2015, một năm đầy sóng gió với châu Âu
Mặc dù chưa tới mức tồi tệ như Thế chiến II nhưng năm 2015 vẫn là một năm không tốt lành gì với châu Âu. Tin xấu là tới năm 2016 có thể còn tệ hơn khi châu Âu đứng trước nguy cơ "tan đàn xẻ nghé", theo một bài viết trên Reuters mới đây.
EU đang đứng trước nguy cơ tan rã khi các nước ngày càng thặt chắt biên giới vì lo sợ dòng người nhập cư ồ ạt đổ về.
“Dù thế nào thì năm 2015 vẫn là một năm xấu với châu Âu. Nếu Anh bỏ phiếu ra khỏi EU thì năm sau sẽ còn tồi tệ hơn nhiều”, tác giả nhận định.
Theo Reuters, châu Âu chưa từng xảy ra sự kiện nào làm rung chuyển thế giới như hồi Bức tường Berlin bị phá sập năm 1989. Tuy nhiên không giống những sự kiện trước kia giúp gia tăng sự đoàn kết của EU, khủng hoảng liên miên năm 2015 có nguy cơ khiến châu Âu “tan đàn xẻ nghé”.
Hai năm sau khi “Bức màn sắt” bị xóa bỏ, thỏa thuận thành lập Liên minh châu Âu được kí kết. 15 năm sau đó, EU và NATO đã vươn tầm ảnh hưởng của mình tới biên giới Nga, Belarus và Ukraine.
“Điều này phù hợp với tiên đoán của ông Jean Monnet về một châu Âu đoàn kết hơn từ các thảm họa, xung đột”, bài báo có đoạn. “Ngược lại, khủng hoảng kinh tế, chính trị, người nhập cư, nợ công Hy Lạp, khủng bố Hồi giáo cực đoan, Nga leo thang quân sự đã khiến biên giới các nước bị thắt chặt hơn bao giờ hết. Sự trỗi dậy của lực lượng chính trị dân túy chống châu Âu và sự buộc tội lẫn nhau trong EU ngày càng căng thẳng”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker đã cảnh báo rằng khu vực Schengen đang có nguy cơ tan rã và nếu biên giới EU bị đóng cửa, đồng euro cũng sẽ biến mất.
“Khủng hoảng sẽ vẫn còn đó và những thứ tồi tệ hơn nữa sẽ xảy ra”, ông Juncker phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 của EU.
Cũng theo Reuters, tuyên bố của ông Juncker trái ngược với khẩu hiệu của Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Chúng ta có thể làm được”. Chính sách nhập cư của bà ít được các đồng minh EU khác ủng hộ; hầu hết các quốc gia châu Âu khác vẫn một mực thắt chặt biên giới và từ chối tiếp nhận thêm người tị nạn. Mâu thuẫn càng tăng cao khi thỏa thuận về kinh tế và chính trị đạt được giữa Đức và Nga mới đây.
Nếu Anh bỏ phiếu ra khỏi EU, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều cho EU.
“Một vấn đề có thể sẽ tồi tệ hơn trong năm 2016 là những lãnh đạo chính của EU sẽ yếu thế về mặt chính trị và bị chính những áp lực trong nước bủa vây. Họ sẽ không thể đưa ra những hành động chung trong nội khối EU được”, Reuters nhấn mạnh.
Tác giả bài báo cho biết tầm ảnh hưởng của Pháp ở khu vực đang suy giảm nghiêm trọng do vị thế kinh tế suy yếu. Thủ tướng Anh David Cameron cũng tỏ ra lo lắng về sự đồng ý của người dân trước mong muốn Anh rút lui khỏi EU. Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu và là một trong những quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh nhất thế giới, nếu Anh từ bỏ EU, đây có thể được coi là “hồi chuông báo tử” dành cho các quốc gia còn lại trong khối.
Tác giả cũng nhận định nếu Thủ tướng Cameron chiến thắng trước quyết định ở lại châu Âu, nhiều khả năng các lãnh đạo khác sẽ dùng chiến lược này nhằm có được nhiều điều kiện có lợi hơn cho quốc gia mình.
“Thật không may là chúng ta cần sự ủng hộ của ông Cameron”, một quan chức cấp cao EU khẳng định. “Tuy nhiên đi cùng đó là khối EU sẽ rơi vào vùng nguy hiểm thực sự”.