3 khu vực ở châu Á định hình chiến lược đối phó TQ của ông Biden
Kurt Campbell – điều phối viên phụ trách vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ – cho hay, không có chuyện ông Trump rời Nhà Trắng thì Mỹ sẽ giảm áp lực đối với Trung Quốc. Mặt khác, Washington đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh châu Á nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Chính quyền mới của ông Biden không từ bỏ chiến lược kiềm chế Trung Quốc (ảnh: CNN)
Ông Kurt Campbell, cố vấn chủ chốt của Tổng thống Biden về Ấn Độ - Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ đang cố gắng đa dạng hóa các nguồn lực nhằm đối phó với Trung Quốc ở châu Á. Thậm chí là đề nghị hỗ trợ từ các đồng minh châu Âu.
“Thách thức lớn nhất của Mỹ là tìm cách để chứng minh sự hiện diện ở Ấn Độ - Thái Bình Dương không phải là chuyện nhất thời. Mỹ phải cam kết có mặt hỗ trợ các đồng minh ở châu Á trong thời gian nhanh nhất”, Sidharth Kaushal – chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh – nói.
Anh cho biết sẽ cử tàu sâu bay HMS Queen Elizabeth đến châu Á trong năm nay. Pháp tuyên bố sẽ tập trận chung cùng Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương. Bộ trưởng quốc phòng Đức cho biết sẵn sàng tham gia các nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, dù có sự tham gia của đồng minh châu Âu, nhưng chiến lược đối phó Trung Quốc của ông Biden thành hay bại sẽ tập trung ở 3 khu vực chính.
Mỹ nhiều lần thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông (ảnh: CNN)
1. Biển Đông
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với hầu hết 1 triệu km vuông ở Biển Đông.
Từ năm 2014, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo trái phép. Thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa, đường băng quân sự, vũ khí phòng không ở các đảo này.
“Trung Quốc phát đi thông điệp rằng, hải quân Mỹ có thể đến Biển Đông nhưng sẽ rời đi trong thời gian ngắn. Mỹ phải chứng minh điều ngược lại để cho thấy sức mạnh bảo vệ đồng minh của mình”, ông Kaushal nói.
Theo ông Kaushal, những hành vi quấy rối ngư dân, thách thức an ninh, chủ quyền, thăm dò khoáng sản Biển Đông của Trung Quốc có xu hướng giảm khi hải quân Mỹ xuất hiện, nhưng lại tăng lên khi Mỹ rời đi.
Năm ngoái, Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay tới tập trận ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Dưới thời ông Biden, sự gia tăng hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ không thay đổi.
“Chúng tôi sẽ bay qua. Chúng tôi chẳng quan tâm vùng nhận dạng phòng không nào cả”, ông Biden nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cách quân đội Mỹ đối mặt với vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông của Bắc Kinh.
Mỹ cam kết ủng hộ Đài Loan (ảnh: CNN)
2. Đài Loan
Đài Loan luôn được coi là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Cuối tuần trước, Trung Quốc đã điều hơn hai chục máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Hầu hết đội hình này là tiêm kích và máy bay ném bom.
Trung Quốc cảnh báo, việc Đài Loan đòi độc lập đồng nghĩa với “chiến tranh” và Bắc Kinh có quyền điều máy bay bay vào không phận hòn đảo một cách thoải mái.
Những tuyên bố mới nhất từ chính quyền ông Biden cho thấy, Mỹ không thoái lui trước Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
“Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều cam kết ủng hộ Đài Loan. Đài Loan có quyền tự vệ nếu bị xâm lược. Chính quyền mới hoàn toàn tôn trọng điều đó”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu.
Một cách hiệu quả để Mỹ thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan là liên tục điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.
Hạm đội 7 của Mỹ cho hay, năm 2020, tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan 13 lần. Năm nay, hải quân Mỹ có thể lặp lại điều này với tần suất dày hơn.
“Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan”, Ned Price – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ – phát biểu.
3. Nhật Bản
Nhật Bản là khu vực không thể thiếu trong chiến lược đối phó Trung Quốc của Mỹ. Liên minh quân sự với Nhật Bản được Mỹ đặc biệt coi trong.
Okinawa – nơi quân đội Mỹ xây dựng căn cứ ở Nhật Bản được mệnh danh là “chìa khóa của Thái Bình Dương”. Nhiều khí tài hiện đại của Mỹ được tập kết ở đây.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cho là một trong những lực lượng quân sự hiện đại và mạnh mẽ nhất thế giới và Mỹ đương nhiên cần sự hỗ trợ của Tokyo khi đối phó với Bắc Kinh.
Điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện tại là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở.
Mỹ tuyên bố bảo vệ quần đảo Senkaku giúp Nhật Bản (ảnh: CNN)
Nhật Bản quản lý Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1972 nhưng Bắc Kinh khẳng định quần đảo thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm mới nhất với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, ông Biden đã khẳng định quyết tâm giúp Tokyo bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư, bất chấp việc mới đây, Trung Quốc thông qua luật cho phép hải cảnh nước này bắn tàu nước ngoài “nếu cần thiết”.
“Sự trỗi dậy và gây rối của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông đang khiến các đồng minh xích lại gần Mỹ hơn bao giờ hết”, Richard Javad Heydarian – giáo sư tại Đại học De La Salle (Philippines) – nói.
Trong năm 2021, các chuyên gia kỳ vọng Mỹ sẽ vận dụng tốt hệ thống đồng minh ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Về chiến lược đối phó Trung Quốc, ông Trump hành động xong mới tìm đối tác. Ông Biden ngược lại, tìm đối tác, rồi mới hành động”, Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo thuộc của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), nhận xét.
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu Tổng thống Trump và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã gặp nhau hôm 28.1 để thảo luận về...