2 hoàng đế tuổi Mão đánh đông dẹp bắc, khuynh đảo lịch sử Trung Quốc
Người xưa có câu “nhát như thỏ”, nhưng 2 hoàng đế Trung Quốc tuổi Mão này (Trung Quốc coi thỏ là biểu tượng của năm Mão trong khi Việt Nam chọn con mèo) lại chứng tỏ điều ngược lại.
Người Việt quan niệm con giáp Mão là mèo, trong khi người Trung Quốc cho là thỏ (ảnh: Chinadaily)
Từ khi Tần Thủy Hoàng xưng là hoàng đế (221 TCN) đến khi Phổ Nghi – vua cuối cùng của nhà Thanh – thoái vị (1912), lịch sử Trung Quốc ghi nhận chính thức 494 hoàng đế. Trong đó có 73 người chưa từng cai trị, chỉ được truy phong là hoàng đế sau khi chết.
Theo Sohu, trong gần 500 hoàng đế Trung Quốc, có 35 người tuổi Mão. Nổi tiếng nhất là Lưu Tú (vua nhà Hán) và Càn Long (vua nhà Thanh).
Lưu Tú là điển hình của mẫu hoàng đế biết nhịn nhục để gây dựng cơ đồ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
1. Lưu Tú
Theo Hán sử, Lưu Tú sinh năm 5 TCN (năm Mão), cầm tinh con thỏ, tại Nam Dương (thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay). Ông là cháu đời thứ 9 của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Năm 8 SCN, Vương Mãng, một quyền thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, phế truất vua Hán là Nhũ Tử Anh, tự xưng hoàng đế và lập ra nhà Tân. Hành động này của Vương Mãng khiến dòng dõi hoàng thất nhà Hán căm ghét, trong đó có anh em Lưu Diễn, Lưu Tú.
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Nam Dương, trong khi người anh là Lưu Diễn thích sống phóng khoáng, thường xuyên giao kết bạn bè giống với Lưu Bang (người sáng lập ra nhà Tây Hán) thì Lưu Tú lại thể hiện khác hẳn. Ông luôn tỏ ra khiêm tốn, chăm chỉ học hành và thường bị anh trai chê là người có tầm nhìn hạn hẹp.
Trong khi triều đình của Vương Mãng ngày càng mất lòng dân, từ năm 15, những cuộc khởi nghĩa chống nhà Tân, đòi khôi phục nhà Hán nổi lên khắp nơi. Nổi bật nhất là khởi nghĩa ở vùng núi Lục Lâm (nay là núi Đại Hồng, Hồ Bắc) do Vương Khuông, Vương Phượng lãnh đạo và khởi nghĩa Xích Mi của Phàn Sùng ở Sơn Đông.
Tháng 9/22, anh em Lưu Diễn, Lưu Tú bán hết gia sản trong nhà, tự chiêu mộ hàng nghìn quân và gia nhập cuộc khởi nghĩa Lục Lâm.
Quân khởi nghĩa Lục Lâm vốn chủ trương chọn một người thuộc dòng dõi nhà Hán lên làm vua để “danh chính ngôn thuận” đánh Vương Mãng. Lưu Diễn rất muốn giành được vị trí này, nhưng người được Vương Khuông và Vương Phượng chọn lại là Lưu Huyền. Lý do là Lưu Huyền không có vây cánh mạnh, dễ bị Vương Khuông, Vương Phượng khống chế. Năm 23, Lưu Huyền tự xưng là Hán Canh Thủy Đế và ghi thù với Lưu Diễn, theo Sohu.
Tháng 5/23, Vương Mãng nghe tin phe Lục Lâm liên tiếp thắng trận, liền phái 2 tướng là Vương Ấp, Vương Tầm dẫn 42 vạn quân đi đánh thành Côn Dương – căn cứ quan trọng của quân Lục Lâm.
Lúc này, quân Lục Lâm do Vương Phượng, Lưu Tú cố thủ trong Côn Dương chỉ có khoảng 8.000 người. Cánh quân lớn do Vương Khuông, Lưu Diễn chỉ huy đã đi đánh ở nơi khác, chưa kịp quay về cứu viện.
Trong khi Vương Phượng đòi bỏ Côn Dương, phá vòng vây tháo chạy, Lưu Tú lại muốn cố thủ đến cùng để chờ cứu viện. Lưu Tú cho rằng quân Tân quá đông, dù có liều mạng đánh ra cũng sẽ bị giết sạch. Các tướng cảm phục sự dũng cảm của Lưu Tú và nghe lời ông.
Trận Côn Dương cho thấy tài cầm quân của Lưu Tú (ảnh: Epochtimes)
Lưu Tú sau đó dẫn một toán quân nhỏ trốn khỏi Côn Dương vào lúc đêm tối, tìm đến các huyện xung quanh gọi viện binh. Quân Tân đánh Côn Dương dữ dội, quân Lục Lâm trong thành phải liều chết chống giữ.
Tháng 6/23, Lưu Tú dẫn quân cứu viện về đến Côn Dương, tập kích quân Tân từ phía sau. Lưu Tú còn phao tin Lưu Diễn đã đánh hạ Uyển Thành và đang quay về, khiến quân Tân rối loạn còn quân Lục Lâm tăng thêm sĩ khí.
Nhân đêm tối, Lưu Tú đột ngột tấn công thẳng vào trại của Vương Tầm, quân trong thành Côn Dương cũng đánh ra khiến quân Tân đại bại. Vương Tầm bị giết trong đám loạn quân, Vương Ấp bỏ chạy về Trường An.
Trận đánh ở Côn Dương đã cho thấy tài cầm quân cũng như lòng dũng cảm của Lưu Tú. Ông ngày càng được tướng sĩ quân Lục Lâm kính nể. Trái lại, Lưu Diễn vì hay cậy công nên bị Lưu Huyền ghen ghét, sau đó bắt giết để trừ hậu họa, theo Qulishi.
Biết tin anh trai bị Lưu Huyền sát hại, Lưu Tú phải nén đau thương. Ông cố tỏ ra bình tĩnh và tìm gặp Lưu Huyền để tạ lỗi. Lưu Huyền rất ngạc nhiên và không nghi ngờ gì về lòng trung thành của Lưu Tú.
Sau trận thua thảm hại ở Côn Dương, nhà Tân liên tiếp thất bại và chỉ còn giữ được 2 thành lớn là Trường An và Lạc Dương. Tháng 10/23, quân Lục Lâm kéo vào Trường An, giết Vương Mãng và lật đổ nhà Tân.
Mặc dù nhà Tân bị diệt, song tình hình Trung Hoa bấy giờ vẫn rất hỗn loạn do nhiều vùng đất bị các tướng của Vương Mãng và những thế lực khác cát cứ.
Cuối năm 23, Lưu Tú nhận lệnh Lưu Huyền đi đánh dẹp các cánh quân chống đối ở Ký Châu (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay). Lưu Tú thắng trận liên tiếp và gây dựng lực lượng riêng cho mình. Lưu Huyền e ngại, triệu Lưu Tú về Trường An nhưng không được.
Tháng 8/25, Lưu Tú xưng là hoàng đế, tấn công vào Lạc Dương, công khai đối đầu với Lưu Huyền. Trước đó, quân Xích Mi của Phàn Sùng ở Sơn Đông cũng tuyên bố không phục tùng Lưu Huyền. Tháng 12/25, quân Xích Mi hạ được thành Trường An, giết Lưu Huyền. Lưu Tú cũng chiếm được Lạc Dương. Sau nhiều trận giao chiến thất bại, Phàn Sùng phải đem quân đầu hàng Lưu Tú.
Lưu Tú (hiệu là Hán Quang Vũ Đế) đóng đô ở Lạc Dương, sáng lập triều Đông Hán và cai trị tổng cộng 32 năm (lâu bậc nhất trong các vị vua nhà Hán). Sau khi đánh bại Phàn Sùng, ông còn phải tiêu diệt hơn 10 thế lực cát cứ khác để ngồi vững trên ngai vàng, theo Sina.
Năm 57, Lưu Tú qua đời, truyền ngôi cho con trai là Lưu Trang (Hán Minh Đế). Triều Đông Hán do Lưu Tú sáng lập kéo dài gần 200 năm.
Càn Long không ngại chỉ đạo các chiến dịch quân sự để phô trương thanh thế nhà Thanh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
2. Càn Long
Càn Long sinh năm 1711 (năm Mão) là một trong những hoàng đế nổi tiếng nhất của nhà Thanh. Tên tuổi của ông gắn liền với Hòa Thân (tham quan giàu nhất lịch sử Trung Quốc) và 6 lần tuần du xuống Giang Nam tiêu tốn hàng trăm vạn lượng bạc. Tuy nhiên, nếu chỉ biết ăn chơi, hưởng lạc, Càn Long đã không tự xưng là Càn Long (con rồng càn quét).
Theo Thanh sử, khi về già, Càn Long thường tự gọi mình là “thập toàn lão nhân”, ý muốn thể hiện bản thân là vị hoàng đế tài giỏi về mọi mặt, không có chút khuyết điểm nào. Càn Long tự phụ như vậy cũng là nhờ vào “mười đại chiến công” (thực ra không phải tất cả đều thành công) do ông ta chỉ đạo, bao gồm các chiến dịch:
1. Trấn áp thành công cuộc nổi dậy của những bộ tộc vùng Lưỡng Kim Xuyên lần thứ nhất và xâm lược Tây Tạng (năm 1747 – 1749).
2. Trấn áp thành công cuộc nổi loạn bộ tộc lớn Dzungar ở vùng biên giới Trung Quốc – Mông Cổ lần thứ nhất (năm 1755).
3. Trấn áp cuộc nổi loạn bộ tộc Dzungar ở vùng biên giới Trung Quốc – Mông Cổ lần thứ hai và tiêu diệt bộ tộc Dzungar (năm 1757).
4. Trấn áp và tiêu diệt bộ tộc lớn Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), thành lập tỉnh Tân Cương (năm 1757 – 1759).
5. Xâm lược Miến Điện (Myanmar) (năm 1765 – 1769).
6. Trấn áp thành công cuộc nổi dậy của những bộ tộc vùng Lưỡng Kim Xuyên lần thứ hai (năm 1771 - 1776).
7. Trấn áp thành công và tiêu diệt cuộc phản loạn của Thiên Địa hội do Lâm Sảng Văn cầm đầu tại Đài Loan (năm 1786 - 1788).
8. Xâm lược Việt Nam nhưng thất bại (năm 1788 – 1789).
9. Chiến tranh biên giới với Nepal lần thứ nhất (1790).
10. Chiến thắng Nepal trong chiến tranh biên giới lần thứ hai (năm 1791 – 1792).
Dưới thời trị vì, Càn Long đã tổ chức 10 chiến dịch quân sự lớn (ảnh: Sohu)
Lịch sử Trung Quốc ghi nhận Càn Long là một nhà hoạch định chiến lược quân sự cứng rắn và tài ba. Dưới thời trị vì của Càn Long, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến tối đa, khoảng hơn 13 triệu km vuông, so với khoảng 9,6 triệu km hiện nay.
Tuy nhiên, Càn Long cũng phải nếm mùi thất bại khi cho Tôn Sĩ Nghị dẫn quân xâm lược Việt Nam vào năm 1788. Quân Thanh trong chiến dịch này bị quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ đánh cho đại bại, nhưng lại được sử nhà Thanh ngụy tạo là chiến thắng.
Càn Long cai trị nhà Thanh gần 60 năm (từ tháng 10/1735 – 9/1795). Ông cũng là một trong những hoàng đế tại vị lâu nhất lịch sử Trung Quốc.
Ít người biết rằng, vì yêu mèo, người Ai Cập từng chấp nhận thua một trận đánh lớn để rồi chịu mất nước vào tay đế chế Ba Tư.
Nguồn: [Link nguồn]