3 chiến hạm từ Thế chiến 2 bị nấu sắt vụn ở Indonesia?
Khu vực này là mồ chôn của hàng trăm chiến hạm từ thế chiến 2 và được xem là chứng tích quan trọng cho một thời kỳ máu lửa.
Chiến hạm HNLMS Kortenaer chìm năm 1942 trong trận hải chiến Java.
Một cuộc điều tra quốc tế đang được thực hiện nhằm xem xét sự biến mất bí ẩn của 3 tàu chiến Hà Lan chìm dưới biển Java ngoài khơi Indonesia. Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết 2 xác thuyền đã biến mất hoàn toàn trong khi chiếc thứ ba đã mất phần lớn diện tích. 3 thuyền này bị chìm năm 1942 trong thời kỳ chiến tranh thế giới leo thang.
Năm 2002, các thợ lặn nghiệp dư lần đầu tiên phát hiện ra thuyền chiến Hà Lan. Trong lần kỉ niệm 75 năm trận chiến ở biển Java, các nhà khoa học vô cùng sửng sốt khi thấy dấu tích 3 thuyền cổ gần như không còn.
Khi soi chiếu bằng máy siêu âm, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy dấu vết của thuyền dưới đáy biển nhưng khi xuống dưới, 3 thuyền chiến đã “không cánh mà bay”.
Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo: “Xác thuyền chiến HNLMS De Ruyter và HNLMS Java đã biến mất hoàn toàn. Phần lớn diện tích thuyền HNLMS Kortenaer đã không còn”.
3 thuyền chiến Hà Lan chìm trong trận hải chiến Java khi lực lượng Nhật Bản tấn công liên minh gồm Hà Lan, Anh, Mỹ và Australia tháng 2.1942. Đây là một trong những trận hải chiến tốn kém nhất và dẫn tới sự chiếm đóng hoàn toàn của quân Nhật vào khu vực Đông Ấn Hà Lan (Indonesia).
Chiến hạm HNLMS De Ruyter cũng chịu chung số phận dưới đáy biển sâu năm 1942.
Trận chiến khiến 2.200 người chết, bao gồm 900 quân Hà Lan, 250 quân Đông Ấn Hà Lan và 3 thuyền chìm dưới đáy.
“Chúng tôi đang điều tra chuyện gì xảy ra với những xác tàu đắm này trong khi thông báo tình hình cho quốc hội”, Bộ Quốc phòng Hà Lan nói. “Sự xâm phạm vùng biển có xác tàu đắm là điều xúc phạm ghê gớm”. Nhiều chuyên gia cho rằng xác tàu đã bị người dân Indonesia trục vớt và nấu sắt vụn.
Khu vực biển quanh Indonesia, Singapore, Malaysia là mồ chôn của hàng trăm tàu chiến và tàu ngầm trong thế chiến 2. Thời gian qua, rất nhiều người đã mò xuống biển và đánh cắp kim loại gồm nhôm, sắt, đồng nhằm bán kiếm lời.
Một trường dạy lặn ở Malaysia từng trả lời trên tờ New Straits Times rằng xác tàu đắm bị cho nổ tung bằng thuốc nổ rồi sắt vụn được vớt lên bờ đem bán.
Quân đội Mỹ năm 2014 cũng thông báo về sự xâm phạm trái phép quanh tàu chiến USS Houston bị chìm trong trận hải chiến eo Sunda ở biển Java. 650 thủy thủ đã thiệt mạng trong trận chiến này.
Theo Vleugels, giám đốc Quỹ Chứng tích chiến tranh Hà Lan trả lời tờ ANP: “Những người đã hy sinh ở đây cần được yên nghỉ”.