1.000 cảnh sát quốc tế tới Haiti: Điệp vụ liệu có khả thi?
Lực lượng cảnh sát quốc tế do Kenya lãnh đạo sẽ lên đường tới Haiti để giúp quốc gia Trung Mỹ này giành lại quyền kiểm soát đất nước từ tay các băng đảng. Nhưng, liệu đây có phải nhiệm vụ dễ dàng với “phái bộ cảnh sát” của Liên hợp quốc.
Sứ mệnh “giải cứu” Haiti
Haiti, quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu với dân số 11,5 triệu người, rơi vào tình trạng hỗn loạn vào tháng 7 năm 2021 sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Kể từ đó, Haiti đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực băng đảng ở mức khủng khiếp, dịch tả bùng phát cũng như tình trạng thiếu nhiên liệu và thuốc men trầm trọng.
Hiện tại, các khu vực rộng lớn của thủ đô Portau-Prince (ước tính lên đến 80% diện tích thành phố) bị kiểm soát hoặc thường xuyên bị khủng bố bởi các băng nhóm vũ trang hạng nặng. Những băng đảng này, với những cái tên bằng tiếng Haiti như "Kraze Barye", "Gran Grif", trong 2 năm qua đã tổ chức vô số vụ cướp bóc, tống tiền, bắt cóc, hãm hiếp và giết người.
Các băng đảng vũ trang đang hoành hành tại Haiti và kiểm soát tới 80% diện tích thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: PBS
Được trang bị vũ khí tự động nhập lậu, các thành viên băng đảng thường xuyên bắn hạ cảnh sát địa phương, đôi khi đốt xe và trạm gác của họ. Chúng kiểm soát hoặc thường xuyên đột kích các tuyến đường chính ra vào thủ đô. Theo Liên hợp quốc, hơn 3.000 người Haiti đã thiệt mạng và 1.500 người bị bắt cóc trong 9 tháng đầu năm nay. Khoảng 200.000 người Haiti đã phải di cư do giao tranh.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Haiti, ông Ariel Henry đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ đất nước ông thoát khỏi vòng xoáy ngày càng sâu sắc của các thách thức an ninh và kinh tế. Đáp lại, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 2/10 đã phê chuẩn Sứ mệnh an ninh đa quốc gia cho phép sử dụng vũ lực để ổn định Haiti.
“Bật đèn xanh” cho việc triển khai, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phê duyệt sứ mệnh trong 1 năm và xem xét sau 9 tháng. Theo nghị quyết, lực lượng cảnh sát đa quốc gia sẽ thực hiện các hoạt động an ninh chung và sẽ có thẩm quyền thực hiện các vụ bắt giữ phối hợp với cảnh sát Haiti.
Nhưng, vấn đề là không một quốc gia phương Tây lớn nào sẵn sàng lãnh đạo sứ mệnh đảo ngược tình trạng rơi tự do vào hỗn loạn xã hội của Haiti. Hiện chỉ có Mỹ là cam kết tài trợ 200 triệu USD để hỗ trợ hậu cần, đào tạo cho cho phái đoàn cảnh sát quốc tế để được Liên hợp quốc triển khai tới Haiti.
Thủ tướng Haiti, Ariel Henry đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp chính phủ của ông tái kiểm soát đất nước. Ảnh: Yahoo News
Trong bối cảnh đó, Kenya, nền kinh tế lớn thứ 8 ở châu Phi, đã xung phong dẫn đầu sứ mệnh an ninh này. Nelson Koech, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Kenya, nói với Citizen TV rằng nước này sẽ không gửi cảnh sát giao thông mà gửi "lực lượng vũ trang đặc biệt" và họ sẽ được huấn luyện đầy đủ trước khi triển khai.
Hiện chưa rõ đơn vị nào sẽ được điều tới Haiti nhưng có thể là Đội đặc nhiệm tổng hợp bán quân sự (GSU), lực lượng thường ứng phó với các sự kiện như biểu tình bạo lực và tấn công khủng bố của cảnh sát Kenya.
Bahamas, Jamaica, Antigua và Barbuda cho biết họ sẽ tham gia sứ mệnh này và theo phía Kenya, cả Tây Ban Nha, Senegal và Chile cũng có khả năng triển khai nhân viên an ninh tới Haiti. Chỉ có điều, lực lượng này sớm nhất cũng phải tới đầu năm 2024 mới có thể được gửi đi.
Lựa chọn khả dĩ nhất
Cho tới lúc này, phái bộ cảnh sát quốc tế được triển khai tới Haiti vẫn chưa cung cấp kế hoạch hành động chi tiết, cũng như việc lực lượng này sẽ ở lại trong bao lâu và chi phí cho hoạt động tại Haiti là bao nhiêu.
Ian Spears, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Guelph của Canada, chuyên gia nghiên cứu về xung đột bạo lực, cho biết: Các vấn đề của Haiti quá nghiêm trọng để có thể giải quyết bằng sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Dù các sĩ quan Kenya dũng cảm đến đâu cũng sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với những tình huống không có sự phân biệt rõ ràng về kẻ “tốt” và kẻ “xấu”.
Bất chấp những trở ngại mà sứ mệnh an ninh đa quốc gia phải đối mặt, các chuyên gia về an ninh và xung đột quốc tế cho rằng không có giải pháp thay thế nào tốt hơn để triệt tiêu sức mạnh của các băng đảng đang kiểm soát 60% lãnh thổ Haiti và 80% thủ đô Port-au-Prince. Bởi ý tưởng sử dụng quân đội trấn áp tội phạm cũng là bất khả thi với Haiti.
Hiện tại, quân đội nước này chỉ có khoảng 1.500 binh sĩ nhưng họ không có xe tăng, không có xe bọc thép, không có trực thăng chiến đấu hay thậm chí cả súng trường hạng nặng và do đó, không có khả năng đối đầu với các băng đảng.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết phải mất hơn một năm để thành lập một phái đoàn sau khi Thủ tướng Ariel Henry kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp nước ngoài, một dấu hiệu cho thấy rất khó để tìm được các quốc gia sẵn sàng đưa quân tới Haiti.
Các đợt triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trước đây của Liên hợp quốc ở Haiti, chẳng hạn như của lực lượng Minustah do Brazil lãnh đạo từ năm 2004-2017, cũng không thoát khỏi tranh cãi, khi quân đội Nepal bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra dịch tả sau trận động đất kinh hoàng năm 2010.
Do đó, gửi phái bộ cảnh sát đến Haiti vẫn là lựa chọn khả dĩ nhất ở thời điểm này. William O'Neill, chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc về Haiti, cho biết: “Việc này phải thành công, tôi không thấy có kế hoạch B”. O'Neill, người từng giúp thành lập Cảnh sát Quốc gia Haiti vào năm 1995, nói thêm về những gì đang xảy ra tại quốc gia Trung Mỹ này: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến tình hình tệ hơn như thế”.
Cảnh sát chống khủng bố của Kenya đứng gác trước một bệnh viện. Ảnh: Daily Nation
Kenya có thể thành công ở nơi người khác thất bại?
Thành công sẽ được đo lường bằng việc liệu lực lượng cảnh sát quốc tế do Kenya dẫn đầu có thể đánh bại các băng nhóm tội phạm một cách triệt để, khôi phục luật pháp và trật tự cho cuộc sống hằng ngày của người dân Haiti hay không.
Dù lực lượng an ninh Kenya có kinh nghiệm chiến đấu với nhóm chiến binh Hồi giáo Al-Shabab và kiểm soát các khu định cư, nhưng lần này, họ sẽ ở trên vùng đất xa lạ, sẽ phải chiến đấu tại các khu ổ chuột ven cảng và sườn đồi của Port-au-Prince.
Tại đây, các thành viên băng đảng vũ trang biết rõ lãnh thổ của mình và đôi khi được hỗ trợ bởi những kẻ cung cấp thông tin địa phương. Người Kenya, vì thế, cũng sẽ cần hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Haiti địa phương.
Sự giúp đỡ cũng có thể đến từ một phong trào phòng chống băng đảng cấp cơ sở của Haiti, được gọi là "Bwa Kale". Phong trào này đã giết chết hàng trăm thành viên băng đảng trong những tháng gần đây, thường hành hình và thiêu sống các nghi phạm ở nơi công cộng. Hợp tác với "Bwa Kale" sẽ gia tăng sức mạnh cho phái bộ cảnh sát quốc tế, song điều này có thể đặt ra thách thức về thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội.
Rào cản ngôn ngữ cũng gây ra một số lo ngại, vì ở Haiti người dân chủ yếu nói tiếng Pháp và tiếng Haiti Creole, trong khi ở Kenya, ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất là tiếng Anh và tiếng Swahili. Ngoại trưởng Kenya, Alfred Mutua cho biết nước này đã chuẩn bị cho việc triển khai bằng việc dạy tiếng Pháp cho một số sĩ quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc ở Haiti.
Lực lượng cảnh sát do Kenya dẫn đầu còn cần tới sự hỗ trợ về hậu cần, thiết bị và tình báo mà Mỹ và các chính phủ khác đã hứa. Quan trọng hơn, họ cũng phải nhận được sự ủng hộ trọn vẹn của người Haiti.
Cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Ariel Henry và các đối tác quốc tế, cũng như Liên hợp quốc và hầu hết các tổ chức viện trợ lớn, đã nêu rõ quan điểm rằng chỉ có hoạt động an ninh mạnh mẽ được quốc tế hậu thuẫn mới có thể khôi phục trạng thái bình thường ở Haiti.
Tuy nhiên, bên trong Haiti, các quan điểm còn trái chiều. Số này bao gồm từ những người ủng hộ lực lượng chào đón "những người anh em châu Phi của chúng ta", cho đến các nhóm đối lập coi ông Henry - người lên nắm quyền thủ tướng ngay sau vụ ám sát Tổng thống Mose - là một nhà lãnh đạo bất hợp pháp "trên thực tế" mà quyền lực của ông sẽ được củng cố bởi chính phủ cũng như sự can thiệp của nước ngoài.
Các băng đảng đang khai thác tâm lý này của một bộ phận dân chúng. Chẳng hạn, một thủ lĩnh băng đảng Haiti khét tiếng, cựu cảnh sát Jimmy Cher[1]izier, với biệt danh là "Bar[1]becue", đã cảnh báo rằng ông ta sẽ chống lại bất kỳ thế lực nước ngoài nào nếu lực lượng đó tìm cách giữ Thủ tướng Henry tại vị.
Tất cả những chi tiết ấy cho thấy một viễn cảnh khá rõ ràng - các sĩ quan cảnh sát Kenya, khi đối đầu với các băng nhóm, sẽ cần phải cẩn thận để tránh thương vong cho dân thường vô tội, nếu không muốn thổi bùng tâm lý bài ngoại tại đây.
Người dân Haiti muốn chấm dứt tình trạng bạo lực băng đảng nhưng cũng rất nhạy cảm với những can thiệp từ bên ngoài. Ảnh: Miami Herald
Và, để đảm bảo vượt qua những thách thức như thế, 1.000 cảnh sát sẽ không đủ. Các nhà phân tích xung đột cho rằng lực lượng phái bộ được Liên hợp quốc triển khai tại Haiti có thể quá nhỏ để mở đường và giải phóng các cảng cũng như kho nhiên liệu khỏi sự kiểm soát của băng đảng ở quốc gia này.
Tiến sĩ Vanda FelbabBrown thuộc Viện Brookings nhận định, việc luân chuyển ca và các nhiệm vụ hành chính thậm chí có thể khiến phái bộ chỉ triển khai được vài trăm cảnh sát trên đường phố ở Haiti vào bất kỳ thời điểm nào, quá ít để giành quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay các băng đảng.
Theo bà Felbab-Brown, lý tưởng nhất là có một lực lượng gần 10.000 cảnh sát quốc tế được gửi tới Haiti. Và, có lẽ, “điệp vụ” của phái bộ do Kenya dẫn đầu lần này cũng vẫn mang màu sắc “phiêu lưu” đáng kể, nếu nhìn vào những thách thức đang chờ đón họ tại một trong những quốc gia bất ổn nhất thế giới hiện nay.
Jimmy Cherizier, thủ lĩnh băng đảng quyền lực nhất Haiti thúc giục dân xuống đường biểu tình phản đối chính phủ, đe dọa lật đổ Thủ tướng Ariel Henry.
Nguồn: [Link nguồn]