và cảnh báo việc kết nạp nhanh không khả thi.

Jacob F Kirkegaard, thành viên cấp cao tại công ty tư vấn German Marshall Fund, nói với tờ Al Jazeera rằng những sự chia rẽ này thường tập trung vào các liên kết về kinh tế, lịch sử và địa lý của các nước thành viên EU với cả Nga và Ukraine. 

Thấy gì từ chuyến thăm Kiev của lãnh đạo Pháp, Đức, Ý?

Hôm 16/6, 3 lãnh đạo Pháp, Đức, Ý đã đến thăm Kiev trước thềm hội nghị cấp cao của các lãnh đạo EU vào tuần tới. Chuyến thăm diễn ra sau khi Pháp và Đức có một số "lùm xùm" về ngoại giao với Ukraine. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế "tránh làm Nga bẽ bàng" liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng từ chối thăm Kiev sau khi Ukraine cho rằng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier có quan hệ thân thiết với ông Putin. 

Theo Al Jazeera, một số nhà phân tích địa chính trị tin rằng, chuyến thăm Ukraine của 3 nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý có thể xoa dịu những trục trặc trong quá khứ. 

Kirkegaard, thành viên tại công ty tư vấn German Marshall Fund, cho rằng, 3 nhà lãnh đạo và ông Zelensky có thể sẽ bàn về việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev và hỗ trợ để Kiev có tư cách thành viên EU. 

Kirkegaard còn cho rằng, 3 nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý cũng có những lợi ích nhất định từ chuyến thăm lần này. 

"Đây cũng là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ đối với 3 nước Pháp, Đức, Ý và EU. Ông Macron có vòng bầu cử thứ 2 vào ngày 19/6 và ông ấy cần thể hiện vai trò lãnh đạo với tư cách tổng thống.

Ông Scholz đang chịu nhiều áp lực ở Đức và EU vì lập trường với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Còn với ông Draghi, điều quan trọng với Ý là nước này phải được ngang hàng với Pháp và Đức. Vì vậy, đây là thời khắc quan trọng", Kirkegaard phân tích. 

4 nhà lãnh đạo châu Âu xuất hiện ở Kiev: Nga lên tiếng

Nga bày tỏ sự hoài nghi rằng Ukraine có thể quay trở lại bàn đàm phán hòa bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Al Jazeera ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN