1.000 ngày chiến sự Nga-Ukraine: Bên nào đang chiếm ưu thế?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chuyên gia nhận định cục diện chiến trường sau 1.000 ngày chiến sự Nga-Ukraine và đưa ra dự đoán về tương lai của cuộc xung đột.

Ngày 19-11 đánh dấu 1.000 ngày chiến sự Nga-Ukraine - cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Cuộc chiến đã gây ra những tổn thất to lớn về người và vật chất. Vậy sau gần 3 năm giao tranh, vị thế của hai bên trên chiến trường thế nào và tương lai cuộc chiến sẽ ra sao?

Cục diện chiến trường

Đài Sky News dẫn lời ông Simon Diggins - chuyên gia quốc phòng và quân sự ở Anh - rằng mặc dù cho đến nay Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu ban đầu khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhưng Moscow đã thành công trong việc củng cố quyền kiểm soát “một phần đáng kể” ở miền Đông Ukraine.

"[Các tỉnh phía đông] là nơi có nhiều thế mạnh công nghiệp của Ukraine và là cầu nối trên bộ tới bán đảo Crimea - nơi Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014. Nga có lẽ đã thành công hoặc chắc chắn đang trên đường đạt được mục tiêu này” - ông Diggins nhận định.

“[Nga] chưa kiểm soát toàn bộ các tỉnh đó, nhưng đã giành được một khu vực đáng kể” - vị chuyên gia nói thêm.

Một quân nhân Ukraine thuộc đơn vị phòng không cơ động chống máy bay không người lái (UAV) ngồi gần pháo phòng không ZU-23-2 ở tỉnh Kherson hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Một quân nhân Ukraine thuộc đơn vị phòng không cơ động chống máy bay không người lái (UAV) ngồi gần pháo phòng không ZU-23-2 ở tỉnh Kherson hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Ông Diggins lưu ý rằng xét về vị thế quân sự, quân Nga vẫn đang tiếp tục tiến quân, mặc dù rất chậm. Moscow cũng chiếm ưu thế về khả năng gây gián đoạn thông qua các cuộc không kích.

Đồng tình với quan điểm này, ông John Foreman - cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Nga và Ukraine - cho rằng hiện tại Moscow đang nắm thế chủ động trong cuộc chiến và đã duy trì vị thế vượt trội trong suốt năm qua.

Ông Foreman bổ sung rằng mặc dù cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk (Nga) có thể đã khiến Moscow bất ngờ nhưng điều này “không làm thay đổi cục diện chiến trường” theo hướng có lợi cho Ukraine.

Theo chuyên gia Diggins, Ukraine “hoàn toàn không có cơ hội” chiếm lại các tỉnh mà Nga đang kiểm soát, nhưng Kiev đã chứng minh được rằng họ thành công trong việc phòng thủ.

“Ukraine đã đạt được một chiến thắng chiến lược, có lẽ là chiến thắng quan trọng nhất, đó là vẫn chưa thất bại cũng như giữ vững được sự ủng hộ của phương Tây” - theo vị chuyên gia.

Mỗi bên có những nguồn lực gì?

Những ngày qua, có thông tin rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp, cụ thể là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), để tấn công vào bên trong nước Nga.

ATACMS có tầm bắn hơn 300 km, nhưng ông Foreman cho rằng vũ khí này sẽ không giúp Ukraine truy đuổi máy bay Nga đang không kích vào nhiều TP của Ukraine.

“Nga đã sử dụng mọi vũ khí trong kho vũ khí của mình để cố gắng giành lợi thế. Họ đang sử dụng máy bay không người lái (UAV), được cho là của Iran, trong một chiến dịch liên tục để làm suy yếu cơ sở hạ tầng Ukraine, và tăng cường tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa. Nga cũng đang nâng cấp sức công phá của các UAV và sử dụng bom lượn để tấn công các vị trí của Ukraine” - ông Foreman lưu ý.

Cũng theo ông Foreman, dù Ukraine bắt đầu sử dụng nhiều UAV và tên lửa hành trình tự sản xuất, nhưng vẫn chưa đạt đến mức độ cần thiết để có tác động quyết định về mặt quân sự hoặc kinh tế.

Ông Diggins cho rằng các loại vũ khí mà Ukraine có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu của Moscow trong biên giới Nga là tên lửa Storm Shadow của Anh và tên lửa SCALP của Pháp.

Ông Diggins cho biết thêm rằng Ukraine hiện yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa phi hạt nhân và hệ thống phòng không hiệu quả, có thể bao gồm tên lửa Taurus của Đức.

Mỹ được cho là đã nới lỏng các hạn chế để Ukraine được phép sử dụng tên lửa ATACMS tấn công sang Nga sau thông tin về sự hiện diện của binh sĩ Triều Tiên ở tỉnh Kursk để hỗ trợ lực lượng Nga chống lại Ukraine. Moscow và Bình Nhưỡng bác bỏ thông tin Triều Tiên gửi quân sang Nga.

Bình luận về thông tin liên quan quân đội Triều Tiên, ông Diggins cho rằng đây là “diễn biến đáng lo ngại” nhưng dự đoán sẽ có những thách thức đối với Nga về lâu dài nếu Moscow sử dụng binh sĩ nước ngoài.

“Có lẽ tất cả binh sĩ đều có kỷ luật, nhưng họ chưa có kinh nghiệm thực chiến. Việc sử dụng binh lính của quốc gia khác trong cuộc chiến luôn là một thách thức. Nếu đưa [binh sĩ Triều Tiên] đối đầu với lực lượng hiện đại của phương Tây, mà Ukraine giờ đây là một phần trong đó, họ có thể chịu tổn thất rất lớn” - ông Diggins lập luận.

Viễn cảnh sau cột mốc 1.000 ngày

Cả hai chuyên gia đều dự đoán cuộc xung đột này sẽ kết thúc một cách hỗn loạn vào năm tới vì không bên nào đạt được lợi ích đáng kể cho đến nay.

Binh sĩ Ukraine tham chiến gần thị trấn Chasiv Yar, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) ngày 18-11. Ảnh: LỰC LƯỢNG VŨ TRANG UKRAINE

Binh sĩ Ukraine tham chiến gần thị trấn Chasiv Yar, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) ngày 18-11. Ảnh: LỰC LƯỢNG VŨ TRANG UKRAINE

“Ở Mỹ và châu Âu, bất kể ai lên lãnh đạo đều có động thái muốn chấm dứt chiến sự, có thể là thông qua một số thỏa hiệp. Tuy nhiên, nếu không có sự đảm bảo an ninh vững chắc hoặc bất kỳ lệnh ngừng bắn hay tạm dừng giao tranh nào, Nga sẽ có thể tập hợp lại và tấn công trở lại” - theo ông Foreman.

Chuyên gia Diggins dự đoán rằng một thỏa thuận ngừng bắn có thể sẽ diễn ra trong vòng 6-9 tháng tới, với một số loại thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình”.

“Vấn đề khó khăn tiếp theo là liệu phương Tây có duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine hay không” - vị chuyên gia nói thêm.

Ukraine tuyên bố đây không phải thời điểm để “yếu đuối” trước Nga, trong khi Moscow khẳng định chiến thắng đang đến gần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN