20 năm sự kiện 11-9: Nhìn lại cuộc chiến chống khủng bố

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Kể từ sự kiện 11-9, Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung an toàn hơn rất nhiều so với thời điểm phong trào Taliban nắm quyền lần đầu ở Afghanistan cách đây 20 năm

Cựu Tổng thống George W. Bush lên tiếng về vụ khủng bố 11-9

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến các bang New York, Virginia và Pennsylvania vào ngày 11-9 (giờ địa phương) để tham dự lễ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Ông chủ Nhà Trắng sẽ được đệ nhất phu nhân Jill Biden tháp tùng khi viếng thăm khu Lower Manhattan ở New York, thị trấn Shanksville ở Pennsylvania và Lầu Năm Góc ở Virginia - những địa điểm bị máy bay lao vào sau khi các phần tử khủng bố cướp quyền điều khiển chúng vào ngày 11-9-2001.

Hoạt động chống khủng bố đã hiệu quả hơn

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi Mỹ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến gần 20 năm được phát động để đáp trả vụ tấn công đẫm máu nêu trên. Nhà lãnh đạo 78 tuổi bảo vệ quyết định chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất của Mỹ, nói rằng Washington đã hoàn thành các mục tiêu đề ra gồm "xử lý những kẻ đã tấn công Mỹ vào ngày 11-9-2001, thực thi công lý với trùm khủng bố Osama bin Laden và ngăn Afghanistan trở thành điểm trú ẩn của các phần tử khủng bố trong tương lai".

Một phụ nữ đặt hoa hồng tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở TP New York - Mỹ .Ảnh: REUTERS

Một phụ nữ đặt hoa hồng tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở TP New York - Mỹ .Ảnh: REUTERS

Theo cựu Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC) Michael Leiter, ở khía cạnh phòng chống khủng bố, Washington và đồng minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng kể từ sự kiện 11-9, khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung an toàn hơn rất nhiều so với thời điểm phong trào Taliban nắm quyền lần đầu ở Afghanistan cách đây 20 năm.

Bên cạnh đó, phong trào Hồi giáo cực đoan Sunni dù chưa bị xóa sổ hoàn toàn nhưng đã suy yếu đáng kể trong suốt 2 thập kỷ qua, đặc biệt là ở Mỹ và Tây Âu. Khi al-Qaeda thực hiện vụ tấn công thảm khốc vào ngày 11-9-2001, nhóm khủng bố này hoạt động "gần như được miễn trừng phạt" ở Afghanistan. Mặc dù Taliban và al-Qaeda không liên kết hoạt động, sự dung túng mà nhóm khủng bố này được hưởng cho phép chúng chiêu mộ, huấn luyện và triển khai thành viên thực hiện các vụ tấn công trên toàn thế giới. Mỹ và đồng minh từng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết những mối đe dọa này. Cả ở phương diện cá nhân lẫn phối hợp nhóm, cộng đồng phòng chống khủng bố Mỹ khi đó chưa đủ nguồn lực và năng lực để ngăn chặn một nhóm tương đối nhỏ gồm những kẻ quyết tử vì đạo.

Sự trỗi dậy của Taliban tại Afghanistan làm dấy lên nỗi lo về al-Qaeda. Ảnh: Al Jazeera

Sự trỗi dậy của Taliban tại Afghanistan làm dấy lên nỗi lo về al-Qaeda. Ảnh: Al Jazeera

Hai thập kỷ sau, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Những yếu tố riêng lẻ của cộng đồng tình báo Mỹ giờ đây đã trở thành một trong những nhánh liên kết chặt chẽ nhất với toàn bộ chính phủ Mỹ. Cùng với bản chất toàn cầu của nỗ lực chống khủng bố, điều này tạo ra một mạng lưới liên minh chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động ở cấp độ cao hơn rất nhiều so với hồi năm 2001.

Sự trỗi dậy tiềm tàng của al-Qaeda cùng những nhóm khủng bố khác, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ở Afghanistan có thể đem đến một thách thức rõ ràng với năng lực chống khủng bố của phương Tây. Tuy nhiên, đây không còn là vấn đề nghiêm trọng như trước.

Không còn sự hiện diện vật lý của các lực lượng tình báo và đặc nhiệm ở Afghanistan, nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và đồng minh chắc chắn sẽ gặp thêm nhiều trở ngại. Tuy nhiên, khả năng giám sát và ngăn chặn âm mưu khủng bố của Mỹ ở các vùng đất xa xôi chưa bao giờ phụ thuộc hoàn toàn vào khía cạnh này - điều đã được chứng minh tại Yemen và Somalia. Hoạt động chống khủng bố của Mỹ và đồng minh vẫn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với 2 thập kỷ trước nhờ hàng loạt yếu tố, như trinh sát kỹ thuật và quan hệ đối tác địa phương sáng tạo.

Nỗi đau, sự hoài nghi và giận dữ

Giới quan sát khẳng định với đài ABC News rằng sau vụ tấn công khủng bố nêu trên, gần như mọi khía cạnh cuộc sống ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đều bị ảnh hưởng. Từ thắt chặt an ninh sân bay, quân sự hóa lực lượng cảnh sát đến tham dự các cuộc chiến lâu dài, Mỹ và thế giới đã được định hình lại bởi sự kiện này.

Tòa tháp WTC đổ nát trong ngày 11-9-2001. Ảnh: AP

Tòa tháp WTC đổ nát trong ngày 11-9-2001. Ảnh: AP

Kênh tin WION tuần rồi trích dẫn một nghiên cứu cho biết nhiều công dân Mỹ đến giờ vẫn bị ám ảnh bởi sự kiện 11-9. Nghiên cứu cho thấy gần 26% công dân Mỹ lo sợ về việc đi máy bay và 36% e dè việc xuất ngoại. Tỉ lệ này ở nhóm lo sợ về việc bước vào các tòa nhà chọc trời hay tham dự những sự kiện có quy mô hàng trăm người lần lượt là 27% và 37%. Cũng theo nghiên cứu, 44% cư dân đến từ các nhóm thiểu số đã thay đổi lối sống và cảm thấy bất an về việc đi máy bay.

Bên cạnh nỗi sợ, 20 năm sau sự kiện 11-9, sự hoài nghi và giận dữ vẫn hiện hữu trong tâm trí người dân Mỹ. Gia đình của hàng trăm nạn nhân tháng rồi khẳng định với Tổng thống Biden rằng ông sẽ không được hoan nghênh tại các sự kiện tưởng niệm năm nay nếu không giải mật tài liệu chính phủ liên quan đến các vụ tấn công. Trong thư gửi Tổng Thanh tra Bộ Tư pháp Mỹ Michael Horowitz vào đầu tháng này, gia đình các nạn nhân đề nghị điều tra nghi vấn Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nói dối hoặc tiêu hủy bằng chứng cho thấy Ả Rập Saudi liên quan đến sự kiện 11-9. Tổng thống Biden ngày 3-9 đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp Mỹ xem xét và giải mật các tài liệu từ cuộc điều tra của FBI về các vụ tấn công. 

Theo báo The New York Times, Văn phòng Giám định y khoa TP New York (NYCMEO) đến giờ vẫn miệt mài làm việc để xác định danh tính của 1.106 nạn nhân, tương đương 40% số người thiệt mạng tại thành phố này.

Nguồn: [Link nguồn]

Những hình ảnh chưa từng thấy về vụ khủng bố 11.9

Cơ quan Mật vụ Mỹ những ngày qua đã chia sẻ các bức ảnh chưa từng được công bố về vụ khủng bố ngày 11.9.2001.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN