3 lần NATO thực thi vùng cấm bay đầy "sóng gió"

Chỉ vài thập kỷ sau khi được phát minh vào năm 1903 bởi anh em nhà Wright, máy bay đã trở thành một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất trong chiến tranh. Nhằm ngăn chặn những “thảm họa trên không”, vùng cấm bay là giải pháp được quốc tế lựa chọn nhưng việc thực thi không phải lúc nào cũng diễn ra êm đẹp.

Chỉ những phương tiện bay được cho phép mới được hoạt động trong vùng cấm bay (ảnh: New York Times)

Chỉ những phương tiện bay được cho phép mới được hoạt động trong vùng cấm bay (ảnh: New York Times)

Theo History, ngày 26.4.1937, thành phố nhỏ Guernica ở Tây Ban Nha bất ngờ bị 41 máy bay của phát xít Italia và Đức ném bom. Vụ việc khiến Guernica gần như bị san phẳng hoàn toàn và cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người vô tội. Tuy nhiên, sức mạnh trên không của quốc tế lúc bấy giờ còn quá yếu để ngăn chặn một vụ ném bom như vậy.

Vùng cấm bay đầu tiên trên thế giới được áp đặt ở Iraq năm 1991 do Mỹ, Anh và Pháp thực thi. Theo lập luận của Mỹ, vùng cấm bay này được áp đặt nhằm bảo vệ người Kurd khỏi quân đội của Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Hành động quân sự này không được Liên Hợp Quốc ủng hộ. Theo Liên Hợp Quốc, việc thực thi một vùng cấm bay đồng nghĩa với việc xâm phạm lãnh thổ nước khác và phải được sự cho phép của Hội đồng Bảo an.

“Vùng cấm bay là không gian địa lý được chỉ định, nơi mà một số phương tiện bay bị cấm hoạt động”, Peter Harris – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bang Colorado (Mỹ) – nói với Aljazeera.

Theo ông Harris, thực thi vùng cấm bay đồng nghĩa với việc phải phá hủy phương tiện bay, hệ thống phòng không ở một khu vực địa lý để thay bằng lực lượng không quân do Liên Hợp Quốc chỉ định. Hành động này rất “nhạy cảm” và đặc biệt dễ gây ra xung đột quân sự.

Thông thường, việc thực thi vùng cấm bay do Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được giao cho NATO. Trong lịch sử hoạt động, NATO đã 3 lần thực thi vùng cấm bay, hầu hết đều diễn ra không suôn sẻ.

Máy bay NATO trong chiến tranh Bosnia và Herzegovina (ảnh: NI)

Máy bay NATO trong chiến tranh Bosnia và Herzegovina (ảnh: NI)

1. NATO thực thi vùng cấm bay ở Bosnia và Herzegovina

Năm 1992, nước cộng hòa Bosnia và Herzegovina tuyên bố tách khỏi Liên bang Nam Tư. Hành động này đã dẫn tới chiến tranh giữa lực lượng người Serbia sống ở Bosnia và Herzegovina (phản đối ly khai) với người Bosnia. Những cuộc “thanh trừng sắc tộc” đẫm máu liên tục xảy ra khiến Liên Hợp Quốc bất bình và quyết định vào cuộc, theo AP.

Đầu năm 1994, Liên Hợp Quốc tuyên bố thiết lập vùng cấm bay ở Bosnia và Herzegovina nhằm bảo đảm an toàn cho dân thường và hoạt động cứu trợ quốc tế. Việc thực thi vùng cấm bay được NATO đảm nhận với chiến dịch Deny Flight (Cấm bay).

Ngày 28.2.1994, 4 máy bay chiến đấu của Serbia bay vào vùng cấm bay lập tức bị chiến đấu cơ của NATO đón đánh và bắn hạ. Đây cũng là hành động tấn công quân sự đầu tiên của NATO kể từ khi thành lập. Sau sự việc, chính phủ Serbia kịch liệt phản đối vùng cấm bay do NATO thực thi nhưng không có thêm hành động thách thức.

NATO sau đó tuyên bố mở rộng chiến dịch Deny Flight. Với lý do bảo đảm an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và hoạt động cứu trợ nhân đạo, NATO đã tổ chức hàng nghìn vụ không kích vào các mục tiêu quân sự của phe phản đối ly khai ở Bosnia và Herzegovina. Đến ngày 14.12.1995, khi nội chiến Bosnia và Herzegovina kết thúc, các phi công của NATO đã thực hiện hơn 100.000 lần cất cánh.

Chiến dịch Deny Flight là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của lực lượng quân sự người Serbia ở Bosnia và Herzegovina. Tuy nhiên, vùng cấm bay do NATO thực thi đã không thể ngăn phe chống ly khai thực hiện vụ thảm sát Srebrenica, khiến hơn 7.000 dân thường thiệt mạng ở Bosnia và Herzegovina.

Theo National Interest, trong chiến dịch Deny Flight, một máy bay F-16 do đại úy Mỹ Scott O.Grady điều khiển cũng bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không. Không rõ tên lửa này do NATO hay lực lượng của phe phản đối ly khai bắn. Sau 6 ngày vật lộn trong rừng rậm Serbia, O.Grady may mắn liên lạc được với một nhóm cứu hộ và sống sót.

NATO mở chiến dịch không kích ở Kosovo (ảnh: CNN)

NATO mở chiến dịch không kích ở Kosovo (ảnh: CNN)

2. Vùng cấm bay ở Kosovo

Ngày 22.4.1996, quân giải phóng Kosovo (KLA) tổ chức 4 vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Serbia. Kosovo sau đó tuyên bố ly khai khỏi Serbia và nội chiến bùng nổ, theo CNN.

Tháng 3.1999, nhằm bảo vệ KLA, NATO tuyên bố đơn phương thực thi vùng cấm bay ở Kosovo mà không cần sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc thực thi vùng cấm bay nhằm mở đường cho hành động can thiệp quân sự trực tiếp vào Serbia (một quốc gia có chủ quyền) của NATO.

Ngày 24.3.1999, hơn 1.000 máy bay chiến đấu của NATO xuất kích, oanh tạc khắp lãnh thổ Serbia. Ngày 10.6.1999, NATO dừng oanh tạc sau khi thực hiện hơn 38.000 vụ không kích bằng máy bay kết hợp với tên lửa hành trình Tomahawk vào Serbia. Cùng ngày, Serbia đồng ý ký thỏa thuận hòa bình, rút hết quân đội khỏi Kosovo, thay bằng lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO. Vùng cấm bay của NATO cũng đồng thời được dỡ bỏ.

Vùng cấm NATO thực thi ở Libya (ảnh: AP)

Vùng cấm NATO thực thi ở Libya (ảnh: AP)

3. Vùng cấm bay ở Libya

Năm 2011, Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm bay trên không phận Libya (quốc gia ở Bắc Phi), chỉ có máy bay làm nhiệm vụ tuần tra, cứu trợ mới được hoạt động. Việc thực thi lệnh cấm bay một lần nữa được giao cho NATO. Liên Hợp Quốc lưu ý, đối với việc thực thi lệnh cấm bay ở Libya, NATO có thể thực hiện nhiều “biện pháp cần thiết” để ngăn chặn các hành vi vi phạm, theo Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó – ông Robert Gates – cho rằng, thực thi vùng cấm bay không chỉ cần bắn hạ các phương tiện bay vi phạm, mà còn có thể tấn công cả hệ thống phòng không của Libya để “đảm bảo an toàn” cho việc giám sát.

Dựa trên các diễn giải này, ngày 19.3.2011, NATO mở chiến dịch Odyssey Dawn, tấn công nhằm vô hiệu hóa hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu của Libya. Đây là lần đầu tiên NATO “đi xa” như vậy khi thực thi vùng cấm bay.

Ngay trong ngày 19.3, các tàu chiến của Mỹ, Anh, Pháp đã nã ít nhất 112 tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu quân sự của Libya. Hệ thống radar phòng không và tên lửa Libya gần như bị phá hủy hoàn toàn. Sau đợt tấn công, hàng loạt máy bay gây nhiễu radar được NATO tung ra nhằm vô hiệu hóa hoàn toàn khả năng phòng không của Libya, theo RT.

Trước những lo ngại của cộng đồng quốc tế cho rằng, NATO vượt quá xa phạm vi ủy quyền của Liên Hợp Quốc khi thực thi vùng cấm bay tại Libya, Oana Lungescu – phát ngôn viên NATO – tuyên bố khối này cam kết sẽ không triển khai lực lượng trên bộ ở Libya.

Những đợt không kích của NATO khiến quân đội Libya thiệt hại nặng nề, tạo điều kiện cho lực lượng nổi dậy thành công lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Tháng 10.2011, ông Gaddafi bỏ trốn khỏi Tripoli (thủ đô Libya), NATO kết thúc thực thi vùng cấm bay ở Libya. Odyssey Dawn là một trong những chiến dịch quân sự tốn kém nhất của NATO. Trong hơn 6 tháng thực hiện chiến dịch, NATO đã tiêu tốn từ 5 – 8 tỷ USD.

Mỹ lập lực lượng chuyên ”săn” tài sản của tỷ phú Nga

Công bố các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với nhiều nhà tài phiệt Nga là chưa đủ, Mỹ cần có lực lượng riêng biệt để thực thi điều đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN