12 ngày còn lại của ông Trump sẽ thế nào?
Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với áp lực bị bãi nhiệm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc trong hai tuần nữa.
Ngày 7-1 (giờ địa phương), đương kim Tổng thống Donald Trump đăng lên Twitter một video, trong đó ông công nhận chiến thắng của tổng thống tân cử Joe Biden.
Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hồi tháng 11-2020. Ảnh: CNBC
“Quốc hội đã chứng nhận phiếu đại cử tri và chính quyền mới sẽ nhậm chức vào ngày 20-1. Trọng tâm bây giờ của tôi là đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trật tự và suôn sẻ. Đây là thời điểm để hàn gắn và hòa giải” - ông Trump nói trong video.
Ông Trump lên án vụ bạo động tại tòa nhà Quốc hội ngày 6-1. Theo ông, sự kiện “kinh khủng” này khiến ông “phẫn nộ trước các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật và lộn xộn” và tuyên bố những đối tượng quá khích không đại diện cho nước Mỹ.
Với phát ngôn trên, ông Trump xem như đã từ bỏ hy vọng tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau hai tháng liền theo đuổi kiện tụng nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Hiện câu hỏi quan trọng nhất là số phận của nhà lãnh đạo này sẽ như thế nào sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Kịch bản bị bãi nhiệm
Ngày 7-1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã thẳng thừng cảnh báo Nhà Trắng rằng Hạ viện sẽ tiến hành luận tội ông Trump với cáo buộc kích động bạo loạn.
Trả lời hãng tin Reuters, GS Frank Bowman thuộc ĐH Missouri (Mỹ) nhận định trong trường hợp khả dĩ nhất Hạ viện thực sự luận tội ông Trump thì ông có thể bị cáo buộc các tội danh như “kích động gây bạo loạn” hoặc “cố ý lật đổ chính phủ Mỹ”. Thậm chí chuyên gia này cho biết ông Trump còn có thể bị luận tội với cáo buộc nghiêm trọng hơn là không trung thành với hiến pháp Mỹ và vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức. Quốc hội Mỹ có toàn quyền quyết định trong việc xác định các tội danh từ nặng đến nhẹ và không bị giới hạn khi xem xét các tội hình sự.
Dù vậy, bà Pelosi có nói thêm rằng nếu không muốn Hạ viện phải trực tiếp nhúng tay thì Nhà Trắng nên tự giải quyết vấn đề của ông Trump bằng cách kích hoạt Tu chính án số 25 Hiến pháp Mỹ. Theo tờ The Wall Street Journal, Tu chính án số 25 được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1965 và chính thức phê chuẩn hai năm sau đó. Đây là cơ chế cho phép phó tổng thống cùng các thành viên nội các khác lên nắm quyền nếu chứng minh được rằng tổng thống không còn đủ năng lực lãnh đạo đất nước hoặc qua đời lúc đương chức.
Bà Pelosi cứng rắn rằng “công lý phải được thực thi đối với những người thực hiện các hành động bạo loạn và xấu hổ này”. Ủng hộ bà Pelosi, các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng đã tiến hành gửi thư tới Phó Tổng thống Mike Pence yêu cầu bãi nhiệm ông Trump trước thời điểm ông mãn nhiệm vào ngày 20-1 tới. Tuy ông Pence đến nay chưa đưa ra phản hồi chính thức nhưng theo nguồn tin của tờ The New York Times, ông phản đối kích hoạt Tu chính án số 25 nhưng không nêu rõ lý do. Nhiều khả năng ông Pence lo ngại bãi nhiệm lúc này sẽ chỉ làm rối thêm tình hình chính trị Mỹ vốn đang rất hỗn loạn.
Theo khảo sát của Công ty Ipsos Public Affairs phối hợp với trang tin Axios công bố ngày 7-1, tới 8/10 cử tri Cộng hòa được phỏng vấn phản đối bãi nhiệm ông Trump. Tương tự, chỉ có 22% cử tri Cộng hòa xem vụ đột nhập tòa nhà Quốc hội là hành động đảo chính, con số này ở cử tri Dân chủ là 74%. |
Sự lạnh nhạt của đảng Cộng hòa
Không chỉ phe Dân chủ mới đòi bãi nhiệm ông Trump mà theo đài CNN, con số này ở phe Cộng hòa cũng đang tăng lên nhanh chóng với ít nhất hai nghị sĩ Cộng hòa giấu tên khẳng định ông Trump cần phải rời ghế lập tức sau những hành động không thể chấp nhận vừa qua. Ít nhất năm quan chức nội các dưới quyền đã từ chức ngay sau ngày 6-1 nhằm thể hiện lập trường phản đối nhà lãnh đạo Mỹ, gần đây nhất là Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos.
Tờ The Hill cho rằng những diễn biến trên chứng tỏ nhóm nghị sĩ trung thành ông Trump trong đảng Cộng hòa từ vị thế là phe chủ đạo đang mất dần tiếng nói trong khi những nhóm truyền thống hơn đang tranh thủ cơ hội để kéo đảng ra khỏi ảnh hưởng của ông Trump.
“Sự việc ngày 6-1 là minh chứng rõ ràng ông Trump đang tự đào một cái hố cho bản thân và kéo đảng Cộng hòa cùng rơi xuống. Phe truyền thống không thể để việc đó và họ đang trỗi dậy khi ông Trump không còn có thể ép họ phải im lặng được nữa” - cựu phó thống đốc bang Maryland Michael Steele nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Steele, những hành động của ông Trump một lần nữa cho thấy rõ chủ nghĩa Trump và chủ nghĩa bảo thủ truyền thống mà đảng Cộng hòa thực sự khó tìm được điểm chung. Trong khi chủ nghĩa bảo thủ truyền thống tìm cách kiểm soát quyền lực chính quyền thì ông Trump hết lần này đến lần khác lạm dụng quyền lực tổng thống để thực hiện những kế hoạch mà ông Steele đánh giá là “không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ”.
Dù vậy, cựu quan chức này cũng cảnh báo những người còn ở bên ông Trump là những người cực kỳ trung thành với lý tưởng của ông, dẫn đến nguy cơ đảng Cộng hòa bị chia rẽ. Dĩ nhiên, phe ông Trump ở tình thế hiện tại rất khó đạt được sự ủng hộ của đa số nhóm cử tri nhưng việc mất đi tính đoàn kết vẫn sẽ tác động tiêu cực tới toàn đảng Cộng hòa trong thời gian tới.•
Chỉ ông Trump mới tự cứu được mình Theo The Wall Street Journal, lựa chọn tốt nhất giúp Tổng thống Trump tránh được một cuộc điều tra luận tội lúc này là chủ động nhận trách nhiệm về phía bản thân và từ chức. Đây sẽ là giải pháp ổn thỏa nhất. Nhiệm vụ lãnh đạo nước Mỹ sẽ được chuyển giao cho Phó Tổng thống Pence và ông Trump sẽ có quyền tự quyết hơn về tương lai của mình. Còn nhớ cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon sau vụ lùm xùm nghe lén Watergate năm 1972 đã chủ động từ chức và sống quãng đời còn lại tương đối yên ả, không bị vướng vào các vấn đề pháp lý. Việc ông Trump chủ động từ chức cũng có thể giúp ngăn chặn làn sóng từ nhiệm của các thành viên nội các hiện nay. Điều này đặc biệt quan trọng bởi một số vị trí then chốt và nhạy cảm cần phải được duy trì liên tục như vị trí cố vấn an ninh quốc gia của ông Robert O’Brien. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và các nghị sĩ phe Dân chủ đang cân nhắc quy trình luận tội ông Trump “thần tốc” trong...