20 năm "dã tràng" ở Afghanistan: Taliban 2.0 hay bậc thầy lừa dối?
Sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát, Afghanistan nhiều khả năng chứng kiến bạo lực leo thang khi các phe phái đấu đá tranh giành quyền lực
Tỉnh Panjshir và thung lũng cùng tên, cách phía Bắc thủ đô Kabul hơn 100 km, một lần nữa trở thành thành trì chính trong cuộc chiến chống lại phong trào Taliban sau khi hầu hết tỉnh còn lại rơi vào tay tổ chức này.
Chia năm xẻ bảy
Ông Ahmad Massoud, con trai của "mãnh sư Panjshir" Ahmad Shah Massoud, có thể sẽ tham gia dẫn dắt chiến dịch phản kháng Taliban lần thứ hai này. Ông Ahmad Shah Massoud là một trong những thủ lĩnh hàng đầu của Liên minh Phương Bắc từng đối đầu với Taliban cho đến khi lực lượng này bị Mỹ lật đổ năm 2001.
Nhiều binh sĩ Afghanistan đã tập trung tại Panjshir để bảo vệ các nhà lãnh đạo chính trị, gồm Phó Tổng thống thứ nhất Amrullah Saleh, người hôm 17-8 tuyên bố là "tổng thống lâm thời hợp pháp" sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước. Ông Saleh viết trên Twitter: "Tôi sẽ không làm hàng triệu người lắng nghe mình phải thất vọng. Tôi sẽ không đội trời chung với Taliban. Hãy tham gia lực lượng kháng chiến". Ông Saleh cho hay đang liên lạc với các lãnh đạo chính trị để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chiến mới. Quân số của lực lượng tại Panjshir chưa được xác định nhưng chủ yếu là binh sĩ Afghanistan thoát khỏi vòng vây Taliban thời gian qua.
Người dân cầm cờ Afghanistan biểu tình chống Taliban ở TP Jalalabad hôm 18-8 Ảnh: REUTERS
Trước đó, theo tạp chí Clingendael Spectator (Hà Lan), lãnh chúa Abdul Rashid Dostum nổi tiếng ở miền Bắc Afghanistan cũng tuyên bố sẽ lãnh đạo cuộc chiến chống Taliban hồi tháng 6 năm nay. Ông Dostum là viên tướng nổi tiếng của Liên minh phương Bắc khi xưa và từng giữ chức Phó Tổng thống Afghanistan. Là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khoảng 20 năm Mỹ hiện diện quân sự ở Afghanistan, ông Dostum rời khỏi Mazar-i-Sharif hôm 14-8 sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thành phố lớn thứ tư nước này.
Về phía Taliban, giới quan sát cho rằng nhiệm vụ của người điều hành lần này sẽ phức tạp và nhiều thách thức hơn. Theo tờ The Guardian, ứng viên tiềm năng cho vị trí này là lãnh đạo tối cao hiện nay của Taliban Haibatullah Akhundzada, người Pashtun 60 tuổi. Haibatullah Akhundzada là người kế nhiệm Akhtar Mansour - thủ lĩnh đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ gần biên giới Pakistan vào năm 2016. Akhundzada có 3 cấp phó và những người này có thể đảm nhiệm các vị trí trong chính phủ của Taliban. Người thứ nhất là Mullah Abdul Ghani Baradar, hiện phụ trách văn phòng chính trị của Taliban. Cấp phó thứ 2 là Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của thủ lĩnh Taliban quá cố Mullah Mohammed Omar và là người nắm giữ ủy ban quân sự. Cấp phó thứ 3 là Sirajuddin Haqqani, được cho là đảm nhiệm giám sát tài chính và có quan hệ gần gũi với một số nhân vật cấp cao thuộc al-Qaeda.
Ôn hòa vì cần tiền?
Trong 5 năm cầm quyền trước đây (1996-2001), lực lượng Taliban áp đặt Luật Hồi giáo Sharia hà khắc, khiến nhiều người Afghanistan hãi hùng. Lần này, Taliban cam kết bảo vệ quyền của phụ nữ, người thiểu số và bảo đảm Afghanistan sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào. Thậm chí, sau khi chiếm Kabul, Taliban đề nghị nhân viên các cơ quan chính quyền tiếp tục làm việc, cam kết ân xá cho những ai chấp nhận hạ vũ khí.
Các tay súng Taliban gác tại một chốt kiểm soát ở thủ đô Kabul hôm 17-8 Ảnh: REUTERS
Trao đổi với đài CNN, phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen hôm 15-8 cho rằng người Mỹ nên tin tưởng họ. Phát ngôn viên này nhấn mạnh: "Sau khi ký hiệp định với Mỹ, chúng tôi đã tuân thủ không tấn công lực lượng Mỹ, không một binh sĩ Mỹ nào bị giết hại". Chuẩn tướng về hưu Mark Kimmitt, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị trong chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định đây là ví dụ cho thấy chiến dịch ngoại giao của Taliban đã được cải thiện.
Thái độ ôn hòa của Taliban những ngày qua được đồn đoán là do nguồn tài chính sắp cạn kiệt. Để cải thiện kinh tế Afghanistan giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Taliban buộc phải dựa vào viện trợ nước ngoài. Thế nhưng, một số nhà tài trợ lớn, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đã đóng băng viện trợ Afghanistan. Theo số liệu của WB, năm 2020, dòng tiền viện trợ chiếm đến 42,9% nguồn GDP trị giá 19,8 tỉ USD của Afghanistan.
Hiện chưa rõ Trung Quốc, nước láng giềng của Afghanistan, có dự định lấp đầy khoảng trống một khi các nước phương Tây tiếp tục quay lưng hay không. Ngoài lượng tiền mặt sẵn có, Taliban khó lòng tiếp cận các quỹ khác vì hầu hết quỹ dự trữ của nước này được giữ tại nước ngoài, theo giám đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady. Phần lớn quỹ này đặt ở Mỹ và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã sớm tuyên bố chặn cửa Taliban. Hãng dịch vụ tài chính Western Union cũng thông báo tạm ngưng chuyển khoản ngân hàng từ nước ngoài tới Afghanistan. Theo ước tính vào tháng 5-2021 của WB, lượng kiều hối gửi về Afghanistan hồi năm 2020 vào khoảng 789 triệu USD.
"Lộ mặt trong 6 tháng" Ông Ahmed Rashid, nhà báo người Pakistan đưa tin về Taliban khi nhóm này thành lập năm 1994, cho hay thế hệ lãnh đạo cũ của Taliban từ thập niên 1990 đã trau dồi kiến thức nhiều hơn. Tuy nhiên, các thủ lĩnh chiến trường thế hệ trẻ lại có xu hướng cực đoan hơn. Taliban 2.0 không khác gì Taliban 1.0 ngoại trừ… biết PR hơn, theo ông Kimmitt. "Họ là những bậc thầy lừa dối, rất giỏi về tuyên truyền và tâm lý chiến. Trong 6 tháng tới, Taliban sẽ trở lại là Taliban 1.0 của trước năm 2001" - nhà báo Kimmitt dự báo. Một trong những dấu hiệu sớm minh chứng cho nhận định của ông Kimmitt là việc Waheedullah Hashimi, chỉ huy cấp cao của Taliban, khẳng định với Reuters hôm 18-8: "Afghanistan sẽ không phải là một nền dân chủ. Chỉ có luật Hồi giáo Sharia. Thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada có thể đứng đầu hội đồng lãnh đạo với vai trò tương tự tổng thống". Trong một năm qua, Taliban hứa hẹn cắt đứt quan hệ với al-Qaeda nhưng theo ông Doug London, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phụ trách chống khủng bố ở Afghanistan, Taliban và al-Qaeda vẫn có liên hệ sâu sắc, thậm chí có nhiều cuộc kết hôn giữa thành viên hai nhóm. Do đó, Taliban nhiều khả năng sẽ tiếp tục cung cấp nơi ẩn náu và hỗ trợ al-Qaeda, từ đó dẫn đến nguy cơ hồi sinh cả mạng lưới này lẫn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan. |
Kể từ khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, chiếm các tỉnh một cách thần tốc, rất khó để phác họa bức tranh tổng thể...
Nguồn: [Link nguồn]