2 lần Nga muốn gia nhập NATO, vì sao bất thành?

Việc không chấp nhận để Nga gia nhập là một sai lầm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dẫn đến tình trạng Đông - Tây đối đầu gay gắt như hiện nay, theo một số chuyên gia.

Ngày 4.4.1949, 12 nước ký kết hiệp ước thành lập liên minh quân sự lớn nhất thế giới NATO (ảnh: Reuters)

Ngày 4.4.1949, 12 nước ký kết hiệp ước thành lập liên minh quân sự lớn nhất thế giới NATO (ảnh: Reuters)

Ngày 5.3.1946, Thủ tướng Anh Winston Churchill có bài phát biểu quan trọng với nội dung là phương Tây cần xây dựng một “bức tường sắt” để cô lập Liên Xô. Bài phát biểu của Churchill được cho là mở ra cuộc Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây với Liên Xô và dẫn đến việc thành lập NATO.

Ngày 4.4.1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập với mục đích chính là đối phó Liên Xô. Ít người biết rằng, Moscow từng ngỏ ý gia nhập NATO tới 4 lần, 2 lần ở thời Liên Xô và 2 lần sau khi Liên Xô tan rã.

“Phải ngăn chặn Liên Xô”, Lord Hastings Lionel – Tổng thư ký đầu tiên của NATO – phát biểu năm 1949.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đã khiến mục đích thành lập ban đầu của NATO trở nên kém rõ ràng hơn. Năm 1991, Tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố muốn gia nhập NATO để chấm dứt tình trạng đối đầu Đông – Tây. Ông Yeltsin đã gửi một bức thư tới trụ sở NATO tại Bỉ với mong muốn Nga sẽ trở thành thành viên của khối quân sự này, theo New York Times.

“Điều này sẽ góp phần tạo ra bầu không khí hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, tăng cường sự ổn định và hợp tác của châu Âu. Chúng tôi coi mối quan hệ này là rất nghiêm túc và mong muốn phát triển sự hợp tác trên mọi khía cạnh, cả về chính trị và quân sự. Hôm nay, chúng tôi đặt câu hỏi về tư cách thành viên của Nga trong NATO như một mục tiêu chính trị lâu dài”, ông Yeltsin viết trong thư.

Tổng thống Nga Boris Yeltsin và người đồng cấp Mỹ Bill Clinton trong một cuộc gặp thân thiện (ảnh: AP)

Tổng thống Nga Boris Yeltsin và người đồng cấp Mỹ Bill Clinton trong một cuộc gặp thân thiện (ảnh: AP)

Tuy nhiên, NATO sau đó khước từ đề nghị của ông Yeltsin với lý do Moscow chưa phù hợp” để gia nhập. Theo NATO, Nga nên gia nhập Chương trình Đối tác Hòa bình của khối.

Năm 1994, Nga ký Hiệp định Đối tác vì Hòa bình NATO. Theo đó, Nga và NATO cam kết xây dựng lòng tin. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó thậm chí còn mô tả việc Nga ký hiệp định như “con đường dẫn tới chiếc ghế thành viên chính thức của NATO”.

Theo TIME, ngày 27.5.1997, NATO và Nga ký thỏa thuận hợp tác An ninh NATO - Nga với tuyên bố cùng kiến tạo hòa bình ở châu Âu – Đại Tây Dương. Lúc này, quan hệ NATO – Nga đã bắt đầu căng thẳng sau khi Moscow không đạt được mục tiêu trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất. Nga cáo buộc phương Tây bí mật hỗ trợ quân sự cho Chechnya.

Tháng 7.1997, NATO tuyên bố mời một số nước từng thuộc Liên Xô như Ba Lan, Hungary gia nhập. Điều này cho thấy NATO muốn mở rộng về phía đông và khiến Nga không thể yên tâm.

Năm 1999, NATO mở chiến dịch không kích Serbia nhằm hỗ trợ Kosovo ly khai. Nga đã kịch liệt phản đối hành động này. Cuộc không kích đã đẩy quan hệ Nga – NATO xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11.9.2001 lại mở ra cơ hội hợp tác, cùng chống khủng bố giữa Mỹ (quốc gia dẫn đầu NATO) và Nga.

Tổng thống Nga Putin phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO (ảnh: TIME)

Tổng thống Nga Putin phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO (ảnh: TIME)

Năm 2002, sau khi ông Putin nhậm chức Tổng thống, Nga một lần nữa ngỏ ý muốn gia nhập NATO.

Ngày 29.5.2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush có cuộc gặp với ông Putin ở Italia nhằm ký kết hiệp định thành lập Hội đồng NATO – Nga. Hội đồng được tất cả thành viên NATO tán thành và giúp Nga có tiếng nói trong khối.

“Đây là thỏa thuận mang tính thời đại và sẽ chôn vùi Chiến tranh Lạnh mãi mãi”, tờ The Guardian bình luận về quyết định thành lập Hội đồng NATO – Nga.

Moscow Times đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, Tổng thống Nga Putin tiết lộ, ông từng thảo luận ý tưởng Nga gia nhập NATO với Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000 và nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, NATO vẫn luôn coi Nga là mối đe dọa và không chấp nhận trao tư cách thành viên cho Moscow.

“Tại một trong những cuộc gặp gần đây nhất với Tổng thống Bill Clinton khi ông ấy đến thăm Moscow, tôi đã đề nghị xem xét phương án Nga gia nhập NATO. Ông Clinton trả lời rằng ông ấy không phản đối, nhưng tất cả những người còn lại trong phái đoàn Mỹ đều tỏ ra không vui”, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn ngày 3.6.2017.

Tờ Sputnik cũng đưa tin chi tiết về cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ. Theo đó, khi ông Putin đề nghị để Nga gia nhập NATO, ông Clinton trả lời rằng: “Tại sao không?”.

Quan hệ Nga – NATO “chạm đáy” do xung đột ở Ukraine (ảnh: CNN)

Quan hệ Nga – NATO “chạm đáy” do xung đột ở Ukraine (ảnh: CNN)

Hợp tác Nga – NATO những năm sau đó trở nên căng thẳng khi khối quân sự do Mỹ dẫn đầu không từ bỏ ý định mở rộng về hướng đông và trung Âu, theo New York Times.

Ngày 29.3.2004, NATO kết nạp 3 nước từng thuộc Liên Xô bao gồm Estonia, Latvia và Litva. 4 nước từng tham gia Khối hiệp ước quân sự Warsaw do Liên Xô dẫn đầu là Bulgaria, Slovakia, Slovenia và Romania cũng gia nhập NATO.

Tháng 8.2008, với lý do bảo vệ 2 tỉnh ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, quân đội Nga tiến quân vào Gruzia. Việc đánh bại lực lượng Gruzia ở Nam Ossetia chỉ trong vài ngày (8.8 – 12.8) được cho là lời cảnh báo của Nga với NATO. Trước đó, NATO đã tuyên bố có thể kết nạp Gruzia. Sau chiến dịch của Nga ở Gruzia, Hội đồng NATO – Nga bị đình chỉ, theo Reuters.

Ngày 22.9.2010, Hội đồng NATO – Nga được tổ chức cuộc họp ở New York (Mỹ) nhằm “hâm nóng” lại quan hệ giữa các bên sau cuộc chiến ở Gruzia. Trước thềm cuộc họp, Ivo Daalder – đại sứ Mỹ tại NATO – đã “úp mở” về việc Nga có thể gia nhập NATO trong tương lai gần. Viện dẫn điều 10 của hiệp ước NATO, ông Daalder cho rằng, tư cách thành viên NATO dành cho bất kỳ quốc gia châu Âu nào.

Ông Daalder nhấn mạnh, Nga có thể gia nhập NATO nếu “đáp ứng các yêu cầu”. Tuy nhiên, giới quan sát khi đó cho rằng, Mỹ sẽ không chấp nhập để Nga trở thành thành viên NATO bởi với tiềm lực quân sự của Moscow, vị thế của Washinton trong khối có thể bị lung lay.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon hồi tháng 11.2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố đồng ý bắt đầu "giai đoạn hợp tác mới hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược" với NATO.

Kết thúc hội nghị, Anders Fogh Rasmussen – Tổng thư ký NATO – cho rằng, Nga đã có bước tiến lịch sử khi bắt đầu hợp tác với NATO về vấn đề phòng thủ tên lửa.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, NATO và Nga sẽ hợp tác để tự vệ”, ông Rasmussen phát biểu và nhấn mạnh NATO và Moscow đã nhất trí bằng văn bản rằng sẽ không còn là mối đe dọa của nhau.

Ảnh minh họa “gấu” Nga từ chối chiếc áo thành viên của NATO (ảnh: MT)

Ảnh minh họa “gấu” Nga từ chối chiếc áo thành viên của NATO (ảnh: MT)

Ngày 6.6.2011, NATO và Nga tổ chức cuộc tập trận máy bay chiến đấu chung đầu tiên gọi là "Vigilant Skies 2011".

Quan hệ giữa Nga – NATO phát triển tương đối thuận lợi cho đến năm 2014 – khi Ukraine xảy ra khủng hoảng chính trị dẫn đến chính quyền của Tổng thống Yanukovych bị lật đổ. Nga cáo buộc NATO hậu thuẫn phe đảo chính, trong khi phương Tây chỉ trích Moscow vì sáp nhập bán đảo Crimea.

“Lịch sử có thể đã rất khác. Việc không cho phép Nga gia nhập là một trong những sai lần tồi tệ nhất của NATO. Điều này tự động đẩy Nga và phương Tây vào một lộ trình đối đầu”, Sergei Karaganov – cựu cố vấn Điện Kremlin – nói với tạp chí TIME.

Theo TIME, sau chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga sẽ không bao giờ ngỏ ý gia nhập NATO một lần nữa.

Liên Xô từng 2 lần nỗ lực gia nhập NATO

Tháng 2.1954, Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov tuyên bố ý định gia nhập NATO của Moscow.

“Câu trả lời tích cực sẽ giải tỏa căng thẳng quốc tế còn sự cự tuyệt sẽ giúp Liên Xô nhận thức được thái độ thực sự của NATO”, ông Molotov nói.

Ngày 31.3.1954, Liên Xô gửi công hàm đến chính phủ các nước Mỹ, Anh và Pháp, đề nghị xem xét gia nhập NATO. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev cho rằng, nếu từ chối đề nghị, giới lãnh đạo phương Tây sẽ tự vạch trần và công khai việc NATO được xây dựng thực chất chỉ nhằm chống lại Liên Xô.

Ngày 7.5.1954, Mỹ, Anh và Pháp bác bỏ đề nghị với lý do việc kết nạp Liên Xô "không phù hợp với tôn chỉ" của NATO.

Năm 1983, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov đề cập đến khả năng Liên Xô gia nhập NATO với lý do quan hệ giữa Moscow - Bắc Kinh đang xấu đi. Tuy nhiên, nỗ lực này không thành công do vụ máy bay chở khách Hàn Quốc xâm phạm không phận Liên Xô bị tiêm kích Su-15 bắn hạ. NATO đổ lỗi cho Liên Xô về tai nạn này và tổ chức cuộc tập trận “Able Archer 83” để răn đe.

Cuộc tập quy mô lớn của NATO khiến Liên Xô đặt lực lượng tấn công hạt nhân vào vị trí báo động và có nguy cơ thổi bùng một cuộc xung đột. Căng thẳng chỉ dịu đi khi Mỹ kêu gọi NATO giảm quy mô tập trận.

Điều gì có thể xảy ra với Đức nếu Nga ”cắt” nguồn cung khí đốt?

Hôm 30.3, Đức đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt. Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, dù là với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN