2 năm chiến sự Nga-Ukraine: Ai đang thắng thế, tương lai ra sao?

Sau 2 năm chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc trong khi giới quan sát nhận định cục diện chiến trường vẫn rất khó đoán.

Hôm nay 24-2 đánh dấu tròn 2 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Qua 2 năm, tình hình chiến trường có nhiều thay đổi, trong khi đó cơ hội hai bên ngồi vào bàn đàm phán hòa bình vẫn rất mong manh và tương lai chiến sự vô cùng khó đoán.

Những con số biết nói

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố trong tuần này, trong 2 năm qua, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 10.582 dân thường, bao gồm 5.017 đàn ông, 3.093 phụ nữ và 587 trẻ em, hãng AA đưa tin.

Cơ quan này báo cáo rằng cuộc chiến dai dẳng này đã khiến số người bị thương lên tới hơn 19.875 người, bao gồm 6.524 đàn ông, 4.546 phụ nữ và 1.298 trẻ em, đồng thời nhấn mạnh rằng con số thực tế có thể “cao hơn đáng kể”.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành do Thụy Điển sản xuất vào các vị trí của Nga ở tỉnh Donetsk vào tháng 12-2023. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ukraine bắn pháo tự hành do Thụy Điển sản xuất vào các vị trí của Nga ở tỉnh Donetsk vào tháng 12-2023. Ảnh: REUTERS

Dữ liệu của cơ quan LHQ cho thấy gần 6,5 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ đất nước, di cư tìm nơi nương thân trên toàn cầu, cùng với khoảng 3,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và di chuyển đi đến những vùng khác trong nước để tránh bom đạn.

Hãng AA đưa tin rằng triển vọng hòa bình hiện vẫn rất mờ mịt khi hai bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn chưa thể giải quyết.

Ukraine muốn Nga từ bỏ mọi yêu sách lãnh thổ, rút ​​lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine và bồi thường tài chính cho những thiệt hại gây ra. Trong khi đó, Nga nhấn mạnh rằng Ukraine nên gác lại luật cấm đàm phán với Nga và quay trở lại trạng thái trung lập, không liên kết và phi hạt nhân, cũng như đảm bảo các quyền và tự do của công dân nói tiếng Nga.

Ai đang thắng thế, tình hình chiến trường ra sao?

Theo Tướng Mỹ về hưu David Petraeus - cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), 2 năm sau cuộc chiến Ukraine tình thế đã thay đổi và lực lượng Nga đã đạt được một số động lực nhất định, đài CNN đưa tin.

Ông cho biết rằng ở thời điểm hiện tại ông không chắc bên nào sẽ thắng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, ông nói rằng phía Nga rõ ràng đã đạt được những lợi ích lớn và hiện đang nắm thế chủ động khi giành được quyền kiểm soát TP Avdiivka (tỉnh Donetsk) - vốn là thành trì luôn nằm trên tuyến đầu xung đột Nga-Ukraine.

Trong suốt 2 năm chiến sự Nga-Ukraine, hai bên luôn ở thế giằng co quyết liệt trên chiến trường. Phía Nga thời gian gần đây liên tục công bố con số thương vong lớn của Ukraine trên khắp các chiến tuyến trọng điểm, chẳng hạn như ở các tỉnh Donetsk, Kherson, Zaporizhia, Kharkiv. Tuy nhiên, các con số thương vong này đều chưa được bên nào đứng ra xác minh độc lập.

Phía Ukraine mỗi ngày cũng đều thông báo rằng họ đã ghi nhận hàng loạt cuộc tấn công của Nga ở nhiều mặt trận, có ngày ghi nhận hơn trăm trận oanh tạc, không kích vào nhiều tỉnh ở khu vực miền đông và miền nam đất nước. Ngoài ra, Nga cũng đang cấp tập nã pháo vào mặt trận đông bắc Ukraine, chủ yếu ở các tỉnh Kharkiv, Sumy, Chernihiv.

Theo hãng tin AP, Nga đang tiếp tục đổi chiến thuật sau khi kiểm soát được Avdiivka. Các lực lượng Nga hiện đang thăm dò các điểm yếu của hệ thống phòng thủ Ukraine ở phía đông bắc đất nước. Theo ông Illia Yevlash - phát ngôn viên nhóm tác chiến miền đông Ukraine, quân Nga đang tiến về phía TP Lyman (Donetsk) và Kupiansk (Kharkiv) dù đang chịu tổn thất nặng nề.

Binh sĩ Ukraine vận chuyển súng phóng lựu tự động Mk19 của Mỹ khi tập trận đối phó Nga (không rõ địa điểm và ngày tháng). Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Ukraine vận chuyển súng phóng lựu tự động Mk19 của Mỹ khi tập trận đối phó Nga (không rõ địa điểm và ngày tháng). Ảnh: REUTERS

Ngày 21-2, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ đánh giá rằng Nga đang tổ chức 4 mũi tấn công hiệp đồng nhằm dồn ép các cánh quân Ukraine và giành lợi thế lớn tại vùng đông bắc. Trước đây, Nga thường đánh các mục tiêu riêng lẻ, chẳng hạn như vụ dồn quân đánh các TP Bakhmut và Avdiivka, hay huy động lượng lớn nhân lực tấn công ở các hướng tách biệt, không liên kết với nhau.

Theo viện này, chiến thuật dồn sức tấn công hiệp đồng của Nga cho thấy Nga đang có mục tiêu mở rộng chiến dịch quân sự sang các vùng khác ở Ukraine và triển khai kế hoạch tác chiến quy mô lớn hơn. Đây cũng là nền tảng để các lực lượng Nga tiến sâu hơn vào Donetsk và Kharkiv, giành quyền kiểm soát ở những vùng lãnh thổ còn lại ở các tỉnh này (nơi hiện Ukraine đang cai quản).

Tính tới thời điểm hiện tại, Nga đang kiểm soát nhiều khu vực ở Ukraine. Hồi năm 2022, Nga đã chính thức sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào lãnh thổ Nga, gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia.

Tương lai vẫn rất khó đoán

Giáo sư Angela E. Stent - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown (Mỹ) - nhận định rằng có rất ít triển vọng đàm phán để chấm dứt chiến tranh vào năm 2024, cũng như không bên nào có thể đạt được chiến thắng quyết định trong năm chiến sự thứ 3 này.

Theo bà, Điện Kremlin đã nói rõ rằng họ chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu Ukraine chịu đầu hàng, tức là Kiev sẽ mất vĩnh viễn 4 vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập hồi vào năm 2022, theo tờ Foreign Policy.

Bên cạnh đó, bà nhận định rằng tương lai chiến sự ra sao vẫn còn phụ thuộc vào khả năng duy trì nguồn cung vũ khí của mỗi bên.

Tính đến hiện tại Nga đến nay vẫn cho thấy họ đủ khả năng đảm bảo quân mình có đủ vũ khí chiến đấu.

Trong khi đó, Ukraine lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung vũ khí cũng như hỗ trợ tài chính từ châu Âu và Mỹ. Sự phê duyệt gần đây của Liên minh châu Âu (EU) về khoản hỗ trợ tài chính trị giá 54 tỉ USD sẽ giúp bộ máy chính quyền Ukraine tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, các thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã cam kết sẽ cung cấp thêm một số vũ khí.

Tuy nhiên, theo bà Stent, Mỹ vẫn là đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực viện trợ của phương Tây. Đây là nhà cung cấp vũ khí tiên tiến quan trọng nhất, và những bất ổn chính trị bên trong nước Mỹ có thể đe dọa khả năng tiếp tục chiến đấu của Ukraine.

Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện hỗ trợ 60 tỉ USD cho Ukraine và nếu chính phủ Mỹ không đẩy nhanh cung cấp vũ khí tiên tiến thì triển vọng Ukraine đẩy lùi Nga vào năm 2024 sẽ ngày càng trở nên ảm đạm.

Cũng bàn về vấn đề này, bà Ruth Deyermond - chuyên gia cấp cao tại khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc ĐH King's College London (Anh) chia sẻ với đài RFE rằng: "Việc đưa ra dự đoán luôn nguy hiểm, nhưng thật khó để tưởng tượng chiến tranh sẽ kết thúc vào cuối năm 2024".

"Trong tình hình hiện tại, dường như không bên nào có khả năng gây ra thất bại mang tính quyết định cho bên kia. Để thay đổi điều đó, có lẽ cần có sự thay đổi đáng kể về các yếu tố bên ngoài, quan trọng nhất là mức độ hỗ trợ của phương Tây [cho Ukraine]" - bà Deyermond nhận định.

Theo bà, sự hỗ trợ vật chất nhiều hơn của phương Tây sẽ giúp Ukraine đạt được tiến bộ trong việc giành lại lãnh thổ, trong khi “việc cắt giảm viện trợ của phương Tây có thể buộc Ukraine phải đồng ý đàm phán hòa bình theo các điều kiện của Nga”.

Trong khi đó, bà Olga Oliker - Giám đốc chương trình khu vực châu Âu và Trung Á của tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group (Bỉ) - đưa ra quan điểm rõ ràng hơn. Bà này nói rằng nếu Ukraine cạn kiệt nhân sự chiến đấu và vũ khí, thì chiến tranh sẽ chấm dứt vào năm tới.

“Luôn luôn xảy ra trường hợp bên này hay bên kia đầu hàng thì chiến tranh sẽ kết thúc. Và nếu bạn hết vũ khí và binh sĩ, bạn không có nhiều lựa chọn" - theo bà Oliker.

Nguồn: [Link nguồn]

Bầu không khí ở văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là “khá ảm đạm” xen lẫn với “sự thất vọng”, tờ Politico của Mỹ dẫn nguồn tin hôm 23/2 cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN