19 cảnh sát Myanmar kháng lệnh quân đội, vượt biên sang Ấn Độ
Ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã vượt biên sang Ấn Độ để trốn mệnh lệnh từ chính quyền quân sự vốn đang cố gắng trấn áp người biểu tình phản đối chính biến.
Ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã vượt biên sang Ấn Độ để trốn mệnh lệnh từ chính quyền quân sự vốn đang cố gắng trấn áp người biểu tình phản đối cuộc chính biến hôm 1-2. Thông tin này được một sĩ quan cảnh sát Ấn Độ tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 4-3.
Cảnh sát chống bạo động Myanmar. Ảnh: DW
Nguồn tin cho biết 19 cảnh sát Myanmar đã vượt biên đến Champhai và Serchhip, hai quận nằm ở bang Mizoram thuộc đông bắc Ấn Độ và giáp ranh với Myanmar.
Theo sĩ quan cảnh sát Ấn Độ, những người trên đều không mang vũ khí và có hàm thấp. Người này dẫn báo cáo tình báo nói rằng dự đoán sẽ có thêm nhiều người tới đây.
Cũng theo quan chức Ấn Độ, những người này vượt biên vì sợ bị kỷ luật do không tuân lệnh. Nhà chức trách Ấn Độ sẽ tạm thời sắp xếp nơi ở cho họ.
“Họ không muốn nhận lệnh chống lại phong trào bất tuân dân sự” – nguồn tin nói, nhắc tới cuộc biểu tình ở Myanmar phản đối chính biến hôm 1-2 và yêu cầu trả tự do cho lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.
Trong số 19 người nói trên, có ba cảnh sát Myanmar vượt biên đến gần thị trấn North Vanlaiphai ở quận Serchhip vào chiều 4-3 và chính quyền ở đó đang đánh giá tình hình sức khỏe của họ, một quan chức cảnh sát khác của Ấn Độ cho biết.
“Những gì họ đã nói là họ nhận được chỉ thị từ nhà cầm quyền quân đội mà họ không thể tuân theo, vì vậy họ đã trốn chạy. Họ tìm nơi tị nạn vì chính quyền quân sự ở Myanmar” – Giám đốc cảnh sát Serchhip, ông Stephen Lalrinawma nói.
Ấn Độ có chung biên giới đất liền dài 1.600 km với Myanmar, nơi có hơn 50 người đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra biểu tình phản đối chính biến.
Hôm 1-2, quân đội Myanmar bắt Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng những lãnh đạo khác của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Phía quân đội tuyên bố đây là phản ứng của họ với cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11-2020 tại Myanmar có gian lận.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2 khiến nhiều người ở Trung Quốc nhớ về "sự cố Myanmar" hồi tháng 11/2018.