3 mốc quan trọng quyết định ông Trump thắng hay bại

Khi ông Biden đang rục rịch chuẩn bị để chuyển tới Nhà Trắng làm việc, ông Trump vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo

Ông Biden đã chuẩn bị để sẵn sàng tiếp quản Nhà Trắng, trong khi ông Trump không chịu thừa nhận thất bại. Ảnh: AP

Ông Biden đã chuẩn bị để sẵn sàng tiếp quản Nhà Trắng, trong khi ông Trump không chịu thừa nhận thất bại. Ảnh: AP

Hãng ABC hôm 12/11 đưa tin, ông Biden đã tuyên bố bổ nhiệm Chánh văn phòng Nhà Trắng và thành lập một đội chống Covid-19. Ở phía còn lại, ông Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại trong bầu cử Mỹ gần một tuần kể từ ngày 7/11, thời điểm các hãng tin lớn "xướng tên" ông Biden là người thắng cuộc, và đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. 

Sắp tới, có 3 mốc thời gian quan trọng, dự kiến có nhiều diễn biến bất ngờ, ảnh hưởng tới việc ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Theo ABC, các mốc thời gian này là: Ngày 9/12, ngày 15/12 và ngày 24/12.

Các bang có hạn chót đến ngày 9/12 để giải quyết mọi tranh chấp về kết quả bầu cử, bao gồm kiểm phiếu lại và các cuộc đấu pháp lý tại tòa. 

Đội ngũ tranh cử của ông Trump đang có chiến dịch pháp lý nhằm vào việc kiểm phiếu ở một số bang, nhưng các nỗ lực này được cho là sẽ không thể thay đổi kết quả cuối cùng. 

Các đại cử tri trong đại cử tri đoàn tới ngày 15/12 sẽ bỏ phiếu (phiếu giấy) cho vị trí tổng thống và phó tổng thống Mỹ. Các phiếu của đại cử tri sẽ được kiểm và các cử tri phải ký vào 6 giấy chứng nhận của phiếu bầu. Các chứng nhận này, cùng với giấy tờ chính thức khác, sẽ được gửi bằng thư đảm bảo cho nhiều quan chức khác nhau, bao gồm cả chủ tịch Thượng viện. Các chứng nhận này cũng phải được chuyển cho quan chức  được chỉ định trước ngày 24/12. 

Nhiều người sẽ thắc mắc vì sao người dân Mỹ đã bỏ phiếu bầu mà vẫn cần tới phiếu bầu của đại cử tri đoàn mới xác định được ai là Tổng thống Mỹ. Hiến pháp Mỹ quy định, phiếu bầu của đại cử tri đoàn mới có tính quyết định ứng viên nào sẽ là Tổng thống Mỹ. Thực tế, cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu để xác định số phiếu đại cử tri của mỗi bang thuộc về ứng viên tổng thống nào. 

Các đại cử tri này trong hầu hết trường hợp cam kết ủng hộ ứng viên mà cử tri Mỹ đã chọn khi đi bỏ phiếu phổ thông. Số phiếu đại cử tri bằng với số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ cộng lại của mỗi bang. 

33 tiểu bang và thủ đô Washington DC có luật quy định đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng viên giống như lựa chọn của cử tri trong bang khi bỏ phiếu phổ thông. Một số đại cử tri có thể bị thay thế hoặc phạt nếu làm điều ngược lại. Họ được gọi là đại cử tri "bất tuân". Nếu có một số lượng nhất định đại cử tri "bất tuân", kết quả bầu tổng thống có thể thay đổi. Tuy nhiên, thường thì không có nhiều đại cử tri làm như vậy, và nếu khoảng cách phiếu đại cử tri giữa hai ứng viên tổng thống là đủ lớn thì kết quả cuối cùng sẽ không bị ảnh hưởng.

Ngày 7/1/2021 cũng là một mốc thời gian đáng chú ý. Đây là thời điểm Hạ viện và Thượng viện tổ chức một phiên họp chung để đếm số phiếu đại cử tri. 

Nếu ông Biden hoặc ông Trump nhận được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, chủ tịch Thượng viện sẽ công bố kết quả. 

Các thành viên quốc hội có thể phản đối các tuyên bố từ bất kỳ bang nào, nhưng phản đối đó phải được đưa ra bằng văn bản bởi ít nhất một thành viên của Hạ viện và một của Thượng viện. 

Nếu có đủ điều kiện để phản đối, Thượng viện và Hạ viện sẽ họp riêng để tranh luận về phản đối trong tối đa 2 tiếng. Sau đó, mỗi bên sẽ biểu quyết để chấp nhận hay bác bỏ ý kiến phản đối. 

Quay trở lại với phiên họp chung giữa Thượng viện và Hạ viện, các kết quả phiếu bầu được công bố và mọi phản đối cần phải được 2 viện chấp thuận mới có thể loại trừ phiếu đại cử tri tranh chấp. 

Nếu không ứng viên tổng thống nào giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, Hạ viện sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử, theo Tu chính án thứ 12 của hiến pháp Mỹ. 

Hiện tại, ông Biden được nhiều hãng thông tấn tuyên bố là người thắng cử với 290 phiếu đại cử tri. 

Nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 21/1/2021 khi tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức trong Ngày nhậm chức. 

Tổng thống sắp mãn nhiệm thường tham dự buổi lễ này. Năm 2016, ông Barack Obama đã tham gia buổi lễ nhậm chức của ông Trump. Năm nay, ông Trump vẫn chưa xác nhận có tới tham dự buổi lễ nhậm chức của ông Biden hay không vì Tổng thống Mỹ đương nhiệm vẫn chưa chấp nhận thất bại. 

Lần gần nhất một tổng thống sắp mãn nhiệm từ chối tham gia lễ nhậm chức của người kế nhiệm là vào năm 1869 khi Tổng thống mãn nhiệm Andrew Johnson không có mặt trong lễ nhậm chức của người kế nhiệm Ulysses S Grant. 

Nguồn: [Link nguồn]

Luật sư của ông Trump: ”Các bạn sẽ bị sốc”

Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump xác nhận các thủ tục pháp lý để khởi kiện "gian lận bầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - ABC ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN