3 đồng minh nói khác tuyên bố của Mỹ về liên minh ở Biển Đỏ
Pháp, Ý, Tây Ban Nha - 3 đồng minh NATO có trong danh sách mà Mỹ tuyên bố thành lập liên minh ở Biển Đỏ - gián tiếp hoặc trực tiếp tuyên bố không tham gia.
Ngày 21/12, Mỹ tuyên bố có hơn 20 nước đồng ý tham gia liên minh ở Biển Đỏ. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Lầu Năm Góc ngày 21/12 tuyên bố, hơn 20 quốc gia đã đồng ý gia nhập liên minh mang tên "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng".
Tuy nhiên, một số quốc gia được Washington nêu tên chưa xác nhận chính thức tham gia, trong khi một số nước khác cho biết, nỗ lực giúp bảo vệ giao thông thương mại ở Biển Đỏ là một phần của các thỏa thuận hải quân hiện có chứ không phải hoạt động của liên minh mới do Mỹ lãnh đạo.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Paris ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đỏ và khu vực xung quanh, đồng thời cho biết hải quân Pháp đã hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, Pháp khẳng định các tàu chiến nước này sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Paris chứ không phải liên minh mới do Washington dẫn đầu.
Bộ Quốc phòng Pháp cũng không cho biết liệu nước này có triển khai thêm lực lượng hải quân tới Biển Đỏ để gia nhập liên minh mới hay không. Paris có một căn cứ hải quân ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và 1.500 binh sĩ đồn trú ở quốc gia Đông Phi Djibouti. Khinh hạm Languedoc của nước này đang hoạt động ở Biển Đỏ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ý cho biết sẽ cử tàu khu trục Virginio Fasan tới Biển Đỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia theo yêu cầu cụ thể từ các chủ tàu Ý. Bộ này tuyên bố, đây là một phần trong các hoạt động hiện có của Ý và không liên quan tới hoạt động của liên minh mới do Mỹ thành lập.
Tây Ban Nha ngày 24/12 xác nhận, không tham gia vào liên minh của Mỹ ở Biển Đỏ. Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha khẳng định sẽ chỉ tham gia vào các nhiệm vụ do NATO lãnh đạo hoặc các hoạt động do EU điều phối. "Chúng tôi sẽ không đơn phương tham gia vào hoạt động ở Biển Đỏ", Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha lên tiếng.
Chưa rõ lý do Tây Ban Nha không tham gia liên minh do Mỹ thành lập ở Biển Đỏ, nhưng báo chí nước này đưa tin, quyết định được đưa ra do các yếu tố chính trị trong nước thúc đẩy. Cụ thể, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đang trong quá trình thành lập liên minh và cần sự ủng hộ của đảng cánh tả Sumar, vốn phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ.
Lực lượng Houthi ở Yemen hoan nghênh lập trường của Tây Ban Nha. "Chúng tôi đánh giá cao việc Tây Ban Nha từ chối lời đề nghị gia nhập liên minh của Mỹ ở Biển Đỏ", Hussein al-Ezzi, quan chức ngoại giao cấp cao của Houthi, nói.
Ngày 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố kế hoạch thành lập một liên minh đa quốc gia với tên gọi "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng" để bảo vệ hoạt động vận tải hàng hải ở Biển Đỏ.
Ban đầu, ông Austin tuyên bố liên minh có sự tham gia của Mỹ, Anh Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Ngày 21/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, có thêm Hy Lạp, Úc và 8 quốc gia giấu tên khác đồng ý gia nhập liên minh.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nước đồng minh, đối tác của Mỹ ở Trung Đông không tham gia lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở Biển Đỏ vì nhiều lý do, trong đó có lo ngại nguy cơ sa lầy vào các cuộc...