3 lý do giúp Ukraine cầm chân quân đội Nga hơn 2 tuần

Đã 15 ngày trôi qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Kiev có thể bắt đầu nhận được lời khen từ các đối tác phương Tây bởi các nỗ lực kháng cự của mình.

Xe tăng Nga bị phá hỏng ở Ukraine (ảnh: Daily Mail)

Xe tăng Nga bị phá hỏng ở Ukraine (ảnh: Daily Mail)

1. Sự chuẩn bị tốt

Nhờ nguồn hỗ trợ hàng tỷ USD từ phương Tây, từ năm 2014, Ukraine đã nâng cấp đáng kể lực lượng vũ trang. Năm 2016, NATO đã khởi động chương trình huấn luyện lực lượng đặc nhiệm Ukraine. Lực lượng đặc nhiệm Ukraine hiện có khoảng hơn 2.000 người và đang nỗ lực đào tạo cho quân tình nguyện nước này. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự (24.2), giới chức quốc phòng Ukraine đã tuyên bố một sự kiện như bán đảo Crimea sẽ không được phép lặp lại.

“Kiev đã dành 8 năm để lên kế hoạch, chuẩn bị và trang bị vũ khí nhằm đối phó Nga”, Douglas Londo – chuyên gia tại Đại học Georgetown – nhận xét.

Theo ông Douglas, việc quân đội Mỹ và NATO sẽ không tham chiến ở Ukraine là điều Kiev đã chuẩn bị từ trước và biết rằng mình phải “tự lực cánh sinh”.

Dân Ukraine chế bom xăng (ảnh: CNN)

Dân Ukraine chế bom xăng (ảnh: CNN)

2. “Sân nhà” quen thuộc

Nga dường như đã đánh giá thấp lợi thế “sân nhà” của quân đội Ukraine, theo Reuters.

Lợi thế của quân đội Ukraine là về kiến thức địa hình và khí hậu. Vào thời điểm này trong năm, đường mòn ở Ukraine có thể biến thành bùn và gây khó khăn cho phương tiện quân sự.

Được chiến đấu du kích trong thành phố cũng là ưu thế của quân đội Ukraine trước lính dù Nga. Trong thời tiết lạnh giá, Nga được cho là gặp nhiều khó khăn về đảm bảo hậu cần.

Đặc biệt, việc hàng chục nghìn dân thường ở Ukraine sẵn sàng cầm súng và tham gia quân tình nguyện có thể là điều Nga chưa lường trước.

Nhờ sự cổ vũ và các bài phát biểu cứng rắn của Tổng thống Zelensky, nhiều người Ukraine đã tỏ ra kiên cường trước hoàn cảnh khó khăn. Những công việc như chế bom xăng, sơn lại biển chỉ dẫn, đào công sự, may lưới ngụy trang, dựng đồn kiểm soát… là việc người dân ở Kiev làm mỗi ngày trong những ngày có giao tranh.

“Địa hình, kinh nghiệm và kết nối xã hội là các lợi thế có thể thay đổi cán cân của một cuộc chiến. Quân đội Nga có thể gặp rắc rối ở từng con phố, từng tòa nhà ở Ukraine”, Spencer Meredith – giáo sư tại Đại học An ninh Quốc tế (Mỹ) – nhận xét.

Người dân Ukraine sơ tán khỏi vùng chiến sự (ảnh: Reuters)

Người dân Ukraine sơ tán khỏi vùng chiến sự (ảnh: Reuters)

3. Chiến lược của Nga

Theo một số chuyên gia, việc có quá ít bộ binh và không quân hoạt động chưa hiệu quả đang khiến Nga gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhiều thành phố lớn ở Ukraine. Theo chính quyền Kiev, quân đội Nga nhiều lần cho lính dù đổ bộ vào thành phố nhưng do lực lượng mỏng nên bị đánh bật ra.

“Nga cho rằng có thể sớm kiểm soát được Kiev trong thời gian ngắn. Nhưng làm sao họ có thể làm được điều đó chỉ trong vài ngày? Quân đội Nga nên điều chỉnh và triển khai chiến dịch vũ trang kết hợp nếu muốn nhanh kết thúc chiến dịch”, Michael Kofman – giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) – nhận xét.

Giới chức Ukraine cho biết, đoàn xe quân sự “khổng lồ” của Nga vẫn đang “án binh bất động” gần Kiev.

“Quân đội Nga không tiến nhanh lắm. Họ đang chững lại. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói về một thất bại”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Pháp (giấu tên) – nhận xét.

Theo một số chuyên gia, quân đội Nga có thể đang chờ người dân Ukraine sơ tán khỏi các thành phố lớn trước khi mở những cuộc tiến công quy mô lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Đức nói về khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine

Sau Ba Lan, Đức – quốc gia có tiếng nói hàng đầu tại NATO – cũng nhận được câu hỏi về khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine nhằm đối phó quân đội Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Straits Times ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN