3 kịch bản chiến thắng của ông Trump

Ông Trump có thể tận dụng các lỗ hổng pháp lý nhằm giành thêm phiếu đại cử tri, tuy nhiên khả năng này có thể thành hiện thực hay không lại là một vấn đề khác.

Tính đến ngày 19-11 (giờ Việt Nam) là còn khoảng 30 ngày nữa ông Joe Biden nhậm chức và trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, thể theo kết quả bầu cử tại các bang đến lúc này. Tuy nhiên, con đường từ đây đến ngày đó của ông Biden sẽ không dễ dàng trong bối cảnh đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực pháp lý nhằm đảo ngược kết quả bỏ phiếu. Đáng lo ngại hơn, hiện chính trường Mỹ đang bước vào một giai đoạn khác cũng nhạy cảm và nhiêu khê không kém, là tổng hợp, xác thực các phiếu bầu đại cử tri, tiến tới chính thức hóa kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Nếu ông Trump cùng đội ngũ quyết dốc toàn bộ sức lực cho mục tiêu tái đắc cử thì đây là cơ hội cuối cùng của ông. 

Như đã đề cập ở trên, quy trình tổng hợp và xác thực các phiếu đại cử tri khá phức tạp và mất nhiều thời gian do có sự tham gia của hàng loạt cơ quan khác nhau từ cấp liên bang đến tiểu bang nên hoàn toàn có thể xuất hiện các lỗ hổng pháp lý mà ông Trump có thể tận dụng.

Can thiệp vào số đại cử tri các bang

Với kịch bản đầu tiên, ông Trump sẽ tìm cách buộc cơ quan lập pháp các bang phải can thiệp vào số đại cử tri nói trên nhằm tranh thủ sự ủng hộ ở những bang mà đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế lập pháp. 

Cụ thể, theo các quy định về bầu cử thì thống đốc bang sẽ là người kiểm lại và xác nhận lần cuối cả kết quả bầu cử và kết quả bầu đại cử tri của bang sau khi hoàn tất quy trình xác thực rồi gửi qua cho cơ quan lập pháp bang. Tuy nhiên, nếu cơ quan lập pháp bang cho rằng cuộc bầu cử vừa qua không chọn ra được đại cử tri phù hợp thì cơ quan này được quyền chỉ định đại cử tri khác thay thế. Do đó, nếu từ nay đến hết tháng 12 mà kết quả bầu cử vẫn chưa ngã ngũ thì các cơ quan lập pháp bang mà đảng Cộng hòa đang kiểm soát có thể sẽ nhân đó chỉ định các đại cử tri ủng hộ ông Trump. Có thể thấy nếu đi theo kịch bản này thì dường như những vụ kiện vừa qua của ông Trump thực chất không nhằm mục đích yêu cầu kiểm phiếu lại mà là tạo điều kiện để cơ quan lập pháp bang có cớ tuyên bố cuộc bầu cử đã thất bại.

Dù vậy, theo tạp chí Time, hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng khả năng kịch bản trên thành hiện thực là gần như bằng không bởi đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử và ông Trump đến nay vẫn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh đảng Dân chủ gian lận bầu cử. Nếu đảng Cộng hòa đơn phương chỉ định đại cử tri khác thay thế thì danh tiếng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, trở thành một chính đảng sẵn sàng “giẫm lên công lý” để tranh giành quyền lực. Hơn nữa, trả lời phỏng vấn hãng tin AP ngày 14-11, một loạt thành viên phe Cộng hòa ở các cơ quan lập pháp bốn bang Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, vốn là những bang then chốt nếu ông Trump muốn tái đắc cử, đều khẳng định sẽ không tham gia bất kỳ kế hoạch can thiệp số đại cử tri nào vì lo ngại sẽ đi ngược lại với ý nguyện của người dân.

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở bang Maine (Mỹ) ngày 26-10. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở bang Maine (Mỹ) ngày 26-10. Ảnh: REUTERS

Cần đại cử tri bầu cho ứng viên đảng đối lập

Kịch bản thứ hai, xảy ra vào lúc các đại cử tri nhóm họp vào ngày 14-12 để bỏ phiếu chính thức, là khả năng có những đại cử tri sẵn sàng phản lại đảng đã chỉ định mình và bầu cho ứng viên đảng đối lập, ở đây là những đại cử tri do đảng Dân chủ chỉ định qua bỏ phiếu cho ông Trump. Trong số 50 bang của Mỹ, chỉ có khoảng 30 bang là có quy định bắt buộc đại cử tri phải bỏ phiếu đúng ứng viên của đảng mà mình được chỉ định, những bang còn lại thì đại cử tri được tùy chọn ứng viên mình sẽ bỏ phiếu. Theo FairVote - một tổ chức kêu gọi cải cách hệ thống bầu cử Mỹ, kể từ khi hệ thống đại cử tri ra đời, đã có 82 đại cử tri thay đổi lá phiếu của mình theo quan điểm cá nhân, phản bội đảng của mình. Thậm chí vào năm 2004, một cử tri cam kết bỏ phiếu cho ứng viên John Kerry của đảng Dân chủ nhưng lại nhầm lẫn và bỏ phiếu cho người khác. Do đó, ông Trump chỉ cần ít nhất 38 đại cử tri như vậy chuyển sang bầu cho ông là có thể giành chiến thắng. 

Tuy nhiên, cũng theo giới chuyên gia thì kịch bản này lại một lần nữa không có khả năng xảy ra vì đơn giản nó yêu cầu phải có lượng đại cử tri phản đảng quá lớn. Nếu thật là có đại cử tri Dân chủ sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Trump thì số lượng cũng không đủ để giúp ông tái đắc cử bởi cách biệt số phiếu đại cử tri giữa ông và ông Biden hiện quá lớn, lên tới 58 phiếu. 

Can thiệp tại Quốc hội

Kịch bản thứ ba diễn ra sau khi đại cử tri các bang đã bỏ phiếu xong và chuyển phiếu lên Quốc hội. Vào ngày 6-1 năm sau, Quốc hội mới sẽ nhóm họp và bắt đầu kiểm phiếu đại cử tri. Trong quá trình này, nếu xuất hiện thư phản đối từ ít nhất một thành viên thuộc Thượng viện hoặc Hạ viện thì hai viện phải tạm ngưng kiểm phiếu và tổ chức họp riêng để giải quyết. Và nếu những thư phản đối này dẫn đến việc cả hai ứng viên không ai giành đủ 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng (có thể là do phiếu bầu bị cho là không hợp lệ) thì Hạ viện mới sẽ tổ chức chọn ra tổng thống từ ba ứng viên có số phiếu đại cử tri cao nhất. Đoàn hạ nghị sĩ đại diện mỗi bang sẽ được trao một phiếu bầu và một ứng viên cần ít nhất 26 phiếu để giành chiến thắng. 

Trong số ba kịch bản cho ông Trump thì đây là kịch bản khó xảy ra nhất bởi đảng Cộng hòa năm nay chỉ giành được duy nhất Thượng viện trong khi Hạ viện về tay đảng Dân chủ. Bên cạnh đó, dù Thượng viện có muốn giúp ông Trump thì cũng không giúp được vì không có bằng chứng để bác các phiếu bầu cho ông Biden, quy về vấn đề muôn thuở là ông Trump không có bằng chứng.

Hệ thống đại cử tri Mỹ hoạt động ra sao?

Khi người dân Mỹ bỏ phiếu bầu vào ngày 3-11 vừa qua thì họ không phải bầu trực tiếp cho ông Biden hoặc ông Trump mà là bỏ phiếu bầu cho một nhóm người được hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chỉ định từ trước, gọi là các đại cử tri. Số đại cử tri tương ứng với số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đại diện mỗi bang trong Quốc hội.  Khi một ứng viên tổng thống có nhiều phiếu bầu phổ thông ở một bang bất kỳ hơn đối thủ thì toàn bộ đại cử tri ở bang đó sẽ bỏ phiếu cho người đó (trừ hai bang Maine và Nebraska không theo nguyên tắc này). Ví dụ, ông Biden hiện đang dẫn trước ông Trump ở bang Georgia, vốn có 16 phiếu đại cử tri (mỗi đại cử tri được bỏ một phiếu), nếu kết thúc quá trình kiểm phiếu mà kết quả vẫn như cũ thì toàn bộ 16 đại cử tri này đến ngày 14-12 sẽ họp lại và bầu hết cho ông Biden.  

Tình hình mới nhất về vụ kiện của ông Trump tại các bang chiến địa

Khi ông Trump tiếp tục không chịu nhượng bộ ông Biden, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Mỹ đương nhiệm chưa đạt được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHẠM KỲ ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN