3 nước Liên minh châu Âu quay lại đốt than, lãnh đạo EU không hài lòng

3 quốc gia thành viên EU bao gồm Hà Lan, Áo và Đức đã quay lại sử dụng than để sản xuất điện trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cấp khí đốt từ Nga.

Nhiều nước thành viên EU quay lại dùng than để sản xuất điện do thiếu khí đốt (ảnh: RT)

Nhiều nước thành viên EU quay lại dùng than để sản xuất điện do thiếu khí đốt (ảnh: RT)

Hôm 21.6, RT đưa tin, Rob Jetten – Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan – thông báo, nước này đã dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với các nhà máy sản xuất điện bằng than nhằm giảm bớt lượng khí đốt tiêu thụ.

Ông Rob Jetten cũng gửi lời “kêu gọi khẩn cấp” tới các doanh nghiệp Hà Lan rằng, cần tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt trước mùa đông.

“Chính phủ đã nhanh chóng rút lại tất cả quy định hạn chế đối các nhà máy điện than”, ông Jetten nói, lưu ý rằng trước đây, các nhà máy điện than ở Hà Lan chỉ được hoạt động tối đa 35% công suất.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hiện tại, Hà Lan chưa phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng”, ông Jetten cho hay.

Hôm 20.6, Hà Lan đã kích hoạt “cảnh báo sớm” trước nguy cơ thiếu khí đốt tự nhiên xảy ra vào mùa đông.

Trước đó, hôm 19.6, Áo đã cho phép Công ty năng lượng Verbund của nước này chuyển đổi một nhà máy điện khí đốt ở bang Styria sang dùng than để sản xuất. Năm 2020, Áo đã đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng của đất nước.

Trong một động thái tương tự, hôm 19.6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông báo, nước này sẽ tăng cường sử dụng than để sản xuất điện, nhằm bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt từ Nga. Theo ông Robert Habeck, đây là quyết định “cay đắng” nhưng Đức cần phải chấp nhận.

Một nhà máy điện than của Áo (ảnh: RT)

Một nhà máy điện than của Áo (ảnh: RT)

Đức, Áo và Hà Lan quyết định quay lại sử dụng điện than sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) tuyên bố sẽ cắt giảm 60% lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1. Trước đó, nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý với kế hoạch giảm phụ thuộc và nguồn khí đốt Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – cho rằng, các thành viên của khối này không nên quay lại sử dụng than do nguồn cung khí đốt của Nga thiếu hụt. So với khí đốt, than là nhiên liệu gây ô nhiễm cao hơn nhiều lần.

“Chúng ta phải bảo đảm rằng, sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng này để tiến lên phía trước chứ không phải bước lùi với nhiên liệu gây ô nhiễm”, bà Leyen nói với Financial Times.

Theo bà Leyen, các nước thành viên EU cần tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và thực hiện “biện pháp khẩn cấp” để đối phó với tình trạng nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm.

“Chúng ta đang đứng giữa các ngã rẽ và không nên chọn sai đường”, bà Leyen nói và kêu gọi EU tiết kiệm năng lượng khi mùa đông tới gần.

Hồi tháng 3, EC đã công bố kế hoạch loại bỏ dần khí đốt Nga tầm nhìn tới năm 2030. Đây được xem như một biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Putin: ”Rồng lửa” S-500 đã giao cho quân đội, siêu tên lửa Sarmat cũng sắp triển khai

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các học viên tốt nghiệp trường Đại học quân sự Nga hôm 21.6, Tổng thống Putin tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường khả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN