3 nhân vật kiệt xuất bậc nhất thời Tam quốc khiến Tào Tháo phải đau lòng rơi lệ
Lưu Bị khóc để thu phục nhân tài, Tào Tháo khóc vì thương tiếc những nhân vật kiệt xuất đã rời bỏ ông.
Tạo hình Tuân Du (trái) – mưu sĩ Tào Tháo không thể chê được điểm nào (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
1. Tuân Du
Tuân Du (157 – 214) là một trong những mưu sĩ hàng đầu dưới trướng Tào Tháo. Ông cùng với Tuân Úc, Quách Gia, Giả Hủ và Trình Dục được xưng tụng là “ngũ đại quân sư” của phe Ngụy.
Tam Quốc chí chép, năm 198, Tào Tháo cùng Lưu Bị tấn công Lã Bố. Lã Bố thua trận, lui về cố thủ trong thành Hạ Bì. Tào Tháo tấn công nhiều ngày không phá được thành, chán nản muốn rút lui. Tuy nhiên, Tuân Du lại khuyên ông rằng đây là thời cơ tốt để đánh dứt điểm Lã Bố.
Tào Tháo dùng kế thủy công của Tuân Du. Một mặt vây đánh, một mặt khơi nước sông Nghi, sông Tứ chảy vào thành Hạ Bì khiến quân Lã Bố vô cùng khổ sở, phải xin hàng. Lã Bố sau đó bị bắt sống và xử tử.
Năm 200, chiến dịch Bạch Mã – Diên Tân nổ ra. Viên Thiệu phái 3 đại tướng là Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh và Nhan Lương vây đánh thành Bạch Mã (thuộc đất Ngụy). Tào Tháo muốn cứu thành Bạch Mã, Tuân Du cho rằng trước hết cần phải chia nhỏ quân của Viên Thiệu.
Tuân Du có công lớn giúp Tào Tháo tiêu diệt kẻ địch “không đội trời chung” là Viên Thiệu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Tuân Du khuyên Tào Tháo dẫn binh vờ đánh vào hậu phương của Viên Thiệu, khiến Thiệu buộc phải chia lực lượng ứng cứu. Khi đó, Tào Tháo sẽ dẫn quân kỵ mã quay ngược lại giải vây thành Bạch Mã.
Tam Quốc chí chép, Nhan Lương thấy quân Tào kéo đến, bất ngờ kinh sợ. Tào Tháo sai Trương Liêu, Quan Vũ (bấy giờ đang hàng Tào) ra đánh, giết được Nhan Lương. Thành Bạch Mã được giải vây.
Viên Thiệu bị Tào Tháo lừa, vô cùng tức giận. Ông điều quân đuổi theo Tào Tháo. Hai bên dàn trận ở bến Diên Tân (thuộc khu vực sông Hoàng Hà). Tào Tháo dẫn một toán quân đến xem trại Viên Thiệu nhưng bị phát hiện.
Tào Tháo mặc kệ quân dịch truy đuổi, không chịu lên ngựa. Tướng sĩ cho rằng địch quá đông, cần lui về phòng thủ, Tuân Du can: “Đấy là kế nhử địch, sao lại bỏ đi”. Tào Tháo liếc mắt nhìn Tuân Du, cười.
Tướng của Viên Thiệu là Văn Xú kéo 5.000 – 6.000 kỵ binh đuổi đến. Tào Tháo cho dẫn các xe chở vàng bạc, lương thực ra. Quân Viên Thiệu tranh nhau cướp đoạt. Tào Tháo xua quân ra đánh, giết được Văn Xú. Quân Tào khi đó chỉ có không đầy 600 người.
Trong chiến dịch Quan Độ, Tào Tháo sắp hết lương. Tuân Du hiến kế giúp Tào Tháo bất ngờ tập kích, đốt sạch một đoàn vận lương lớn của Viên Thiệu.
Hứa Du – mưu sĩ của Viên Thiệu – tới hàng Tào, đề nghị đánh vào trại của Thuần Vu Quỳnh. Phe Tào nghi ngờ, chỉ có Tuân Du và Giả Hủ khuyên Tào Tháo tin theo. Tào Tháo tự mình dẫn quân, chém được Thuần Vu Quỳnh, đốt luôn kho lương Ô Sào. Ba viên đại tướng của Viên Thiệu chết trận, đều có bóng dáng của Tuân Du.
Trong các chiến dịch khác của Tào Tháo như đánh Viên Đàm, Viên Thượng và Tôn Quyền, Tuân Du cũng đều lập công. Ông không tham gia trận Xích Bích.
“Công Đạt (Tuân Du) ngoài mặt tỏ ra ngờ nghệch mà bên trong đầy mưu kế. Vẻ ngoài hèn nhát nhưng trong tâm dũng mãnh. Chẳng hề khoa trương, không khoe công lao. Chỉ bậc trí nhân mới có thể sánh cùng, người ngu không thể theo kịp”, Tào Tháo khen Tuân Du.
Ngụy Thư chép, Tào Tháo nói: “Ta cùng Công Đạt chinh chiến hơn 20 năm trời, tuyệt không thấy có chút lỗi lầm nào. Công Đạt là bậc hiền nhân, có thể nói đã đạt mức đại hiền”.
Năm 213, Tuân Du theo Tào Tháo đánh Tôn Quyền. Trên đường đi, ông mắc bệnh và qua đời. Tam Quốc chí chép: “Tào Tháo mỗi lần nhắc đến Tuân Du lại rơi nước mắt”.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, tình tiết Tuân Du phản đối Tào Tháo xưng Ngụy vương, sợ bị trị tội nên sinh bệnh mà chết là hư cấu.
Dù thể hiện ít, nhưng Điển Vi vẫn được xem là một trong những mãnh tướng hàng đầu Tam quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
2. Điển Vi
Điển Vi (160 – 197) được xem là một trong những dũng tướng mạnh mẽ bậc nhất Tam Quốc.
Tam Quốc chí chép, Điển Vi tướng mạo khôi ngô, sức lực hơn người, có chí lớn. Ông từng giết viên quan là Lý Vĩnh để báo thù cho bạn. Nhà Lý Vĩnh gần chợ. Điển Vi giết người xong cứ ung dung đi ra. Vài trăm người đuổi theo ông nhưng không ai dám lại gần.
Năm 194, Tào Tháo đánh Lã Bố ở thành Bộc Dương. Tào Tháo bị Lã Bố đem quân vây 3 mặt, đánh từ sáng đến chiều vẫn không thoát được. Điển Vi dẫn một toán quân mở đường máu, chỉ dùng toàn kích ra trận. Điển Vi phóng liên tiếp 10 cây kích, quân Lã Bố chết nhiều, buộc phải dạt ra. Tào Tháo vì vậy thoát khỏi vòng vây.
Ngụy Thư chép, Điển Vi trung thành, cẩn thận, được phong chức Đô Úy, sau thăng làm Hiệu Úy. Ông hầu hạ Thái Tổ (Tào Tháo) cả ngày, đêm ngủ bên cạnh.
Năm 197, Tào Tháo đánh Uyển Thành, Trương Tú ra hàng. Trương Tú sau đó làm phản, đánh úp trại Tào Tháo. Tào Tháo được quân kỵ mã hộ tống rời đi, riêng Điển Vi ở lại đánh chặn.
Tam Quốc chí chép, Điển Vi chặn cửa lớn, giặc không thể vào trong, chỉ có thể chạy theo hướng khác mà vào. Điển Vi dùng kích lớn, đánh chết mười mấy người. Vi bị mấy chục vết thương vẫn tay không kẹp chết 2 tên giặc. Giặc sợ không dám xông tới nữa. Vi giết thêm mấy mươi người. Vết thương nặng thêm, ông trừng mắt quát to rồi chết. Điển Vi chết hồi lâu, quân Trương Tú mới dám đến gần xem.
Tào Tháo rút lui về được Vũ Âm. Nghe tin Điển Vi tử trận, Tào Tháo thương khóc hồi lâu, sai người đi lấy thi thể ông về để an táng.
Tào Tháo không khóc thương thân, chỉ khóc thương cho những người hy sinh vì ông (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
3. Quách Gia
Quách Gia (170 – 207) là nhà chiến lược gia tài giỏi bậc nhất thời Tam quốc và là mưu sĩ số một trong lòng Tào Tháo.
Tam quốc chí chép, Quách Gia và Tào Tháo rất hiểu nhau. Lần đầu tiên gặp Quách Gia, Tào Tháo nói: “Giúp ta lập đại nghiệp, tất là người này”. Quách gia nói: “Đây là người đáng để ta phò tá”.
Quách Gia rất giỏi nhìn người. Dù không tiếp xúc nhiều, ông cũng có nhìn ra những nhân vật có thể định hình cục diện Tam quốc:
Quách Gia nói về Viên Thiệu: “Đòi hỏi nhiều nhưng ít thiết yếu. Thích mưu mẹo mà không quyết đoán. Muốn định được nghiệp lớn, thật khó”.
Quách Gia nói với Tào Tháo về Lưu Bị: “Bị có hùng tài mà rất được lòng người. Trương Phi, Quan Vũ đều có sức địch muôn người, sẵn lòng chết vì Bị. Bị không chịu ở dưới người. Nên sớm trừ đi”.
Quách Gia nói về Tôn Sách: “Tôn Sách bình định được đất Giang Đông. Những kẻ bị Sách giết đều là hào kiệt, dưới trướng có nhiều người sẵn sàng chết để báo thù cho chủ. Thế mà Sách lại coi thường không chút phòng bị. Sách tất sẽ chết bởi tay một kẻ thất phu”.
Năm 200, Tôn Sách bị ám sát chết.
Quách Gia – nhân vật tài trí được cho là ngang hàng với Gia Cát Lượng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Quách Gia phục vụ Tào Tháo hơn 10 năm. Vai trò của Quách Gia đối với Tào Tháo tương tự như Chu Du đối với Tôn Quyền, Gia Cát Lượng đối với Lưu Bị. Tiếc là Quách Gia chưa có dịp thi thố tài nghệ với 2 nhân vật trên, theo Sohu.
Năm 200, Quách Gia theo Tào Tháo tham gia chiến dịch Quan Độ. Ông là người vạch ra sách lược lấy công làm thủ, chú trọng dùng tinh binh, tập kích vào chỗ yếu của Viên Thiệu. Nhờ vậy, Tào Tháo chỉ với khoảng 4 vạn quân vẫn có thể cầm cự với hơn 10 vạn quân Viên Thiệu.
Năm 202, Viên Thiệu chết. Hai con của Viên Thiệu là Viên Đàm, Viên Thượng đánh nhau tranh giành đất Ký Châu. Tào Tháo dẫn quân đánh Ký Châu, thắng liên tiếp mấy trận. Tào Tháo muốn thừa thắng xông lên nhưng Quách Gia ngăn cản.
Quách Gia cho rằng, nếu Tào Tháo đánh gấp, 2 anh em họ Viên sẽ đoàn kết với nhau. Nếu Tào Tháo lui binh, Viên Đàm, Viên Thượng sẽ tự xâu xé lẫn nhau. Bấy giờ Tào Tháo chỉ cần đánh một trận là đoạt được Ký Châu, Tam quốc chí chép.
Tào Tháo làm theo kế này, quả nhiên diệt được Viên Đàm, chiếm hết Ký Châu. Viên Thượng phải chạy sang Liêu Tây, nương nhờ bộ tộc Ô Hoàn.
Năm 205, Tào Tháo muốn chinh phạt Liêu Tây. Các tướng lĩnh e sợ Lưu Biểu, Lưu Bị nhân cơ hội này đánh úp Hứa Xương (kinh đô bấy giờ của nhà Hán), chỉ có Quách Gia là không nghĩ vậy.
“Biểu chỉ có thể ngồi bàn chuyện suông thôi, tự biết tài năng chẳng đủ để chế ngự Lưu Bị. Dùng Bị vào việc lớn thì sợ không ngăn được, dùng vào việc nhỏ thì Bị không nghe. Dẫu để cả nước trống không, cũng chẳng cần lo”, Quách Gia phân tích.
Tào Tháo nghe vậy yên tâm đi đánh Liêu Tây.
Quách Gia bày kế rằng, Tào Tháo cần hành quân thần tốc, bỏ lại hầu hết lương thảo để đánh bất ngờ vào sào huyệt địch. Tào Tháo nghe theo, ngầm đi lối tắt, chỉ một trận đã đánh tan quân Ô Hoàn, giết thủ lĩnh là Đạp Đốn. Đến đây, Tào Tháo về cơ bản đã thống nhất được vùng đất phía bắc Trung Hoa.
Sau trận đánh ở Liêu Tây, Quách Gia ốm nặng và qua đời. Khi đó ông mới 38 tuổi.
Tam quốc chí chép, lúc Quách Gia ốm, Tào Tháo thường xuyên thăm hỏi bệnh tình. Quách Gia chết, Tào Tháo đến viếng tang, khóc rất thương cảm.
Năm 208, Tào Tháo đại bại trong trận Xích Bích, than rằng: “Nếu Phụng Hiếu (tên chữ của Quách Gia) còn sống, ta chẳng thể đến nông nỗi này”.
Tào Tháo lại khóc mà rằng: “Thương thay Phụng Hiếu. Đau đớn thay Phụng Hiếu. Tiếc thay Phụng Hiếu”.
Nguồn: [Link nguồn]
Để chia phe “thiện” – “ác” trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã buộc một số nhân vật phải chịu tiếng oan. Những đánh giá sai lệch về họ nên được làm sáng tỏ.