2 năm chiến sự Nga - Ukraine: Khi nào hòa đàm, ngừng khói lửa?

Chiến sự Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba, phía Nga giữ quan điểm sẵn sàng hòa đàm nhưng vẫn chưa xác định được chủ trương từ phía Ukraine và phương Tây.

Chiến sự Nga - Ukraine giằng dai sang năm thứ ba. Viễn cảnh hòa đàm mấy tháng qua không được nhắc đến khi cả hai bên quyết liệt dồn lực trên chiến trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số dữ kiện thúc đẩy triển vọng đàm phán chấm dứt xung đột.

Ông Putin nói sẵn sàng, chờ ông Zelensky

Họp với Bộ Quốc phòng Nga cuối năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng hòa đàm với Ukraine, Mỹ và châu Âu về tương lai của Kiev nếu các bên muốn nhưng Moscow sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Trong nhiều tháng trước đó ông Putin nhiều lần tuyên bố Nga sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận, theo kênh CNBC.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố rằng Nga quyết tâm đạt các mục tiêu nhưng “sẽ tốt hơn nếu đạt được thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao”, theo hãng thông tấn TASS. Ông Peskov lưu ý rằng Nga chưa bao giờ từ chối hòa đàm, sẵn sàng giải quyết xung đột bằng ngoại giao bất cứ lúc nào nhưng chính Kiev đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào mùa xuân năm 2022.

Lính Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới số 65 tại một khu vực tiền tuyến gần làng Robotyne, tỉnh Zaporizhzhia (Ukraine). Ảnh: UKRINFORM

Lính Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới số 65 tại một khu vực tiền tuyến gần làng Robotyne, tỉnh Zaporizhzhia (Ukraine). Ảnh: UKRINFORM

Phần Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn tuyên bố sẽ không hòa đàm cho đến khi Nga rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine. Giữa năm ngoái, ông Zelensky ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với lãnh đạo hiện tại của điện Kremlin. Ông Zelensky cũng đưa ra kế hoạch hòa bình, yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi tất cả vùng lãnh thổ nằm trong biên giới năm 1991 của Ukraine, trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể bắt đầu. Phía Kiev nhiều lần khẳng định quan điểm sẽ không dừng lại cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm cả Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014.

Nga bác ý tưởng “xa rời thực tế” này và nhiều lần tuyên bố sẵn sàng hòa đàm miễn Kiev xem xét tình hình thực địa. Ý phía Nga muốn nói đến bốn tỉnh (Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhia) mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào mùa thu năm 2022. Ông Peskov có nói rằng Moscow về cơ bản đã đề nghị hòa bình với Ukraine để đổi lấy sự trung lập và lời hứa không gia nhập NATO.

Phương Tây đã mệt với Ukraine?

Tổng Tư lệnh Ukraine Valerii Zaluzhnyi từng thừa nhận với tờ Economist thời gian cuối năm 2023 rằng “chúng tôi rơi vào bế tắc” và “rất có thể sẽ không có sự đột phá sâu sắc và đẹp đẽ nào cả”. Trong khi đó, trao đổi với báo chí trong đó có tờ Nikkei Asia cuối năm 2023, ông Zelensky thừa nhận Ukraine đang gặp khó khăn về mặt quân sự, “thời gian không đứng về phía chúng tôi”. Ông Zelensky thừa nhận lực lượng Ukraine chưa được trang bị đầy đủ số lượng lữ đoàn, vũ khí, không có đủ thiết bị phòng không, trong khi “Nga thống trị hoàn toàn bầu trời”.

Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh này, nhiều lãnh đạo phương Tây đang có dấu hiệu “mệt mỏi ở Ukraine” và sự mệt mỏi tăng thêm khi xung đột Israel - Hamas xuất hiện. Lời kêu gọi ngừng bắn giữa Moscow và Kiev xuất hiện ngày càng nhiều.

“Không ai trong số các đối tác của chúng tôi gây áp lực buộc chúng tôi phải ngồi lại với Nga, nói chuyện và đưa ra điều gì đó” - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác thông tin các nhà lãnh đạo phương Tây đang vận động hành lang để Kiev hòa đàm với Moscow.

Một số nguồn tin quan chức Mỹ nói với đài NBC News rằng các quan chức Mỹ và châu Âu đã trao đổi với chính phủ Ukraine về khả năng hòa đàm với Nga để chấm dứt cuộc chiến.

Các nguồn tin quan chức cho biết một số cuộc trao đổi “tế nhị” đã diễn ra vào tháng 10-2023 trong cuộc họp của đại diện hơn 50 quốc gia ủng hộ Ukraine, có cả các thành viên NATO (liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), được gọi là Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine. Các cuộc trao đổi phác thảo rất rộng những gì Ukraine có thể cần phải từ bỏ để đạt được thỏa thuận với Nga.

Theo các nguồn tin quan chức này, để khuyến khích ông Zelensky xem xét hòa đàm, NATO có thể đưa ra cho Kiev một số đảm bảo an ninh, ngay cả khi Ukraine không chính thức trở thành thành viên liên minh. Ukraine có thể yên tâm rằng sẽ không bị Nga tấn công lần nữa.

NBC News dẫn lời các nguồn tin quan chức lưu ý cuộc trao đổi này diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và châu Âu lo ngại rằng cuộc chiến đã đi đến bế tắc cũng như về khả năng phương Tây duy trì cung cấp viện trợ cho Ukraine đang dần giảm. Các quan chức Mỹ lo ngại Ukraine đang cạn kiệt lực lượng, trong khi Nga có nguồn cung dường như vô tận. Theo các nguồn tin quan chức Mỹ, phía Mỹ cũng kỳ vọng Ukraine có thêm thời gian chiến đấu trên chiến trường, với các thiết bị mới, nặng hơn “nhưng ngày càng có cảm giác rằng đã quá muộn và đã đến lúc phải thực hiện một thỏa thuận”.

Tuy nhiên theo tờ The Guardian, ông Zelensky bác ý kiến rằng các nước phương Tây đang gây áp lực buộc Kiev phải hòa đàm với Nga. Thời gian gần đây ông Zelensky tích cực gặp các lãnh đạo phương Tây trong nỗ lực xoa dịu sự mệt mỏi vì cuộc xung đột. Gần nhất là chuyến sang Mỹ trong tháng 12-2023 nhằm thuyết phục Mỹ duy trì viện trợ cho Ukraine.

Về chính thức, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói “bất kỳ quyết định nào về các cuộc hòa đàm đều tùy thuộc vào Ukraine” và Mỹ “tập trung vào việc tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine” cho đến khi đạt mục tiêu.

Khảo sát: Người dân Ukraine và chuyện hòa đàm với Nga

Theo khảo sát do Rating (tổ chức nghiên cứu độc lập, phi chính phủ ở Ukraine) công bố cuối năm 2023, người dân Ukraine đang chia rẽ quanh việc ủng hộ hay phản đối hòa đàm với Nga.

Cụ thể, theo khảo sát, 48% người Ukraine được hỏi phản đối đàm phán với Nga, duy trì cuộc chiến đến khi Ukraine giành lại toàn quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát và sáp nhập. Trong khi đó, 44% người Ukraine được hỏi ủng hộ thỏa hiệp đàm phán với Nga và các nước khác nên được tham gia vào quá trình này.

Phần lớn người ủng hộ đàm phán là những người trong độ tuổi 18-35 ở miền Đông Ukraine. Phần lớn người phản đối đàm phán trong độ tuổi 36-50 sống ở nửa phía Tây Ukraine.

Đài RT nhận xét kết quả khảo sát cho thấy có sự suy giảm rõ rệt về số lượng người Ukraine ủng hộ kéo dài giao tranh với Nga. Trong các cuộc thăm dò tương tự được tiến hành vào tháng 7-2023 và tháng 2-2023, tỉ lệ ủng hộ đàm phán là 35%, tỉ lệ phản đối là 60%.

Nhiều quốc gia nhất quyết không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil giúp Nga duy trì nguồn thu quan trọng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu dùng nhiều ngôn từ gay gắt khi nói về Tổng thống Vladimir V. Putin, nhưng ông vẫn được chào đón ở Brazil.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN