3 kịch bản cho dịch virus corona mới
Dịch viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV) gây ra vẫn chưa cho thấy dấu hiệu thuyên giảm. Sau hơn 1 tháng hoành hành, vẫn còn nhiều câu hỏi cần lời giải đáp, như virus lây lan thế nào và chết chóc đến đâu.
Công dân Malaysia về tới thủ đô Kuala Lumpur hôm 4-2 sau khi rời khỏi TP Vũ Hán - Trung Quốc Ảnh: Reuters
Theo trang Vox, chuyện gì sẽ xảy ra với dịch bệnh trong thời gian tới cũng là vấn đề thu hút nhiều quan tâm. Dưới đây là 3 kịch bản được giới chuyên gia đưa ra.
1 - Dịch được khống chế
Đây là kịch bản tích cực nhất và cũng là những gì xảy ra với dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) - bùng phát năm 2003 và về cơ bản đã biến mất 1 năm sau đó. Đáng chú ý, virus gây SARS cũng là một virus corona. "SARS là trường hợp kinh điển về cách các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng khác nhau có thể ngăn chặn sự bùng phát của một dịch bệnh" - bà Jessica Fairley, chuyên gia tại Trường ĐH Emory (Mỹ), nhận định.
Trong thời gian xảy ra dịch SARS, tất cả cơ quan y tế đều nỗ lực xác định các ca nhiễm càng nhanh càng tốt và cách ly bệnh nhân. Bằng cách đó, hệ miễn dịch của họ có thể chống lại virus mà không lây lan sang bất kỳ ai mới. Trong những trường hợp không may mắn, virus sẽ khiến bệnh nhân tử vong và biến mất cùng họ. Theo bà Fairley, điều này đòi hỏi nỗ lực điều phối chặt chẽ và một loạt biện pháp mạnh mẽ, như hạn chế đi lại, cách ly, giám sát thân nhiệt hành khách tại sân bay...
2 - Dịch tự kết thúc
Dịch bệnh bùng phát giống như hỏa hoạn. Khi đó, virus giống như ngọn lửa, còn những người dễ bị nhiễm bệnh giống như nhiên liệu. Một đám cháy sẽ tự tắt nếu không còn gì để đốt. Tương tự, một đợt bùng phát virus sẽ kết thúc khi nó ngừng tìm những người dễ bị tổn thương để lây nhiễm.
Ông Michael Mina, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ), lấy dịch virus Zika 2015-2016 ở Puerto Rico và Nam Mỹ như một ví dụ về một dịch bệnh tự kết thúc. "Hàng chục ngàn người bị nhiễm bệnh rất nhanh (hơn 35.000 trường hợp ở Puerto Rico trong năm 2016.) Nhưng sau đó, số lượng người dễ bị bệnh giảm dần do những người có nguy cơ cao nhất tiếp xúc với muỗi mang virus đã mắc bệnh" - ông Mina giải thích. Tuy nhiên, hiện chưa rõ dịch 2019-nCoV sẽ tự hết thế nào bởi hiện chưa rõ những người nào dễ bị nhiễm virus này.
Đây được xem là kịch bản không ai mong muốn bởi dịch bệnh sẽ khiến nhiều người bị nhiễm hơn và có thể gây tử vong nhiều hơn. Mức độ tồi tệ của kịch bản này còn phụ thuộc vào các yếu tố mà giới chức y tế đang cố gắng "giải mã": bao nhiêu người nhiễm virus bị đổ bệnh và bao nhiêu người trong số họ tử vong, và virus có dễ lây lan giữa người hay không.
3 - Virus corona mới trở thành virus thông thường
Đây là điều xảy ra trước đây. Vào năm 2009, một chủng mới của virus cúm H1N1 mới đã gây đại dịch toàn cầu. Dù vậy, theo ông Mina, nó sau đó đã trở thành một phần trong cuộc sống bình thường của chúng ta khi mùa cúm đến.
Ông Amesh Adalja, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), cho biết hiện có 4 chủng virus corona thường lây nhiễm, gây cảm lạnh thông thường hoặc viêm phổi ở người. Có khả năng 2019-nCoV sẽ trở thành chủng thứ 5 và có thể đến và đi theo mùa. Nó có thể sẽ trở thành một loại virus theo mùa ở Trung Quốc hoặc như bao phủ khắp thế giới như bệnh cúm. Dĩ nhiên, đây không phải là kịch bản tốt đẹp bởi nhân loại nhìn chung không cần có thêm một chủng virus thông thường nữa để đối phó.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi dịch viêm phổi cấp do virus Corona vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có...