3-4 tháng nữa có thuốc đặc trị Covid-19?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiến hành cuộc thử nghiệm quy mô lớn đối với 4 liệu pháp hiện có nhằm tìm kiếm loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả và an toàn
Ông Kim Woo-joo, người đứng đầu nhóm phản ứng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) ở Hàn Quốc, vừa nhận định khung thời gian để có được phương thuốc đặc trị bệnh này ngắn hơn nhiều so với việc bào chế vắc-xin phòng bệnh.
Ông Kim cho biết mình "không quá lạc quan" về khả năng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ có trong vòng 18 tháng tới nhưng nhận định rằng thuốc đặc trị có thể có sớm hơn. Theo báo South China Morning Post, chuyên gia này đã nhắc đến một số thuốc đặc trị tiềm năng như Remdesivir (từng được dùng trong dịch Ebola), Kaletra (điều trị cho bệnh nhân có HIV) và một số loại thuốc khác. "Nếu mọi chuyện suôn sẻ, tôi hy vọng tính hiệu quả của các loại thuốc này sẽ được chứng minh một cách khoa học trong vòng 3-4 tháng tới" - ông Kim, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Guro Trường ĐH Hàn Quốc, dự báo. Theo chuyên gia này, Bệnh viện Trường ĐHQG Seoul và Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đang hợp tác thử nghiệm thuốc Remdesivir của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ). Ngoài ra, một số cuộc thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành, liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc hiện có để điều trị Covid-19.
Thuốc Remdesivir xuất hiện tại một cuộc họp báo ở Bệnh viện Đại học Eppendorf thuộc TP Hamburg - Đức hôm 8-4. Ảnh: Reuters
Ông Kim Woo-joo đưa ra dự báo trên trong bối cảnh trang tin tức y tế Stat vừa tiết lộ thông tin tích cực từ cuộc thử nghiệm Remdesivir để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở TP Chicago - Mỹ. Cụ thể, 125 bệnh nhân Covid-19 tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Chicago, trong đó 113 người có triệu chứng nặng. Họ hằng ngày được tiêm thuốc Remdesivir và kết quả cho thấy thuốc này nhanh chóng giảm bớt các triệu chứng sốt và hô hấp. Hầu hết số bệnh nhân nói trên được xuất viện trong vòng 1 tuần sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, trong tuyên bố gửi đến đài CNBC, phát ngôn viên Trường ĐH Chicago nhấn mạnh không nên dựa vào những dữ liệu chưa đầy đủ về một cuộc thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra để rút ra kết luận về tính an toàn hoặc hiệu quả của một phương pháp điều trị tiềm tàng.
Theo Công ty Gilead, khoảng 2.400 bệnh nhân Covid-19 nặng đang tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng liên quan đến Remdesivir tại 152 cơ sở trên thế giới. Gilead hy vọng sẽ bắt đầu có kết quả của các cuộc thử nghiệm này trong tháng 4. Không dừng lại ở đó, 169 trung tâm trên thế giới đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với Remdesivir trên 1.600 bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng vừa phải. Dữ liệu của các cuộc thử nghiệm này dự kiến sẽ có trong tháng 5.
Ngoài ra, ít nhất 2 cuộc thử nghiệm đang diễn ra ở Trung Quốc và 1 ở Mỹ nhằm đánh giá hiệu quả của Remdesivir đối với bệnh nhân Covid-19. Riêng kết quả của các cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc dự kiến được công bố trong tháng này. Chưa hết, Remdesivir cũng là 1 trong 4 liệu pháp hiện có được WHO sử dụng trong cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhằm tìm kiếm loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả và an toàn. Ba liệu pháp còn lại là thuốc trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine; hỗn hợp thuốc điều trị HIV Lopinavir và Ritonavir; hỗn hợp thuốc gồm Lopinavir, Ritonavir và bổ sung interferon beta.
Mỹ: Kế hoạch mở cửa lại kinh tế gây lo ngại
Mô hình dự báo của Trường ĐH Washington (Mỹ) hôm 17-4 ước tính dịch Covid-19 sẽ cướp đi 60.308 sinh mạng tại Mỹ tính đến ngày 4-8, giảm so với mức 68.841 trong dự báo trước đó. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cách ly ở nhà và tạm ngưng hoạt động kinh doanh tại 42/50 bang suốt 4 tuần qua nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh là nhân tố quan trọng cho sự sụt giảm dự kiến nói trên.
Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Trường ĐH Washington cho hay 4 bang có tỉ lệ tử vong thấp gồm Vermont, Tây Virginia, Montana và Hawaii có thể giảm dần các biện pháp hạn chế trong ngày 4-5 miễn là phải tiếp tục hạn chế tụ tập đông người. Ngoài ra, những bang muốn nới lỏng biện pháp ở nhà nên tiến hành xét nghiệm diện rộng, cô lập người mắc bệnh và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với họ.
Theo hãng tin Reuters, nền kinh tế Mỹ đã lao dốc trong tháng qua giữa lúc các biện pháp khống chế dịch bệnh khiến 22 triệu người thất nghiệp và hầu hết nhà máy, cửa hàng, doanh nghiệp đóng cửa. Tổng thống Donald Trump hôm 16-4 công bố hướng dẫn nhằm khôi phục nền kinh tế theo 3 giai đoạn nhưng giới chuyên gia cảnh báo không dễ để kinh tế nhanh chóng trở lại như thời điểm trước đại dịch.
Bà Jen Kates thuộc Quỹ Gia đình Kaiser (Mỹ) cho rằng các bang còn lâu mới có khả năng thực hiện đủ các cuộc xét nghiệm cần thiết để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của tiến trình ứng phó dịch bệnh. Cũng theo bà Kates, các hướng dẫn cũng không nêu chi tiết về việc tiến hành bao nhiêu cuộc xét nghiệm mới đủ. Một thách thức khác là nhà chức trách các địa phương sẽ phải cần nhiều người hơn để theo dõi những ca lây nhiễm mới. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cảnh báo về nguy cơ số ca nhiễm gia tăng khi mở cửa lại nền kinh tế. Khi đó, kinh tế có thể phải đóng cửa trở lại, khiến sự suy giảm thêm kéo dài.
Các bệnh nhân nhiễm Covid-19, đang sử dụng thuốc thử nghiệm Remdesivir, đã có kết quả hồi phục tích cực, được về nhà...
Nguồn: [Link nguồn]