270 lính Đức mắc kẹt trong hầm ở Thế chiến I: Kẻ tự sát, người nhờ đồng đội "kết liễu"
Một đường hầm được tìm thấy ở Pháp sau hơn 100 năm với nhiều hài cốt. Đây là hài cốt của 270 lính Đức bị "chôn sống" trong hầm sau một cuộc pháo kích của quân Pháp trong Thế chiến I. Nhiều người bị mắc kẹt phải nhờ đồng đội "kết liễu".
Một số lính Đức mắc kẹt và chết trong hầm Winterberg được xác định danh tính. Ảnh: HOHENZOLLERN MEMORIAL BOOK 1914-1918
Theo BBC, đường hầm Winterberg, được xây dựng gần thị trấn Craonne, miền bắc nước Pháp, là nơi 270 lính Đức thuộc trung đoàn bộ binh dự bị số 111, đối mặt với cái chết thảm khốc.
Mùa xuân năm 1917, Pháp phát động tấn công nhằm chiếm lại những ngọn đồi cách sông Aisne vài km. Lính Đức đã trấn giữ một ngọn đồi chạy dọc khu vực Chemin des Dames, gần sông Aisne, trong hơn 2 năm và có một hệ thống hầm ngầm phòng thủ rất phức tạp ở đây.
Gần làng Craonne, hầm Winterberg dài 300 mét, chạy từ mặt phía bắc (khuất tầm nhìn của quân Pháp) tới phía nam ngọn đồi.
Ngày 4/5/1917, quân Pháp tổ chức pháo kích nhằm vào 2 đầu của đường hầm. Họ phóng một khí cầu quan sát trên cao để để có được tầm nhìn ở đầu vào phía bắc.
Độ chính xác của pháo Pháp khi đó quả thực là đáng gờm. Một quả đạn pháo từ hỏa lực của hải quân Pháp bắn trúng lối vào hầm Winterberg, khiến đất đá bít chặt và dẫn đến hàng loạt vụ nổ tiếp theo từ kho đạn được cất giữ trong hầm. Khói và khí độc tràn ngập trong hầm. Lối ra của hầm cũng bị chặn bởi đất đá đổ xuống sau quả đạn pháo thứ 2.
270 lính Đức thuộc đại đội 10 và 11 của trung đoàn 111 bị mắc kẹt bên trong. Trong 6 ngày tiếp theo, lượng dưỡng khí cạn dần. Một số lính Đức chết ngạt hoặc tự sát. Số khác nhờ đồng đội "kết liễu".
Một nhóm lính Đức ở khu vực Chemin des Dames. Ảnh: Pinterest
Bằng bản năng sinh tồn, 3 lính Đức sống sót đủ lâu để được quân Đức đưa ra ngoài, chỉ một ngày trước khi quân Pháp chiếm ngọn đồi. Karl Fisser, một trong 3 người được cứu thoát, kể lại: "Mọi người khi đó đều khát nước và tìm kiếm trong tuyệt vọng. Không ai tìm được lối thoát vì cả 2 đầu hầm đều bị chặn bởi lớp đất đá. Một số nói về hy vọng được giải cứu, số khác nói về việc tìm nước để tồn tại. Một người nằm gần tôi nói với giọng ngắt quãng, nhờ ai đó nạp đạn vào súng giúp anh ta".
Khi quân Pháp chiếm ngọn đồi, khung cảnh bên ngoài hầm bị phá hủy và rất hỗn loạn. Việc đào đất để vào hầm không được ưu tiên, vì vậy quân Pháp không làm điều đó. Quân Đức chiếm lại ngọn đồi trong cuộc tấn công vài ngày sau đó nhưng cũng không tìm kiếm các thi thể.
Tới cuối Thế chiến I, không ai có thể xác định chắc chắn vị trí của hầm Winterberg.
Lính Đức thuộc trung đoàn bộ binh dự bị số 111 chụp ảnh bên ngoài căn hầm. Ảnh: PIERRE MALINOWSKI
Nhưng mới đây, Alain Malinowski, một người dân địa phương, đã phát hiện ra hầm Winterberg. Alain lúc nào cũng nghĩ về căn hầm và cho rằng nó chỉ nằm đâu đó trên một sườn đồi.
Làm việc trên tàu điện ngầm ở Paris vào những năm 1990, Alain hàng ngày di chuyển tới thủ đô và dành thời gian rảnh rỗi để tìm kiếm manh mối ở các kho cất giữ tài liệu quân sự.
Trong 15 năm, ông thu thập các mô tả, bản đồ và các lời khai từ lính Đức nhưng mọi thứ đều vô ích. Cảnh quan đã thay đổi quá nhiều để có thể so sánh.
Năm 2009, Alain tình cờ thấy một bản đồ đương đại cho thấy vị trí của hầm Winterberg. Bằng sự tỉ mỉ và cẩn thận, Alain đo góc và khoảng cách rồi tìm đến vị trí này. Đó là một khu rừng.
"Tôi cảm nhận được nó và tin rằng nó đang ở rất gần đây, ngay dưới chân tôi", Alain chia sẻ với tờ Le Monde.
Alain nói với giới chức địa phương về phát hiện của ông nhưng bị từ chối suốt 10 năm vì có thể chưa đủ tin tưởng hoặc do giới chức địa phương không muốn đào bới một ngôi mộ tập thể từ thời chiến.
Pierre Malinowski, con trai ông Alain, là người đang điều hành một quỹ ở Moscow, Nga, chuyên truy tìm những người chết trong chiến tranh từ thời Napoleon và các thời đại khác. Pierre bất bình với cách hành xử của giới chức địa phương, nên quyết định tự tìm kiếm. Tuy điều này là trái phép nhưng người đàn ông 34 tuổi chấp nhận bị phạt.
Một đêm tháng 1/2020, Pierre dẫn đầu một nhóm người mang theo máy đào cơ khí đến vị trí mà bố anh đã xác định. Họ đào sâu 4 mét và tìm thấy dấu hiệu cho thấy họ đã đi đúng hướng.
Có một cái chuông dùng để báo động, hàng trăm hộp đựng mặt nạ phòng độc, đường ray để vận chuyển vũ khí, bom đạn, hai khẩu súng máy, một khẩu súng trường, lưỡi lê và hài cốt của 2 lính Đức.
Một số mảnh vỡ được nhóm của Pierre phát hiện. Ảnh: BBC
Pierre sau đó đã che lại cái hố vừa đào và liên hệ với giới chức địa phương. Sau 10 tháng với những phản hồi chậm chạp từ giới chức địa phương, anh chia sẻ phát hiện với tờ Le Monde và mới đây nhất là hãng BBC của Anh hôm 15/3.
Theo chia sẻ của Pierre, một số thi thể bị mắc kẹt trong hầm vẫn được bảo quản như "xác ướp", "còn nguyên da, tóc và quân phục".
Theo The Times, một cuộc tìm kiếm chính thức đã được thực hiện hồi tháng 2. Ủy ban hầm mộ chiến tranh Đức cũng đang chuẩn bị sử dụng camera từ xa để khám phá căn hầm trước khi đưa ra quyết định có khai quật hay không.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài kẻ thù trực tiếp và dịch bệnh, binh sĩ tại các chiến hào trong Thế chiến I còn phải đối phó hàng triệu con chuột...