3 nhà lãnh đạo tuổi Thìn nổi tiếng thế giới

Theo quan niệm dân gian, người sinh năm rồng (con giáp Thìn) thường có tính cách mạnh mẽ, tố chất lãnh đạo và có thể trở thành những chính trị gia tài ba.

Putin – Tổng thống quyền lực của nước Nga (ảnh: CNN)

Putin – Tổng thống quyền lực của nước Nga (ảnh: CNN)

1. Tổng thống Nga Vladimir Putin

Vladimir Putin sinh ngày 7/10/1952 (Nhâm Thìn) tại thành phố St. Petersburg (Nga). Ông là đương kim Tổng thống Nga và cũng là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới.

Theo Mirror, Putin sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Leningrad (nay là thành phố St. Petersburg). Mẹ ông làm việc trong nhà máy còn cha ông là lính Hải quân Liên Xô.

Năm 1975, Putin tốt nghiệp khoa luật Đại học Quốc gia St. Petersburg và được tuyển dụng vào KGB (cơ quan an ninh của Liên Xô). Tháng 8/1991, ông Putin thôi việc ở KGB khi một số lãnh đạo thuộc cơ quan này tham gia cuộc đảo chính thất bại nhằm vào Tổng thống Liên Xô Gorbachev.

Năm 1994, ông Putin giữ chức phó thị trưởng thành phố St. Petersburg và làm việc dưới quyền người thầy cũ là thị trưởng Anatoly Sobchak.

Ông Putin thời trai trẻ đam mê môn võ Judo (ảnh: Daily Mail)

Ông Putin thời trai trẻ đam mê môn võ Judo (ảnh: Daily Mail)

Tháng 8/1996, được Sobchak tiến cử, Putin tới Moscow và nhận các chức vụ cao cấp thuộc nội các của Boris Yeltsin – Tổng thống Nga đầu tiên. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông, theo History.

Tháng 8/1999, Yeltsin bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng Nga.

“Yeltsin muốn tìm một ai đó đủ năng lực, đủ tín nhiệm trong đội ngũ để trở thành nhà lãnh đạo tương lai”, Valentin Yumashev – con nuôi của Boris Yeltsin và từng là Chánh văn phòng Tổng thống Nga – nói.

“Yeltsin chọn Putin vì ông ấy là người khiêm tốn, không bao giờ lên tiếng trừ khi được yêu cầu. Putin đã làm rất tốt”, ông Yumashev nói.

Ngày 31/12/1999, Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức. Theo hiến pháp Nga, ông Putin được chỉ định là người thay thế, trở thành Tổng thống thứ 2 của Nga.

Động thái của người tiền nhiệm giúp Putin có lợi thế hơn trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra. Quan điểm cứng rắn của ông về cuộc xung đột Nga – Chechnya cũng nhận được sự ủng hộ từ công chúng.

Tháng 3/2000, Putin chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga với 53% số phiếu ủng hộ. Hai tháng sau, ông tuyên thệ nhậm chức.

Theo History, Putin là nhà lãnh đạo Nga nhận được ủng hộ lớn nhất của người dân kể từ sau năm 1991. Ông đã khôi phục sức mạnh của nước Nga sau nhiều năm chính trị hỗn loạn.

Trong 8 năm đầu tiên Putin cầm quyền, kinh tế Nga đã vượt khủng hoảng với GDP tăng gấp 6 lần. Ông tập trung phát triển ngành năng lượng của Nga và loại bỏ các tài phiệt lũng loạn kinh tế.

Trong cuộc xung đột ở Chechnya, ông Putin thẳng tay trừng phạt các phần tử ly khai và thiết lập chính quyền thân Moscow ở Chechnya. Ngày nay Chechnya là một phần không thể tách rời của Nga.

Từ năm 2007 đến nay, ông Putin liên tục được truyền thông quốc tế bình chọn là nhân vật của năm và nằm trong danh sách những người quyền lực, có ảnh hưởng nhất thế giới, theo TIME.

Tháng 2/2022, ông Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

“Tình thế khiến chúng tôi phải đưa những hành động quyết định và ngay lập tức. Các nước cộng hòa nhân dân Donbas đã yêu cầu Nga hỗ trợ”, ông Putin nói, đề cập tới vùng Donbass với hai nước cộng hòa tự xưng là Lugansk và Donetsk (tuyên bố li khai khỏi Ukraine từ năm 2014).

Trong số các lý do phát động chiến dịch quân sự, ông Putin nhấn mạnh việc bảo vệ người dân Donbass, "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. 

Andrew Johnson – Tổng thống Mỹ tuổi con giáp Thìn (ảnh: AP)

Andrew Johnson – Tổng thống Mỹ tuổi con giáp Thìn (ảnh: AP)

2. Andrew Johnson - Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội

Andrew Johnson sinh ngày 29/12/1808 (Mậu Thìn) là tổng thống thứ 17 của Mỹ và tại vị chưa đầy một nhiệm kỳ (1865 – 1867).

Johnson sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng Raleigh, bang Bắc Carolina (Mỹ). Vì nhà quá nghèo nên ông không được đi học mà phải làm thợ may để kiếm sống. Bà Eliza McCardle – vợ Johnson – đã giúp ông tự học và thâm nhập chính trường, theo USA Today.

Năm 1835, Johnson được bầu vào Hạ viện bang Tennessee. Năm 1843, ông trở thành nghị sĩ Hạ viện Mỹ. Năm 1853, Johnson đắc cử Thống đốc bang Tennessee.

Năm 1861, nội chiến Mỹ bùng nổ. Giới lãnh đạo bang Tennessee gia nhập Liên minh miền Nam, chống lại phe Liên bang miền Bắc. Lúc này, Johnson đã rời khỏi chính trường.

Năm 1862, Tổng thống Mỹ Lincoln bổ nhiệm Johnson làm Thống đốc bang Tennessee, sau khi lực lượng Liên bang kiểm soát bang này. Quan điểm của Johnson là chống lại ly khai, đoàn kết dân tộc và được Lincoln tin tưởng.

Năm 1865, Johnson trở thành phó Tổng thống Mỹ.

Tháng 4/1865, Lincoln bị ám sát. Theo hiến pháp, Johnson trở thành Tổng thống Mỹ, theo History.

Andrew Johnson bất hòa với quốc hội và bị luận tội (ảnh: The Hill)

Andrew Johnson bất hòa với quốc hội và bị luận tội (ảnh: The Hill)

Tháng 5/1865, nội chiến Mỹ kết thúc với phần thắng thuộc về phe Liên bang. Johnson ra sức khôi phục quyền kiểm soát của Washington đối với các bang miền Nam. Tuy nhiên, khác với Lincoln, Johnson không ủng hộ quyền tự do cho các nô lệ da màu.

Trong cuộc nội chiến Mỹ, hàng chục nghìn người da màu đã gia nhập quân đội Liên bang với hy vọng giải phóng cho chính họ và người thân.

Theo History, Johnson đứng về phía người da trắng ở các bang miền Nam và ngăn cản mở rộng quyền của người da màu. Ông phản đối Tu Chính án 14 của hiến pháp Mỹ, có nội dung trao quyền công dân cho tất cả những người da màu từng là nô lệ. Johnson cũng tuyên bố ân xá cho toàn bộ binh lính thuộc phe nổi loạn miền Nam.

Hành động của Johnson khiến đảng Cộng hòa (đảng phái kiểm soát Quốc hội Mỹ thời bấy giờ) bất mãn.

Tháng 8/1867, Johnson sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton – người thường xuyên chỉ trích các chính sách của ông. Sự kiện này như “giọt nước tràn ly” khiến Quốc hội Mỹ phải hành động, theo The Hill.

Hạ viện Mỹ tuyên bố luận tội Johnson vì vi phạm Đạo luật Nhiệm kỳ. Theo đó, việc sa thải một bộ trưởng nội các phải được quốc hội chấp thuận.

Johnson trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội. Tại Thượng viện Mỹ, có 35 phiếu ủng hộ bãi nhiệm Johnson, chỉ thiếu 1 phiếu để kết án. Johnson may mắn không bị bãi nhiệm.

Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton được phục chức, nhưng ngay sau đó ông nộp đơn từ chức vì không muốn tiếp tục làm việc với Johnson.

Trong cuộc bầu cử tháng 11/1868, Johnson nhanh chóng thất bại vì bị cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ “quay lưng”.

Johnson bị nhiều người chỉ trích vì quan điểm phản đối quyền tự do cho người da màu. Ông bị đánh giá là một trong những tổng thống tệ nhất lịch sử Mỹ, theo History.

“Nước Mỹ vẫn đang tiếp tục phải trả giá cho sai lầm của Andrew Johnson”, giáo sư Michael Le Benedict, thuộc trường Đại học Ohio (Mỹ), nhận xét năm 1999.

Thủ tướng “thường dân” Hara Takashi (ảnh: Japan Guide)

Thủ tướng “thường dân” Hara Takashi (ảnh: Japan Guide)

3. Hara Takashi - Thủ tướng xuất thân thường dân đầu tiên ở Nhật Bản

Hara Takashi sinh ngày 15/3/1856 (Bính Thìn) ở làng Morioka, tỉnh Mutsu, Nhật Bản, trong một gia đình có truyền thống là samurai – võ sĩ đạo, theo Asia Society.

Năm 15 tuổi, Hara rời khỏi nhà và chuyển đến sống ở Tokyo. Ông thi trượt kỳ thi vào Học viện Hải quân và chọn học ở Viện Marin – trường học do người Pháp thành lập. Hara học tiếng Pháp thành thạo ở đây.

Năm 1871, Hara nhập học Đại học Luật Tokyo (sau này là Đại học Tokyo). Ông phải thôi học khi chưa tốt nghiệp vì tham gia nhóm sinh viên biểu tình.

Năm 1879, Hara làm nhà báo. Năm 1882, ông được giữ một vị trí trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhờ sự tiến cử của Ngoại trưởng Inoue Kaoru.

Năm 1900, Hara gia nhập đảng Rikken Seiyukai do Ito Hirobumi thành lập. Sau khi Ito Hirobumi được bầu làm Thủ tướng, Hara được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ - một vị trí quyền lực trong nội các.

Với vai trò là Bộ trưởng Nội vụ, Hara nỗ lực thực hiện “chính sách nhân tài”. Ông thẳng tay sa thải hàng loạt quan chức địa phương yếu kém, thay vào đó là những người tài năng, đã trải qua thi cử.

Hara không quan tâm các cấp dưới có xuất thân ra sao hoặc có được gia tộc nào hậu thuẫn hay không.

Ngày 28/9/1918, Hara Takashi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nhật Bản. Ông là thủ tướng có xuất thân thường dân đầu tiên của xứ mặt trời mọc, theo Japan Guide.

Hara đẩy mạnh chính sách trọng dụng nhân tài. Ông phản đối việc bổ nhiệm các quan chức dựa trên tiến cử và hậu thuẫn dòng tộc. Chính sách này có tác động lớn đối với xã hội Nhật Bản – thời bấy giờ còn mang nặng tư tưởng phong kiến, gia tộc.

Đối với bán đảo Triều Tiên (bấy giờ là thuộc địa của Nhật Bản), Hara thi hành chính sách ôn hòa.

Ông chủ trương cắt giảm lực lượng quân sự của Nhật Bản ở bán đảo Triều Tiên và cho phép người dân thuộc địa có quyền tự do nhất định. Điều kiện duy nhất là bán đảo này phải nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Hoạ tiết lạ đánh dấu nơi xảy ra vụ ám sát Thủ tướng Hara Takashi (ảnh: Soranews)

Hoạ tiết lạ đánh dấu nơi xảy ra vụ ám sát Thủ tướng Hara Takashi (ảnh: Soranews)

Ngày 4/11/1921, Hara bất ngờ bị Konichi Nakaoka – một nhân viên đường sắt – đâm chết ở nhà ga Tokyo. Nakaoka cáo buộc Thủ tướng Hara tham nhũng và nhận tiền từ các zaibasu (các tập đoàn lớn của Nhật Bản). Các cáo buộc của Nakaoka là vô căn cứ và hắn bị kết án tù chung thân, theo Japan Times.

Tại cổng vào phía nam của ga Tokyo, trên nền gạch có một họa tiết hình lục giác màu đen trắng kỳ lạ. Họa tiết này đánh dấu nơi xảy ra vụ ám sát Thủ tướng Hara Takashi. Trong lịch sử Nhật Bản, ông có biệt danh là “Thủ tướng thường dân” (Heimin Saisho).

Tổng thống Theodore Roosevelt của Mỹ rất ham mê đánh trận và đấu quyền Anh, cho đến khi ông nhận ra mình đã quá già để tham gia những màn đánh đấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Quốc – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN