3 năm TQ xây đảo nhân tạo tàn hại Biển Đông thế nào
Các tàu hút trầm tích xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc khiến toàn bộ hệ sinh thái biển quanh vùng bị phá hủy.
Hình ảnh vệ tinh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép thay đổi rất nhiều sau hơn 1 năm.
Sau 3 năm thực hiện tham vọng bành trướng ở Biển Đông (tính từ năm 2013), Trung Quốc đã bồi lấp trái phép thêm 12 km2 đảo nhân tạo. Diện tích này đang ngày một mở rộng và Trung Quốc trắng trợn tuyên bố sẽ tiếp tục bồi lấp, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế The Hague bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò".
Tốc độ và phạm vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí cả Mỹ bày tỏ lo ngại. Trung Quốc từng tuyên bố rằng trong tháng 6.2016, toàn bộ quá trình hút trầm tích rải lên bãi đá ngầm đã hoàn thành.
Đồ họa mô hình hút trầm tích xây đảo nhân tạo trái phép.
Để có một đảo nhân tạo bồi lấp trái phép, việc đầu tiên là Trung Quốc sẽ sử dụng những tàu hút trầm tích công suất lớn với số lượng từ 10-20 chiếc tập trung quanh bãi đá ngầm. Các tàu này hút trầm tích dưới đáy biển rồi đẩy lên các bãi đá ngầm để tạo lớp nền bề mặt. Việc hút cát để tạo độ sâu cho tàu trọng tải lớn neo đậu cũng khiến san hô quanh vùng chết ngạt ngay tức khắc. Quá trình hút trầm tích gây hai tác động lớn tới môi trường.
Ảnh vệ tinh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam bị Trung Quốc xây dựng trái phép (9.2015).
Trước hết, trầm tích hút từ dưới biển gây ảnh hưởng cho những sinh vật và hệ sinh thái đáy biển. Sau đó, lớp trầm tích này có thể bị xói mòn do tác động của nước biển khiến san hô quanh đảo nhân tạo bị hủy diệt. Hai tác động này đến rất nhanh và hầu như không thể khôi phục. Đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trái phép nhưng xung quanh hầu như không hề có bóng dáng của các sinh vật biển do môi trường sống đã bị phá hủy.
Xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam tháng 9.2015.
Sau khi tạo được lớp nền bề mặt, Trung Quốc sẽ xây dựng trái phép các cơ sở vật chất như đường băng, cầu cảng, hải đăng… Tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc ngang ngược mang tên lửa phòng không HQ-9 và máy bay chiến đấu J-11 tới đặt ở đây.
Ảnh vệ tinh đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam bị Trung Quốc xây dựng trái phép (9.2015).
Hành động trái phép và coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc gây căng thẳng trong khu vực và là tâm điểm mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington. Chính quyền Tổng thống Obama không công nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép và tuyên bố “sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông”. Năm 2015, rất nhiều tàu khu trục và tàu tuần tra Mỹ đã xuất hiện ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo này.