2 bang Mỹ kiện Trung Quốc: Khả năng thắng ra sao?
Các đơn kiện từ phía Mỹ đang gặp nhiều vấn đề pháp lý nghiêm trọng, khiến khả năng thành công rất thấp.
Là quốc gia khởi phát đại dịch, Trung Quốc đang đứng trước sức ép phải bồi thường cho những thiệt hại do COVID-19 gây ra trên toàn cầu. Ảnh minh họa: REUTERS
Phát biểu ngày 23-4, Tổng chưởng lý bang Mississippi Lynn Fitch tuyên bố đã lên kế hoạch đệ đơn kiện Bắc Kinh vì những thiệt hại do dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc (TQ) gây ra, theo tờ The New York Times.
“Không thể để họ hành động mà không bị trừng phạt. Người Mississippi xứng đáng được hưởng sự công bằng và tôi sẽ tìm kiếm điều đó tại tòa” - bà Fitch cho biết. Mississippi là bang thứ hai tại Mỹ lên kế hoạch kiện TQ vì có liên quan tới dịch COVID-19.
Trước đó, Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt ngày 21-4 cũng tuyên bố đã đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang Mỹ, cáo buộc chính quyền TQ phủ nhận nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, tác động những “người tố giác” TQ và không kiểm soát dịch bệnh khiến virus gây dịch COVID-19 lây lan ra toàn thế giới.
Khó đủ điều kiện pháp lý
Bên cạnh hai đơn kiện trên, hiện có ít nhất bốn đơn kiện tập thể từ phía người dân Mỹ gửi lên các tòa án Mỹ. Tất cả đơn kiện đều kỳ vọng hệ thống pháp luật Mỹ sẽ giúp khôi phục khoản tổn thất lớn về kinh tế sau khi TQ chấp nhận bồi thường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, cơ hội thắng kiện và nhận được bồi thường là rất thấp, theo tờ Newsweek.
Trở ngại lớn nhất là làm thế nào để đưa TQ ra tòa án Mỹ. Các chuyên gia chỉ ra: TQ được hưởng quyền miễn trừ trở thành bị đơn trong các vụ kiện ở Mỹ theo Đạo luật Miễn trừ đối với chủ quyền nước ngoài (FSIA) mà nước này đã thông qua vào năm 1976. “Luật miễn trừ này là căn bản trong các mối quan hệ đối ngoại” - bà Chimène Keitner, giáo sư luật quốc tế tại ĐH Luật Hastings California tại San Francisco (Mỹ), nói.
Ngoài ra, bà Keitner cho rằng các điều khoản ngoại lệ mà các đơn kiện đề ra đều không phù hợp. Ví dụ, một số đơn cho rằng chợ hải sản ở Vũ Hán là bằng chứng điển hình cho sự lơ là của TQ, qua đó dẫn tới sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, để buộc TQ chịu trách nhiệm cho “hoạt động thương mại” như chợ, chính quyền TQ phải trực tiếp chỉ đạo hoặc trực tiếp tổ chức các hoạt động tại chợ. Hoạt động thương mại nói trên cũng phải được thực hiện tại một địa điểm tư nhân, trong khi theo Tòa án Tối cao Mỹ, một thực thể như quốc gia sẽ không thể đóng vai trò là “một tổ chức tư nhân” ở trong chợ.
Hàng loạt lỗ hổng khác
Một luận điểm khác được nêu ra trong các đơn kiện nhắc tới là việc TQ phải có trách nhiệm bắt buộc cảnh báo thế giới về sự bùng phát của virus. Bà Keitner cho biết bà không nghĩ rằng lý lẽ này sẽ được tòa án chấp nhận, do “TQ không có bất kỳ nghĩa vụ nào dưới luật pháp Mỹ”. Ngoài ra, hành vi phạm pháp cũng phải xảy ra trên lãnh thổ Mỹ, chứ không chỉ xét tổn thất cuối cùng.
Luật sư Kent Schmidt, chuyên gia về các vụ kiện doanh nghiệp và tập thể, cũng cho rằng tòa án liên bang sẽ không cho phép nguyên đơn đại diện cho “tất cả tầng lớp” như đơn kiện mà hai bang trên tuyên bố. Ông cho biết cơ hội được thông qua “là gần như bằng không”. “Khi nguyên đơn muốn đại diện một nhóm người nào đó, họ phải thể hiện rằng nhóm người này có thể xác định được cụ thể. Vì vậy, không thể đại diện “tất cả những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19”” - ông Schmidt nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley mới đây khẳng định đã trình lên Quốc hội Mỹ một dự luật tên “Công lý cho nạn nhân COVID-19”, cho phép lập đội điều tra những sai phạm trong công tác xử lý dịch của Bắc Kinh, tạo cơ sở để yêu cầu bồi thường. |
Chuyên gia chia sẻ: Đúng là TQ cần phải chịu trách nhiệm vì không kiểm soát được dịch bệnh nhưng vấn đề tòa án Mỹ không đủ thẩm quyền để buộc TQ phải bồi thường. Dù vậy, không ít ý kiến đánh giá các đơn kiện TQ có mức độ thành công nhất định. Đơn cử, luật sư John Klayman tại bang California khẳng định có thể kiện dựa vào việc TQ đã che giấu “sự nguy hiểm thực sự của COVID-19 và khiến virus này lây lan trên khắp thế giới”.
“Có nhiều bằng chứng cho thấy chính vì sai lầm trong quản lý của TQ đã khiến COVID-19 từ một dịch bệnh địa phương thành đại dịch toàn cầu. Chúng ta cần một cuộc điều tra quốc tế để hiểu rõ những thiệt hại mà TQ đã gây ra cho thế giới và trao cho các nạn nhân COVID-19 quyền nhận được các khoản bồi thường xứng đáng.” - ông Klayman lập luận.
“Theo Đạo luật FSIA, khi một quốc gia nước ngoài có hành vi chống lại nhân loại hay không cảnh báo về những nguy cơ hiện hữu, đây có thể được coi là một ngoại lệ. Ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19 đối với người dân và doanh nghiệp Mỹ là không thể đo đếm. Đây là con đường pháp lý rõ ràng của vụ kiện” - ông Klayman cho biết thêm.
Trung Quốc: Đơn kiện của Mỹ “không có cơ sở pháp lý” Phát biểu ngày 22-4 (giờ địa phương), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng nhấn mạnh các vụ kiện ở Mỹ là “phi thực tế” và “không có căn cứ pháp lý”, theo đài CNN. “Việc lạm dụng kiện tụng như vậy không có lợi cho cuộc chiến chống dịch ở Mỹ và làm nản lòng các hợp tác quốc tế đối phó đại dịch. Những gì Washington nên làm là bác bỏ và từ chối tiếp nhận các vụ kiện kiểu này” - ông Cảnh tuyên bố. Quan chức này cũng nhấn mạnh cộng đồng nên đoàn kết chống dịch thay vì tiếp tục “chĩa mũi dùi lẫn nhau, hay thậm chí đòi hỏi bồi thường không chính đáng”. |
Một số công ty và hiệp hội Trung Quốc có thể đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan tới...
Nguồn: [Link nguồn]