1.500 nhà ngoại giao Mỹ bị đau đầu, buồn nôn: Tình báo Mỹ kết luận
Hàng trăm nhân viên tình báo Mỹ đã tham gia cuộc điều tra kéo dài nhiều năm nhằm tìm kiếm thủ phạm khiến khoảng 1.500 nhà ngoại giao, quan chức Mỹ ở nước ngoài gặp “hội chứng Havana”.
Tòa Đại sứ quán Mỹ ở thành phố Havana (ảnh: Reuters)
Năm 2016, hàng chục nhà ngoại giao Mỹ ở Havana (thủ đô Cuba) gặp triệu chứng đau đầu, buồn nôn, ù tai, suy giảm trí nhớ và chóng mặt. Mỹ đã rút khoảng một nửa số nhà ngoại giao ở Cuba về nước vì sự cố bí ẩn này.
Một số nhà ngoại giao Mỹ mắc “hội chứng Havana” đã phải về hưu sớm. Tuy nhiên, cụm từ “Havana” không liên quan đến nguồn gốc của hội chứng này.
Từ năm 2016, khoảng 1.500 nhà ngoại giao, quan chức Mỹ ở nước ngoài nói rằng họ gặp “hội chứng Havana”. Năm nay, một số trường hợp tương tự cũng được báo cáo.
Mức độ nghiêm trọng của vụ việc buộc nhiều cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có CIA phải mở cuộc điều tra.
Dẫn tài liệu được giải mật từ tình báo Mỹ, Reuters hôm 1/3 đưa tin, “rất khó có khả năng” đối thủ nước ngoài của Mỹ là thủ phạm gây ra “hội chứng Havana”.
7 trong số 18 cơ quan tình báo Mỹ đã mở cuộc điều tra ở hơn 90 quốc gia nhằm giải mã “hội chứng Havana”. Ở Mỹ, FBI cũng tổ chức điều tra.
Giới tình báo Mỹ ban đầu không loại trừ khả năng người ngoài hành tinh là thủ phạm. Giả thuyết này sau đó bị bác bỏ.
“Hầu hết các cơ quan tình báo kết luận rằng, rất khó có khả năng đối thủ nước ngoài nào đó (của Mỹ) phải chịu trách nhiệm về vụ việc”, tài liệu tình báo cho hay.
Theo Reuters, giới tình báo Mỹ cho rằng, triệu chứng mà nhiều quan chức nước này gặp phải có thể là do sức khỏe kém, mắc một số bệnh thường gặp hoặc bị tác động bởi yếu tố môi trường.
Để điều tra về “hội chứng Havana”, giới tình báo Mỹ đã phỏng vấn nhiều quan chức, nhân viên Mỹ ở nước ngoài, xem xét các bản ghi âm, tạo mô hình 3D về địa điểm xảy ra sự cố…
Một quan chức tình báo Mỹ (giấu tên) cho biết, các đặc vụ Mỹ đã theo dõi một số cá nhân, bao gồm những kẻ buôn bán vũ khí, tội phạm trên khắp thế giới. Thiết bị điện tử được sử dụng để biết những đối tượng này “đang làm gì, nói chuyện với ai”. Mỹ cũng điều tra khả năng Nga gây ra “hội chứng Havana”.
Nhưng tất cả biện pháp đều không mang lại kết quả.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc chăm sóc y tế cho các quan chức và nhân viên Mỹ gặp phải “hội chứng Havana” vẫn là ưu tiên hàng đầu, bất chấp kết quả điều tra ra sao.
Trong khi nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển đang bế tắc, Quốc hội Phần Lan muốn nước này đẩy nhanh tiến trình gia nhập khối quân sự lớn nhất thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]