16 năm bà Angela Merkel giữ chức thủ tướng: Nước Đức thay đổi ngoạn mục thế nào?
Dưới sự lãnh đạo của bà Angela Merkel, trong 16 năm qua, nước Đức đã có nhiều thay đổi đáng kể trở thành một cường quốc kinh tế của châu Âu.
Trong 16 năm qua, khi Mỹ và Pháp có tới 4 đời tổng thống, Anh và Italy cũng thay lần lượt 5 và 9 đời thủ tướng thì tại Đức vẫn chỉ có duy nhất 1 nhà lãnh đạo, đó là bà Angela Merkel. Trong 16 năm tại vị, bà Merkel từng được mệnh danh là "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" và là người giúp nước Đức thay đổi và phát triển. Theo Financial Times, từ năm 2005, nước Đức đã chuyển mình từ "kẻ ốm yếu của châu Âu" trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu châu lục.
Mức độ nổi tiếng của bà Merkel với người dân Đức đã lên tới 80% trong thời gian qua. Trong đó, một trong những thành tựu nổi bật nhất của bà là cơ hội việc làm mở rộng đối với phụ nữ và người gia ngay cả khi Đức tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel được mệnh danh là "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới". Ảnh: Politico
Tuy nhiên, những di sản mà bà Merkel để lại cho nước Đức sau khi rời nhiệm sở trong vài ngày nữa vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, dù bà Merkel đã chứng minh năng lực xử lý khủng hoảng nhưng 3 nhiệm kỳ của bà bị đánh giá là thiếu tầm nhìn, khiến Đức không sẵn sàng cho một thế giới xanh và số hoá hơn. Dù vậy, không thể phủ nhận những gì bà Merkel đã mang đến cho người dân trong 16 năm qua.
"Phép màu" kinh tế
Kể từ năm 2005, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của Đức đã tăng nhanh gấp đôi so với ở Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp.
Ngày nay, người Đức có thể tận hưởng điều mà Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại tổ chức phân tích kinh tế và tài chính ING, gọi là "Wirtschaftswunder thứ hai" (có nghĩa là "phép màu" kinh tế thứ 2). Với tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp trong gần hai thập kỷ, gần 70% người Đức cho biết họ hài lòng với khả năng kinh tế của bản thân.
Tuy nhiên, không phải tất cả thành công đều nhờ vào bà Merkel. Thực tế, ông Neville Hill, một nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse, cho biết phần lớn nền tảng kinh tế đã được đặt ra từ những cải cách của Thủ tướng tiền nhiệm Gerhard Schröder. Theo đó, nhà kinh tế tại Trung tâm cải cách châu Âu Christian Odendahl nói thêm rằng "phép màu" kinh tế vẫn có thể xảy ra ngay cả khi không có bà Angela Merkel.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bà Merkel chỉ đứng nhìn nước Đức giàu có lên. Cách phản ứng của bà trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 chính là điều giúp nền kinh tế Đức trụ vững và vượt qua khó khăn. Ngoài ra, bà đã đầu tư hàng tỷ euro vào chương trình Kurzarbeit, một hệ thống bảo hiểm thất nghiệp của chính phủ. Nhờ vậy, Đức đã thành công trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân.
Tỷ lệ việc làm cao
Có thể thấy, thành tựu lớn nhất của bà Angela Merkel trong 16 năm tại vị chính là tỷ lệ việc làm tăng cao, đặc biệt đối với phụ nữ. Ông Oliver Rakau, nhà kinh tế học người Đức tại công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết ngày nay Đức có tỷ lệ lực lượng lao động nữ cao nhất trong số tất cả các nước G7, nhờ cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ em.
Đáng chú ý, tỷ lệ việc làm của người Đức vẫn gia tăng ngay cả khi mở cửa đón người nhập cư. Bà Merkel đã can đảm tuân theo chính sách năm 2015 về việc mở cửa đón hơn 1 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc chiến khốc liệt ở Syria, Afghanistan và Iraq. Khi ấy, bà từng khẳng định: "Chúng ta có thể làm được điều này". Và theo thời gian, bà đã chứng minh được những gì bà cam kết.
Bà Merkel đã để lại nhiều di sản sau 16 năm tại vị. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, chất lượng công việc vẫn chưa thật sự được cải thiện. Trong gần 2 thập kỷ qua, dù người lao động tăng cao tại Đức nhưng đến nay vẫn còn lượng lớn người làm những công việc thu nhập thấp. Ngoài ra, nhiều công việc của phụ nữ vẫn chỉ là việc làm bán thời gian và vẫn ít công ty có giám đốc điều hành là nữ giới.
Nợ ít nhưng thiếu tầm nhìn và đầu tư
Bất chấp đại dịch COVID-19, người Đức vẫn có cuộc sống khá giả giống như trước đây. Các tài khoản của chính phủ được duy trì tương đối ổn định với mức nợ tương đối thấp, phần lớn là nhờ luật ngân sách cân bằng năm 2009.
Tuy nhiên, bà Katharina Utermöhl, nhà kinh tế cấp cao tại Allianz, nhận định "con thuyền kinh tế Đức không hề rung chuyển trước tầm nhìn lớn".
Mặc dù có sự phát triển và gia tăng trong tỷ lệ việc làm nhưng vẫn chưa có quá nhiều công việc liên quan tới hiện đại hóa. Các nhà phê bình nói thêm rằng tỷ lệ đầu tư công thấp đã khiến Đức thiếu sự chuẩn bị cho tương lai.
Nước này đã tăng tốc quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo sau sự cố rò rỉ lò phản ứng hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, kế hoạch mới đã đặt mục tiêu cho Đức loại bỏ dần điện than vào năm 2035. Tuy nhiên, thực tế là Đức vẫn đang tụt hậu so với các quốc gia khác cùng khối Liên minh châu Âu (EU).
Trong đó, lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người của Đức cao hơn mức trung bình của EU, tỷ lệ năng lượng từ các nguồn tái tạo của nước này thấp hơn và lượng khí thải CO2 từ các xe du lịch vẫn ở mức cao.
Đời sống người dân Đức được duy trì khá ổn định ngay cả trong đại dịch nhưng chính phủ bị đánh giá là thiếu tầm nhìn và đầu tư cho tương lai. Ảnh: EPA
Tương tự như vậy, tốc độ chuyển đối sang nền kinh tế kỹ thuật số của Đức vẫn chậm hơn so với nhiều nước khác cùng khối. Thiếu đầu tư khiến mức độ thâm nhập của băng thông rộng tốc độ cao tại Đức thấp, tốc độ kết nối bị ngắt quãng giữa thành thị với nông thôn và mức tiêu thụ dữ liệu băng thông di động quy mô lớn dưới mức trung bình.
Ngay từ trước khi xảy ra đại dịch, Đức đã cần khoảng 450 tỷ euro đầu tư công để bắt đầu khử carbon, cải thiện thông tin liên lạc, thúc đẩy giáo dục và củng cố cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, nhu cầu đầu tư nhiều hơn đã trở thành lời kêu gọi giữa một số ứng cử viên hiện đang chạy đua vào ghế thủ tướng kế nhiệm bà Merkel vào cuối tháng này.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong bài phát biểu trước 6 hãng tin lớn của châu Âu, Thủ tướng Đức – bà Angela Merkel đã bày tỏ thất vọng khi cho rằng,...