2 lần bị hoàng đế TQ Khang Hy điều binh đánh pháo đài, người Nga gan góc chống trả ra sao?

Thất bại trong lần đầu tiên bị quân Thanh vây hãm, người Nga trở lại pháo đài Albazin cùng một chuyên gia quân sự Phổ, người khiến tướng lĩnh của Khang Hy phải "toát mồ hôi" ở lần vây hãm thứ hai.

Quân Thanh trong cuộc chiến với người Nga. Ảnh: Sohu

Quân Thanh trong cuộc chiến với người Nga. Ảnh: Sohu

Vài năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thường xuyên được mô tả là đạt được tầm cao chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, trong quá khứ, 2 quốc gia láng giềng này không ít lần đụng độ nhau. Loạt bài này sẽ điểm lại một vài lần đụng độ như vậy! 

Theo trang Weapons and Warfare, khu định cư Albazin của Nga nằm ở bên bờ sông Amur, trong vùng đất mà người Mãn Châu (nhà Thanh) coi là thuộc chủ quyền của họ. 

Các bức tường chắn bảo vệ Albazin được làm bằng gỗ. Đó là lý do vì sao vào năm 1672, khi Nga chính thức hợp nhất Albazin, khu định cư này được phân loại là một pháo đài. 

Sau đó, Albazin phát triển nhanh chóng. Trong khi các khu vực khác của vùng viễn đông Nga đóng băng tới mức không thể sản xuất, đất đai ở Albazin lại vô cùng màu mỡ. Các tòa nhà, trang trại bắt đầu mọc lên, trải khắp thung lũng của Albazin. Các tộc người ở Albazin cũng bắt đầu cống nạp lông thú cho Sa hoàng. 

Tuy nhiên, hoàng đế Khang Hy trẻ tuổi (1661 - 1722) của nhà Thanh khi đó cho rằng, các cống vật bằng lông thú này đáng ra phải thuộc về Trung Quốc. 

Đó là lý do Khang Hy quyết tâm đối đầu với một nước Nga ngày càng hùng mạnh. Năm 1682, sau khi dẹp loạn Tam phiên (1673 - 1681) do Ngô Tam Quế khởi xướng, Khang Hy bắt đầu lên kế hoạch kỹ lưỡng, cử người do thám để vạch ra các tuyến đường, thu thập thông tin, đánh giá sức mạnh của người Nga và nghiên cứu các công sự của pháo đài Albazin. 

Các thông tin do thám cho thấy, người Nga không dễ bị khuất phục. Các bức tường bảo vệ của Albazin dù bằng gỗ nhưng rất chắc chắn. "Nếu không có hồng di pháo - một dạng đại bác cỡ nhỏ - thì không thể chiếm được pháo đài", quân do thám của Khang Hy kết luận.

Cuộc vây hãm lần 1: Chỉ chịu đầu hàng vì lý do đặc biệt?

Albazin cách Bắc Kinh khoảng 1.000 dặm (khoảng 1.600 km) theo đường chim bay, việc điều động binh mã và hồng di pháo đến đây là rất khó khăn vì đường dài quanh co và qua nhiều vùng đất hiểm trở. Tuy nhiên, quân do thám của Khang Hy vẫn lạc quan: “Chúng ta có thể kéo pháo qua sông vào mùa đông khi nước đóng băng. Vào mùa hè, chúng ta sẽ dùng thuyền chở pháo”.

Khang Hy đã lên kế hoạch chi tiết để chuẩn bị tiến đánh pháo đài Albazin, gồm xác định kích cỡ thuyền vận tải, chuẩn bị xây dựng kho lương cũng như bố trí người đưa tin.

Vị hoàng đế trẻ nhà Thanh nghiên cứu kỹ các tin mật báo và đề xuất của tướng lĩnh, sau đó gửi lại kèm ghi chú những phần chưa ổn để chỉnh sửa. Quá trình chuẩn bị được tính theo năm. 

Tháng 6/1685, Khang Hy điều 3.000 quân tới vây hãm pháo đài Albazin. Trước khi đi, hoàng đế nhà Thanh lệnh cho tướng sĩ tránh đổ máu nhất có thể: "Chúng ta cai trị theo nguyên tắc nhân từ và không bao giờ khát máu. Binh lính của chúng ta giỏi chiến đấu, lại được trang bị vũ khí tân tiến nên về lâu dài, người Nga sẽ không thể chống chọi. Họ sẽ phải trả lại phần lãnh thổ thuộc về chúng ta".

Langtan, một vị tướng Mãn Châu được Khang Hy giao trọng trách thống lĩnh 3.000 quân tham gia cuộc vây hãm năm 1685, cũng nhắc nhở các tướng sĩ: "Dù người Nga đầu hàng ngay lập tức hay không, các ngươi không được phép thảm sát họ. Hãy kêu gọi họ đầu hàng và tha cho họ đường lui".

Hoàng đế Khang Hy điều 3.000 quân, mang theo nhiều hồng di pháo tới đánh chiếm pháo đài Albazin. Ảnh minh họa: Weapons and Warfare

Hoàng đế Khang Hy điều 3.000 quân, mang theo nhiều hồng di pháo tới đánh chiếm pháo đài Albazin. Ảnh minh họa: Weapons and Warfare

Langtan tuân theo mệnh lệnh của Khang Hy. Tới Albazin, vị tướng này vài lần cử sứ giả tới kêu gọi người Nga ở trong pháo đài đầu hàng. 

Một số tài liệu của Nga cho thấy, quân Nga ở Albazin chỉ có 3 khẩu đại bác, 3 trăm súng hỏa mai và rất ít thuốc súng. Hơn nữa, thời điểm đó không còn là thời Phục hưng. Các bức tường gỗ của Albazin có thể rất chắc chắn và hữu dụng chống lại mũi tên hay súng hỏa mai nhưng không thể chịu được sức công phá của đại bác nhà Thanh. 

Dù bất lợi, người Nga vẫn không chịu đầu hàng. Một quan chức nhà Thanh khi đó viết: "Người Nga vẫn ẩn náu và tin vào sự kiên cố của pháo đài Albazin. Họ không chịu khuất phục". 

Tướng Langtan muốn đánh nhanh thắng nhanh vì quân Thanh có lợi thế vượt trội cả về quân số và vũ khí. Một nhánh quân Thanh được lệnh tiến về phía nam pháo đài Albazin, dựng chướng ngại vật, chuẩn bị vị trí cho cung thủ… Tất cả được dựng lên chỉ nhằm đánh lạc hướng chú ý của quân Nga. Một nhánh quân Thanh khác bí mật kéo hồng di pháo tới phía bắc pháo đài. Các khẩu đại bác cỡ lớn với sức công phá mạnh hơn được bố trí ở cả trước và sau pháo đài, để thực hiện thế tấn công gọng kìm. Các thuyền pháo cũng được bố trí ở con sông gần Albazin. 

Các tài liệu châu Âu ghi lại rằng, quân Thanh có khoảng 100-150 khẩu hồng di pháo và khoảng 40-50 đại bác cỡ lớn. Đó là chưa kể một nhóm dùng súng hỏa mai lên tới cả trăm người. 

Với hỏa lực áp đảo, trong vài ngày đầu, quân Thanh hạ hơn 100 lính Nga trong pháo đài Albazin. Các bức tường gỗ phòng vệ của pháo đài cũng thiệt hại nặng nề. 

Các tài liệu từ Trung Quốc cho biết, sức mạnh hỏa lực không khiến người Nga chịu đầu hàng nhanh chóng nên quân Thanh đã thay đổi kế hoạch. Theo đó, Langtan cho người lén châm lửa đốt các bức tường gỗ, nhằm gây hoang mang cho quân Nga ở Albazin.

Sau đó, chỉ huy Nga ở Albazin buộc phải cử sứ giả đến cầu hòa. Tuy nhiên, chỉ huy Nga nói rằng ông chấp nhận đầu hàng vì người dân trong pháo đài khẩn thiết cầu xin chứ không vì sức ép từ các bức tường cháy. 

Quân Thanh sau đó đốt phá bên trong pháo đài Albazin và các ngôi làng, tu viện gần đó, nhưng không giết người hay cướp bóc mùa màng. Sau khi quân Thanh rời đi, người Nga quay trở lại pháo đài, thu hoạch mùa màng và quyết tâm xây dựng công sự kiên cố hơn để chống lại các cuộc vây hãm trong tương lai.

Cuộc vây hãm lần 2: Quân Thanh gặp khó vì chuyên gia quân sự phía Nga

Lần này, chỉ huy Nga tập trung xây dựng các bức tường vững chắc hơn. Chịu trách nhiệm xây dựng công sự là một chuyên gia quân sự người Phổ Afanasii Ivanovich Beiton - người bị Nga bắt làm tù binh năm 1667 và bị đưa đến vùng Siberia trước khi chấp nhận quy thuận. Một số sử gia cho rằng, Beiton là một "kỹ sư quân sự được đào tạo và giàu kinh nghiệm". 

Xây dựng các bức tường bảo vệ không phải việc dễ dàng, nhất là khi quân Thanh đã lấy đi toàn bộ công cụ xây dựng. Theo các tư liệu châu Âu, sau nhiều nỗ lực, những bức tường bảo vệ cuối cùng cũng được dựng lên với chiều cao 5,5 mét và độ dày 7,5 mét. Các sách sử Trung Quốc ghi nhận số liệu thấp hơn nhưng thừa nhận các bức tường chắc chắn hơn trước rất nhiều. 

Đặc biệt, một trong những cấp dưới của Beiton đã học được cách làm tường nhờ trộn rễ cây với đất sét. Cách làm mới tạo ra những bức tường cứng như đá và rất khó công phá. Một đội do thám của quân Thanh cũng xác nhận, các bức tường rất dày và có trộn lẫn cây với đất, bên ngoài bọc bằng đất sét.  

Ảnh mô phỏng thực địa. Phần trên là các công sự của người Nga ở Albazin. Phần dưới là pháo đài của nhà Thanh. Ảnh: Weapons and Warfare

Ảnh mô phỏng thực địa. Phần trên là các công sự của người Nga ở Albazin. Phần dưới là pháo đài của nhà Thanh. Ảnh: Weapons and Warfare

Hệ thống phòng thủ của Albazin lần này được nhận định là đủ mạnh để chống lại sự vây hãm lâu dài. Tháng 7/1686, khi biết tin người Nga trở lại Albazin, nhà Thanh một lần nữa đem quân tới đánh chiếm. Tướng Langtan dẫn theo 3.000 quân cùng hàng chục thuyền chở đầy nhu yếu phẩm và vũ khí, trong đó có 30-40 khẩu đại bác, phục vụ cho trận vây hãm lần hai. Ngoài ra, quân Thanh còn mang theo 6 thuyền chỉ chở thuốc súng và đạn dược. Trái ngược, quân Nga ở Albazin chỉ có khoảng 800 người và 11 khẩu đại bác cỡ lớn, bom cùng lựu đạn cỡ nhỏ. 

Tướng Langtan tuyên bố với người Nga rằng, sự kiên nhẫn của nhà Thanh có hạn. Nếu sớm đầu hàng, người Nga sẽ được đối xử tử tế. Ngược lại, họ sẽ bị trừng phạt, thậm chí là mất mạng. 

Một lần nữa, người Nga chọn đối đầu. Họ quyết tâm "giữ pháo đài cho tới khi cạn kiệt lương thực, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng”. 

Trận chiến chính thức bắt đầu ngày 18/7/1686. Các tư liệu Trung Quốc và châu Âu đều thống nhất một điểm: Nhà Thanh nhiều lần cố xuyên phá các bức tường bảo vệ Albazin nhưng thất bại. Tuy số lượng người và vũ khí đều thua thiệt nhưng quân Nga ở Albazin vẫn làm khó quân Thanh. 

Các tư liệu từ cả hai phía cũng thống nhất rằng, những tuần đầu tiên của cuộc vây hãm, quân Thanh tấn công kịch liệt nhiều đợt, kết hợp nhiều đòn đánh khác nhau, nhưng bị đẩy lui. 

Ví dụ, sử sách nhà Thanh ghi rằng, ngày 23/7/1686, tướng Langtan ra lệnh tấn công Albazin theo 2 hướng vào ban đêm. Từ hướng bắc, Langtan giám sát các cuộc bắn phá bằng hồng di pháo, nhưng đây chỉ là đòn nghi binh. Cánh quân chủ đạo do tướng lĩnh của Langtan dẫn đầu tấn công từ hướng nam, tập trung phá các bức tường bảo vệ nhưng thất bại. 

Các tài liệu của Nga ghi rằng: "Quân Thanh liên tục nã đạn vào Albazin từ một hướng rồi bất ngờ tiến đánh từ hướng khác. Khói bụi mù mịt che lấp mọi thứ. Quân Thanh không thể làm gì khác, đành phải rút lui theo từng nhóm nhỏ".

Căn cứ vào các tư liệu ở Nga, nhà sử học nổi tiếng người Đức G. F. Müller (1705–1783) viết rằng: "Người Trung Quốc định đánh nhanh như vũ bão nhưng lại chịu tổn thất lớn và bị đẩy lui".

Sau đó, người Nga đáp trả bằng các cuộc phản công quyết liệt. Nhiều quân lính nhà Thanh bị bắt làm tù binh. "Trong những cuộc phản công, quân Nga thiệt hại không nặng nề như quân Thanh. Ví dụ, một cuộc phản công của quân Nga khi đó giết chết 150 quân lính nhà Thanh, trong khi phía Nga tuyên bố mất 21 người. 

Không thể đánh nhanh, diệt gọn, quân Thanh liên tục thay đổi chiến thuật nhưng lần nào cũng gặp khó khăn. Một lần, quân của Langtan chuyển từ tấn công ban ngày sang bắn phá Albazin suốt đêm. "Tuy nhiên, các bức tường vẫn trụ vững", sử sách nhà Thanh ghi lại. 

Ngày 27/7/1686, tướng Langtan phát động cuộc tấn công ban đêm nhằm chiếm tuyến phòng thủ phía nam của Albazin. Cuộc tấn công vẫn thất bại như những lần trước. 

Sau lần đó, Langtan áp dụng kế sách khác. Vị tướng nhà Thanh cho xây công sự gần bờ sông chảy ngang qua Albazin để áp sát các bức tường. Tuy nhiên, người Nga bắn phá quyết liệt để ngăn cản. Quân Thanh cố gắng xây dựng xong công sự trong đêm rồi rời đi trước khi trời sáng. Mục đích là để dụ người Nga ra. Một số lượng nhất định quân Thanh mai phục sẵn trong các công sự. 

Kế hoạch của Langtan phần nào có hiệu quả. Lợi dụng màn sương, quân Nga định tới phá hủy công sự nhưng không ngờ trúng kế mai phục của quân Thanh. Sau cuộc giao tranh, người Nga rút lui về Albazin. Hai ngày sau, họ lại ra tập kích.

Những lần như vậy, sử sách nhà Thanh ghi rằng người Trung Quốc đều giành chiến thắng vì người Nga lần nào cũng bị đẩy lui và buộc phải rút về Albazin. 

Nhưng các tài liệu châu Âu lại ghi khác. Theo đó, mục đích các cuộc tập kích của quân Nga là để phá hủy công sự của quân Thanh chứ không phải để giữ các vị trí bên ngoài tường bảo vệ. Nếu xét theo khía cạnh này, quân Nga ở Albazin đã thành công.

"Bằng việc sử dụng đại bác và tập kích, người Nga ở Albazin đã phá hủy phần lớn công sự của quân Thanh. Nhà Thanh xây công sự với 2 lớp lá chắn. Lớp đầu tiên bị bắn cháy, còn lớp thứ hai cũng bị bom mìn loại nhỏ phá tan", các tư liệu châu Âu ghi lại. 

Mỗi lần nhà Thanh xây dựng công sự, người Nga lại tới phá bằng đại bác hoặc tập kích. Điều này buộc quân Thanh phải chuyển tới vị trí mới. Sau nhiều nỗ lực, tướng lĩnh nhà Thanh mới thiết lập được các công sự. 

Đầu tháng 8/1686, tướng Langtan trực tiếp cầm quân tiến đánh Albazin. Quân Thanh đào một hào dài và thiết lập các công sự gần Albazin. Nhưng các công sự và con hào này không dùng để đánh chiếm Albazin, mà là để chặn tuyến đường thủy của người Nga ở con sông gần Albazin.

Từ đánh nhanh thắng nhanh, Langtan chuyển sang bao vây để người Nga ở Albazin cạn kiệt lương thực, đạn dược. 

Hệ thống hào và công sự của nhà Thanh ngày càng mở rộng. Tài liệu của Nga có ghi: "Người Trung Quốc đã củng cố và xây dựng các công sự, với 3 khẩu đại bác và 15 khẩu súng nhỏ ở mỗi công sự. Họ cũng đào hào và các nơi trú ẩn khác". 

Các cuộc tấn công sau đó của nhà Thanh diễn ra với quy mô lớn. Tới cuối tháng 8, tướng lĩnh của Langtan đã phong tỏa toàn diện Albazin. 

Tới đầu tháng 10, nước sông bị đóng băng vì nhiệt độ hạ thấp. Có thể đi lại trên mặt sông đóng băng nhưng người Nga ở Albazin không thể ra ngoài vì quân Thanh đã xây một pháo đài ở bờ đối diện. Ba mặt còn lại của Albazin, quân Thanh cũng đào hào và bố trí công sự vây hãm. Người Nga ở Moscow đã cử một số lính ngự lâm tinh nhuệ tới giải vây cho Albazin nhưng thất bại. Quân Thanh đã kiểm soát toàn bộ khu vực. 

Người Nga ở Albazin bắt đầu chết dần. Khi cuộc vây hãm của nhà Thanh bắt đầu vào tháng 7/1686, có hơn 800 đàn ông và một số lượng phụ nữ cùng trẻ em chưa xác định ở Albazin. Nhưng tới tháng 11, số đàn ông ở Albazin chỉ còn hơn 100 người. Những người trong pháo đài có đủ ngũ cốc nhưng thứ họ thiếu là thực phẩm tươi sống. Nhiều người trong pháo đài chết vì thiếu chất và bệnh tật. Quân Thanh cũng có tổn thất nhưng ít hơn. 

Dù thiệt hại nặng hơn, nhưng người Nga ở Albazin bằng một cách nào đó vẫn kiên trì bám trụ, chưa chịu khuất phục. Nicolaas Witsen, một người Hà Lan chuyên lập các bản đồ thời đó, cho hay: "Chỉ với 12 người khỏe mạnh, Beiton - người chịu trách nhiệm xây dựng công sự cho pháo đài Albazin – vẫn có thể lừa được quân Thanh. Beiton lệnh cho những người này liên tục bắn bắn phá về phía đối phương để quân Thanh nghĩ rằng trong pháo đài vẫn còn rất nhiều người".

Thực tế, người Nga chấp nhận thất bại ở lần vây hãm thứ 2 này do mệnh lệnh từ Moscow, theo Tonio Andrade, tác giả cuốn "The Gunpowder Age: China, Military Innovation, and the Rise of the West in World History" - tạm dịch: Thời đại thuốc súng: Trung Quốc, cải cách quân sự và sự trỗi dậy của phương Tây trong lịch sử thế giới". 

Tháng 10/1686, một đoàn sứ thần Nga đã tới Bắc Kinh để bày tỏ thiện chí và nói rằng Moscow muốn kết thúc mọi việc trong hòa bình. Hoàng đế Khang Hy đã cử một sứ giả đến Albazin vào tháng 12/1686 – ngay trước khi Langtan thực hiện một trận đánh lớn. 

Sứ giả đem theo chỉ dụ của Khang Hy tới trại của Langtan. Nội dung chính của chỉ dụ là quân Thanh sẽ chấm dứt bao vây Albazin. Thậm chí, để thể hiện thiện chí, Khang Hy còn lệnh cho tướng lĩnh cung cấp thực phẩm và thuốc men cho người Nga ở Albazin. 

Các sách sử hai bên cũng ghi nhận khác nhau về việc này. Theo các tài liệu châu Âu, người Nga đã từ chối nhận lương thực từ quân Thanh. Trong khi đó, các tư liệu Trung Quốc cho biết, chính Beiton yêu cầu nhà Thanh hỗ trợ lương thực, thuốc men. 

Albazin sau đó được Nga nhượng cho nhà Thanh trong Hiệp ước Nerchinsk năm 1689. Đổi lại, Nga nhận được đặc quyền thương mại ở Bắc Kinh và quyền giữ thành phố Nerchinsk, nơi từng là điểm giao thương quan trọng giữa Nga và Trung Quốc. Theo Witsen, Albazin không chính thức đầu hàng, nên nói đúng ra, cuộc vây hãm Albazin không được xem là một thắng lợi với người Trung Quốc.

-----------------------

Năm 1900, Trung Quốc bị các cường quốc phương Tây xâu xé. Quân đội Nga là những người đầu tiên tấn công và treo cờ chiến thắng trên tường thành ở Bắc Kinh. Bằng cách nào quân Nga có thể làm được điều đó trước sự cạnh tranh của nhiều cường quốc khác? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về chuyện này trong bài tiếp theo, đăng trên mục Thế giới, sáng 12.12.2021.

Quân Nga từng ”thần tốc” tiến vào thủ đô Trung Quốc, đánh Tử Cấm Thành ra sao?

Các cường quốc cùng tấn công vào Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc năm 1900, nhưng quân đội Nga là những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN